Nếu ở Việt Nam bạn cố gắng 10, thì sang Đức bạn phải nỗ lực 1000 lần. Và nếu ở Việt Nam bạn có thể nói với mẹ bạn: Mẹ ơi, con mệt rồi! Nhưng ở Đức, không một giây phút nào bạn được cho bản thân được nghỉ ngơi và ngừng chiến đấu đâu. Bạn phải làm việc thay vì lựa chọn đi chơi. Mà cũng chẳng có ai đi chơi, vì ở đây bạn bè khi được nghỉ đều tìm cách làm thêm kiếm tiền cả.
Ở Đức, một công việc làm ở hàng ăn bình thường, chăm chỉ thì tháng bạn có thể kiếm 50tr-60tr. Nhưng đương nhiên vất vả, cuộc đời này không nơi nào có bữa cơm nào miễn phí cả.
Chưa kể khoảng cách xa xôi, cuộc sống ở Đức cũng khá buồn, xa người thân, đối mặt với cơm áo gạo tiền. Bạn sẽ phải sống như một cây cỏ dại. Nỗ lực, để không bị xô ngã. Về Việt Nam, thì đơn giản, sống cũng đơn giản hơn.
Nhưng được sống ở Đức, tất cả những người Việt Nam sang đây học hành, đi làm, sau đó không ai muốn phải về nước trừ những trường hợp ngoại lệ kia.
Vì cuộc sống ở đây chỉ cần chăm chỉ, có thể kiếm ra tiền. Phúc lợi xã hội, bảo hiểm, y tế, đường xá, rồi môi trường giáo dục cho con cái đều được hưởng những gì tốt nhất mà nếu ở Việt Nam bạn sẽ thật sự thiệt thòi hơn. Nhưng nếu không chăm chỉ học hành.
Thì việc về nước cũng chẳng sớm hay muộn. Bởi ở đây, bạn không thể dựa vào quan hệ hay dùng tiền để mua chuộc bất cứ thầy cô nào. Chỉ có cách duy nhất là bản thân bạn phải học tập, phải chăm chỉ, mới có thể tìm được chỗ đứng.
Người Đức sống rất thành thực, chuẩn mực, nghiêm túc. Họ luôn đúng giờ, luôn chính xác. Nên đừng mang những thói quen ở Việt Nam sang để sống ở đất nước này. Rồi có ngày bạn sẽ bị đào thải thôi.
Chăm chỉ học hành, làm việc. Điều này kể cả ở Việt Nam bạn cũng phải nỗ lực mới có chỗ đứng.
Nên nếu ngay từ đầu bạn lựa chọn sang Đức. Hãy đặt cho mình câu hỏi: Đi Đức để làm gì? Hãy nghĩ đến khoảnh khắc đầu tiên bạn mơ đến Đức và xem lại mục đích của bạn đến đây để làm gì? Nếu xác định đi du học để sống ảo, hay để đu theo thiên hạ thì xin mời bạn lựa chọn cách sống khác. Đi Đức không phải để oai với ai, mà để bạn mạnh mẽ thật sự tìm chỗ đứng và ý nghĩa cuộc đời mình.
Nguồn: Tri thức trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC