Trong thời gian gần đây, cộng đồng người Việt ở Đức cảm thấy đau buồn, khi tương đối nhiều người đồng hương đã ra đi mãi mãi, mặc dù tuổi đời còn khá trẻ.
Xem trên các báo cộng đồng có thể thấy từ đầu năm tới nay đã có mười mấy trường hợp „Cáo phó“, trong đó đa phần ghi người quá cố chỉ được „hưởng dương“, chứ chưa được „hưởng thọ“ tức là chưa tới 60 tuổi!
Nhiều người Việt đã phải để lại thân xác ở Đức, khi tuổi đời còn khá trẻ.
Dịch vụ y tế ở Đức vốn nổi tiếng là tốt, kỹ thuật hiện đại, bác sĩ phần lớn có chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao, mà tại sao nhiều người Việt ở Đức lại phải lìa bỏ cõi trần, mặc dù tuổi đời mới trên, dưới 50, thậm chí có người mới vừa tròn 40 tuổi?
Mặc dù không có điều kiện điều tra về từng trường hợp cụ thể, nhưng chúng tôi có thể hình dung ra những trường hợp sau đây:
Đầu những năm 1990, sau khi bức tường Berlin sụp đổ, phần lớn người Việt phải đi bán hàng ngoài trời để kiếm ăn và xin giấy phép lưu trú. Mặc dù nhiều hôm trời rất lạnh, tuyết rơi nhiều mà người ta vẫn phải cố sức ra chợ. Khi đó phần lớn người Việt ở Đức trong diện hợp tác lao động mới ngoài hai mươi tuổi, có sức khỏe, sức chịu đựng còn tốt nên cứ tự nhủ phải cố gắng.
Nhiều người phải mặc hai, ba quần, thậm chí nhét cả giấy báo vào trong quần để giữ nhiệt, tưởng chừng có ngã thì không dậy nổi mà ở ngoài trời lâu cũng phải cảm nhận được thế nào là „lạnh thấu xương“.
Vì giá lạnh, một số người đã bị tổn thương thận, dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe của toàn cơ thể, một số người phải thường xuyên đi lọc máu vì thận hỏng.
Nhiều người Việt Nam ở Đức phải làm việc quá nhiều, nhất là các chủ quán thường phải làm việc trên 12 tiếng một ngày, thức đêm thức hôm, thời gian ăn uống thất thường nên ảnh hưởng tới sức khỏe, chưa kể phải thường xuyên hít mỡ vào người qua đường hô hấp.
Hệ thống y tế của Đức tuy tốt, nhưng việc xin lịch khám ở một bác sĩ chuyên khoa thường rất lâu, có thể tới 2-3 tháng mới có lịch hẹn. Khi có lịch hẹn cũng phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới đến lượt khám.
Vì thế, do tham công tiếc việc, nhiều người Việt ngại đi khám bệnh và cũng không có thói quen khám bệnh định kỳ để phòng ngừa.
Những người Việt không thạo tiếng Đức lại càng ngại đi khám, vì không thể thường xuyên nhờ con đi theo dịch được, do con cũng bận việc học, việc đi làm… Vì thế, nhiều người khi bị đau quá mới đi khám bệnh thì đã quá muộn, vì bạo bệnh đã phát triển đến giai đoạn cuối.
Tỉ lệ nhiễm virút viêm gan B ở Việt Nam khá cao, ước tính từ 10 tới 20%. Nhiều người khi sang Đức đã nhiễm virút từ trước mà không biết, khi còn khỏe thì không sao, khi cơ thể yếu sẽ phát bệnh. Nếu không phát hiện để chữa sớm, bệnh có thể phát triển thành ung thư gan.
Trên đây là một số nguyên nhân mà chúng tôi nghĩ rằng có liên quan tới tỉ lệ tử vong trẻ của người Việt ở Đức, trên thực tế chắc sẽ có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nữa.
Để bảo vệ sức khỏe, mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ, nhất là khi đã đến tuổi trung niên, để sớm phát hiện được bệnh, đặc biệt là các bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch… Những căn bệnh được coi là „sát thủ thầm lặng“.
Ngoài công việc, mọi người cũng nên dành thời gian thích hợp để nghỉ ngơi, đi du lịch hoặc thể thao, đừng có quá lo nghĩ, tham công tiếc việc quá sức, cố quá để thành ra quá cố!
Nguồn: thoibao.de
© 2024 | Thời báo ĐỨC