Học tiếng Việt ở Đức - Cách nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc

Nghe nói về chị đã lâu, nhưng phải đến lần thứ ba mới gặp được chị Nguyễn Thu Loan, người phụ nữ được cộng đồng và phụ huynh gọi thân mật bằng cái tên “người vác tù và hàng tổng”.

Không phải có khó khăn gì, mà công việc tại Trung tâm đa văn hóa (AWO) ở Berlin, nơi chị công tác và lớp dạy tiếng Việt vào ngày Chủ nhật hàng tuần gần như chiếm hết thời gian của chị. Dù biết ở Đức, việc đặt hẹn làm việc ngoài giờ là điều tối kỵ, nhưng phóng viên tại Đức đã có một ưu ái đặc biệt.

Người phụ nữ có dáng người gày nhỏ, khuôn mặt thanh tú với nước da trắng và nụ cười hiền hậu đã gây thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Vồn vã đón khách, chị vừa bắt tay chào vừa dẫn tôi vào phòng làm việc, vừa giới thiệu, vừa pha nước, nhưng trong lúc chờ đợi tay vẫn thoăn thoắt sắp xếp và tìm kiếm những tài liệu liên quan đến lớp học tiếng Việt của chị. Tôi chợt nghĩ, có lẽ phải thế chị mới có thể giải quyết hết được hàng núi công việc mỗi ngày.

1 Hoc Tieng Viet O Duc   Cach Nuoi Duong Tinh Than Yeu Nuoc Long Tu Ton Dan Toc

Ảnh minh hoạ: Thanh Tùng/TTXVN

Cái tên “người vác tù và hàng tổng” cũng xuất phát từ chính công việc của chị. Đảm nhiệm vai trò điều hành trong một tổ chức đa văn hóa, với việc sắp xếp, tổ chức hoạt động của tất cả các câu lạc bộ đến từ nhiều nước trên thế giới tại Berlin, công việc đã ngập đầu, nhưng chị Nguyễn Thu Loan vẫn luôn đau đáu với việc làm gì để cộng đồng người Việt có một sân chơi bổ ích và lành mạnh. Chị suy nghĩ sinh hoạt văn hóa cộng đồng không chỉ đơn giản là các hoạt động vui chơi giải trí hay thể dục thể thao, mà việc học và dạy ngoại ngữ cũng chính là một cách truyền bá và bảo tồn các giá trị văn hóa. Với tâm niệm đó, lớp dạy từ thiện tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Đức ra đời năm 2008, cũng là thời điểm chị vào làm việc tại Trung tâm đa văn hóa AWO.

Những ngày đầu, khó khăn về việc mở lớp không khổ bằng việc tổ chức lớp học. Chủ nhật là ngày nghỉ nhưng xem ra lại thích hợp nhất để có thể đáp ứng nhu cầu học của mọi thành phần. Và không thể tưởng tượng, lớp học từ chỗ chỉ có khoảng 10 học sinh, vài tháng sau đã lên tới 60-70 học sinh, có thời điểm đông lên tới 80 học sinh, khiến chị Nguyễn Thu Loan phải chia làm 3 lớp, 3 ca khác nhau. Sau 15 năm gắn bó, cần mẫn, chị đã có hàng nghìn học sinh đến học. Số học sinh xin vào luôn đông hơn số ra. Chị kể, có những lúc buộc lòng phải từ chối, bởi có những em theo học đến 5-6 năm vẫn muốn học tiếp. Nên dù thương lắm, chị vẫn phải động viên để các em đã có chút “vốn tiếng Việt” tốt có thể tự học tiếp, dành lớp cho các bạn mới.

Với số học sinh không đồng đều, lại thêm yếu tố độ tuổi chênh lệch, từ 6 đến 45 tuổi, kế hoạch ban đầu xếp lớp theo trình độ đã bị thay đổi, theo đó mỗi lớp được chia theo nhóm.

Bởi lẽ không chỉ các em, mà các bậc phụ huynh, người trưởng thành, sinh viên cũng muốn đến học. Một gia đình có 3 chị em hoặc cả bố mẹ đi học không thể chia thành 3 ca khác nhau vì việc đi lại đưa đón rất khó khăn. Cũng chính vì thế mà việc soạn giáo trình và dạy học cũng trở nên khó khăn hơn. Chị Nguyễn Thu Loan chia sẻ, mặc dù chương trình học được áp dụng theo các bộ sách của Bộ Giáo dục Việt Nam, nhưng trong quá trình giảng chị tự mình điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh. Để đảm bảo cho các học viên tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả nhất, mỗi lớp chị phải chia thành các nhóm nhỏ với những trình độ khác nhau. Tuy nhiên, chủ đề lại giống nhau, với hầu hết các lớp đều có giáo trình thiên về chủ đề gia đình, đất nước và những nét văn hóa truyền thống của người Việt.

Một nguyên tắc không thay đổi cũng được coi là “kim chỉ nam” trong các lớp học của chị Nguyễn Thu Loan, đó là khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”.

Chị giải thích, không chỉ là học tiếng Việt mà chị còn muốn dạy học sinh, những người mang dòng máu Việt, đặc biệt là các thế hệ thứ hai thứ ba đang sống tại Đức, hiểu về văn hóa và truyền thống lễ nghĩa của người Việt. Vì vậy, để tạo hứng thú hơn cho mỗi tiết học, chị Nguyễn Thu Loan luôn lồng ghép những câu đố vui liên quan đến chủ đề lễ tết hay những câu chuyện đạo đức, những bài học rút ra được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Chị bày tỏ rằng thông qua những hình ảnh gợi mở, những câu chuyện vui, học viên sẽ dễ dàng nhớ và thuộc bài nhanh hơn so với việc chỉ học trên sách.

Thông thường khoảng một năm, học sinh có thể nói chuyện, đọc và viết câu ngắn tùy vào trình độ và vốn tiếng Việt có sẵn hay chưa. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thu Loan chia sẻ rằng một số em học từ cấp hai, cho đến khi vào đại học, đã có vốn tiếng Việt rất tốt, thậm chí có em đã được làm công việc dịch thuật hoặc tư vấn bằng tiếng Việt.

Để phong trào dạy và học tiếng Việt được duy trì liên tục và mở rộng, mỗi năm chị Nguyễn Thu Loan còn tổ chức nhiều hoạt động nhân những ngày lễ lớn của Việt Nam, như Tết cổ truyền, Tết Trung thu, Ngày hội văn hóa Việt Nam... Chị chia sẻ, không chỉ tạo cảm giác hứng khởi, luyện kỹ năng giao tiếp, đây chính là dịp để học sinh hiểu được cơ bản về những phong tục tập quán của người Việt, cũng như yêu tiếng Việt hơn, để từ đó tham gia nhiều hơn vào sinh hoạt văn hóa. Đây cũng là cách nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và bảo tồn truyền thống văn hoá, hướng về quê hương.

Với mong muốn duy trì và phát huy tiếng Việt, chị Nguyễn Thu Loan đang góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và truyền bá văn hóa Việt không chỉ tới cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài mà còn tạo ra hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Phương Hoa (TTXVN)


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày