Kiểu sinh hoạt, ăn uống của nhiều người Việt tại Đức như vậy có nên chăng?

Mùa Thu qua, rồi mùa Đông lại tới. Năm nào cũng vậy cứ đến dịp này là bệnh sổ mũi, hắt hơi, cảm cúm và ho tựa cuốc kêu lại dễ đến với từng người.

Dịp đón tết Tây, tết ta lại cập kề bên cửa sổ. Tại Thủ đô Berlin, nơi nhiều người Việt ở, mọi người lại có cơ hội thay phiên mời nhau, hội hè rượu chè và ăn uống vui vẻ.

Nhiều người mất bằng lái xe cũng vì dịp này. 

Kiểu sinh hoạt, ăn uống của nhiều người Việt tại Đức như vậy có nên chăng? - 0

Một buổi thi nấu ăn ``Món ngon bếp Việt`` được tổ chức ở bãi đỗ xe ô tô của chợ Đồng Xuân Berlin

Người Đức thì họ ăn ở nhà hay đi ăn quán hoặc dự tiệc mời, họ đều ăn riêng bát, đĩa và thìa dĩa. Vì thế khâu giữ vệ sinh rất tốt và an toàn. Nhưng chúng ta thường ngồi ăn theo mâm, thức ăn được bày vào đĩa hoặc bát sẵn. Đến giờ ăn là  mọi người cùng nâng ly, nhấc đũa, bưng bát lên là gắp ăn chung.

Tưởng thế là thân mật như anh em một nhà, nhưng theo tôi thì không văn minh chút nào và rất mất vệ sinh.

Những người ngồi cùng mâm cũng không biết ai có bệnh lây lan gì. Nếu có, ai dại gì mà kể. Thậm chí nhiều người mắc bệnh cúm, ho sù sụ, được mời là cứ đi, chứ không biết ý mà ở lại nhà.

Người Đức họ sống rất ý thức.

Nếu  bị bệnh dễ lây lan, gặp người quen, họ chào nhau từ xa, nói ra nguyên nhân mình bị bệnh rồi xin lỗi lánh đi, không dám bắt tay nhau. Nhưng chúng ta thì „Scheiße egal“.

Điếc không sợ súng cứ ôm ấp bắt tay nhau bình thường, có khi còn ho bắn cả bọt vào mặt nhau nữa.

Những người ấy ngồi vào mâm sẽ làm cho cả mâm lây bệnh. Khi mọi người cơm no, rượu say, mò về nhà là từ từ lây bệnh.

Sáng mai đau đầu, nước mũi, nước mắt nhỏ dài, toàn thân đau ê chề, chới với không bò đi mà lấy hoa, lấy quả được, mới sực nghĩ ra, rồi ôm miệng chửi đổng cho đỡ hận

``Mẹ kiếp thằng ấy, thằng nọ, vì tham ăn mà nó làm khổ cả mình `` v.v…

Nhiều vị lấy phải bà vợ tham công tiếc việc, máu tiền lại không sẵn lòng thương yêu và cộng với sự thiếu quan tâm không thèm  hiểu. Họ thấy chồng không nhổm dậy được là toe toe cái mồm, nghếch cái cằm, ưỡn cái bụng ra tru tréo, chửi với vào giường : „ai bảo xơi cho đẫy rượu vào…“ .

Thật là nỗi lòng biết ngỏ cùng ai ?.“quýt làm cam chịu“.

Âu cũng là do một phần nguyên nhân của nền văn minh ẩm thức Á Đông mà ra !

Kiểu sinh hoạt, ăn uống của nhiều người Việt tại Đức như vậy có nên chăng? - 1

Nước bọt trên đũa của người ăn được khoắng trong bát canh xáo măng, đã truyền bệnh cho người khác

Cỗ bàn tôi đi ăn nhiều, nơi cần phải có phong thư, nơi lại chỉ cần xoa hai bàn tay vào nhau đánh đét một cái, cả hai nhìn nhau cười hí hửng là thượng lộ. Nhưng có phong bì hay đi tay không. Nói đến đi ăn cỗ thì ngoài bia rượu uống cho tá lả ra thì còn có nhiều món ăn phong phú và hấp dẫn nữa.

Thường thì trên bàn bao giờ cũng có món canh cá hay canh măng hoặc miến nấu gì đó. Nhiều nơi mặc dù chủ nhà đã ý tứ để sẵn muôi múc, nhưng do thói quen chúng ta cứ cho đũa của mình vào khua, ngoáy từ chôn bát ngoáy lên, để xêu cái, xêu thịt hấng vào bát mình. Tôi nhìn họ mà nhớ tới mấy ông thợ đánh dậm bắt cá ở quê mình.

Nước bọt trên đũa của họ thế là được rửa trong bát canh một cách ngoạn mục và ngon lành, thay cho mì chính mời mọi người cùng xơi! Thế rồi người khác cũng bắt chước nhau. Thế là bát canh cuối bữa có bao nhiêu là vị xúc tác, bao nhiêu là DNA chồng chéo xen kết vào nhau.

Ở Đức này chúng ta có thèm khát gì như thời bao cấp ngày xưa ở Việt Nam, ấy thế mà nhiều vị cứ còn giữ khư khư cái kiểu nhường nhịn „muốn ăn gắp bỏ cho người“.

Đũa thì không trở đầu, cứ thế là gắp dò chả, tôm chiên hay thịt luộc bỏ vào bát của người ngồi bên cạnh.

Tưởng là lịch sự. mọi người khen mình là „kẻ  biết điều“ nhưng quả thực là ngược lại. Rất mất vệ sinh.

Nhiều người được gắp cho, không thích, nhưng cứ phải nhắm mắt mà ăn, mà nuốt; Bởi gắp trả lại thì e sự mất vệ sinh sẽ tăng  lên theo cấp số nhân.

Tôi thiết nghĩ đại đa số người lớn tuổi, chúng ta sang Đức đã lâu, nên học nền văn minh của họ.

Còn thích ăn kiểu Việt Nam hợp với thuần phong quê mình thì mỗi món ăn nên có cái thìa, cái dĩa hoặc cái muôi để sẵn đó. Mọi người cùng ăn và có ý thức giữ vệ sinh chung.

Đã trót cho đũa của mình động vào con tôm hay miếng thịt gà luộc ở trên mâm, thì sống chết cũng phải đưa vào bát mình thứ đó, chứ đừng bới bới như con gà rãi đống rơm ở trên đĩa để cố tìm cho mình một miếng ngon lý tưởng, hợp gu.

Người xưa có câu: „Bệnh từ mồm vào, họa từ miệng ra“.

Miếng ăn nhiều khi cũng là miếng nhục. Làm người khác cũng vì mình mà nhục lây thì không hay chút nào phải không các bạn?

Chúc cộng đồng chúng ta luôn luôn khỏe mạnh, biết thương yêu và có ý tứ vì nhau để  cuộc sống được vui vẻ nơi đất khách.

 

Nguyễn Doãn Đôn - Từ Berlin

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày