Cuộc sống chui lủi của những người nhập cư Đức 'bằng xe thùng'

Nước Đức đã nới lỏng luật nhập tịch, chọn cách nhập cư đàng hoàng hay trái phép, tùy bạn lựa chọn.

1 Cuoc Song Chui Lui Cua Nhung Nguoi Nhap Cu Duc Bang Xe Thung

Tôi đã đọc bài Bị biển nuốt gọn của tác giả Võ Nhật Vinh.

Là một người đang sinh sống và làm việc tại Đức, tôi xin có đôi lời chia sẻ và cung cấp một số thông tin luật pháp có liên quan đến lao động tại nước Đức. Tôi hy vọng có thể giúp cho các bạn trẻ trong nước có cái nhìn thấu đáo và suy nghĩ cặn kẽ trước hành trình tìm kiếm hạnh phúc nơi xứ người.

Đầu tiên, người nhập cư bất hợp pháp ở Đức sinh sống ra sao?

Những người bất hợp pháp như vậy dân sở tại ở đây gọi là những người "không quần áo". Họ sống chui lủi, luôn sợ bị bắt vì không có giấy tờ. Người làm chủ không ai dám thuê vì sợ bị phạt rất nặng, thậm chí bị truy tố.

Chứa chấp và sử dụng người bất hợp pháp ở Đức là trọng tội nên ai dám thuê cũng là người liều mạng và thường như vậy là họ sẽ ép giá lao động rẻ mạt nhất để giảm chi phí. Hoặc cho làm công việc nặng nhọc ở những nơi khuất tất, vắng bóng cảnh sát. Không giấy tờ, không biết tiếng nên người sống bất hợp pháp đành phải chấp nhận điều này.

Nước Đức vào mùa đông thường rất lạnh, 3-4 tháng không có ánh mặt trời nên rất dễ bệnh. Không có bảo hiểm nên khi bị bệnh họ cũng không có khả năng đi khám mà sẽ tìm đến các hiệu thuốc để mua thuốc bổ không cần kê đơn hoặc tìm đến các cơ sở điều trị từ thiện.

Vì cuộc sống bấp bênh như vậy nên những người lao động bất hợp pháp thường cố kiếm giấy tờ bằng con đường kết hôn giả. Họ thường làm những việc bất hợp pháp để kiếm thêm tiền cho việc kết hôn giả này hoặc để thuê luật sư.

Việc chuyển đổi hồ sơ có lưu vết bất hợp pháp sang hồ sơ tị nạn là một việc cực kỳ khó và đòi hỏi có luật sư hỗ trợ. May mắn hơn, một phần cực kỳ nhỏ được cho phép tị nạn, học tiếng, học nghề. Còn phần lớn thì cứ sống chui lủi như vậy đến hết đời hoặc chịu hết nổi, phải ra tự thú để được trục xuất về nước.

Đầu năm 2024, nước Đức vừa ban hành quy định nhập cư mới đã được quốc hội và tổng thống ký thông qua, có hiệu lực tháng 3 năm nay. Trong đó có hai điều cực kì đáng chú ý, một là giảm thời gian nhập tịch từ 8 năm xuống còn 5 năm, và hai là cho phép song tịch, người nhập tịch được phép giữ lại quốc tịch cũ của mình.

Điều đó có nghĩa là, bất cứ ai sinh sống hợp pháp trên nước Đức, bất kể du học nghề, du học sinh hay lao động chất lượng cao, nếu đóng đủ 60 tháng tiền thuế bất kể ít nhiều đều được xin nhập tịch.

Về xin thẻ cư trú vĩnh viễn (thẻ vĩnh trú), thời gian cần chỉ là 2 năm làm việc. Từng tìm hiểu quy định nhập cư của nhiều nước châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật Bản, tôi chưa thấy quốc gia nào (hoặc tôi chưa biết) mà sau hai năm bạn có thể có được thẻ vĩnh trú, có nghĩa là bạn có thể sinh sống ở quốc gia đó vĩnh viễn vô điều kiện. Và vì ở châu Âu, với thẻ này của Đức, bạn được di chuyển tự do trong khối EU.

Ngoài ra còn một số quy định như tăng thời gian làm thêm cho du học sinh, tăng thời gian cho phép ở lại tìm việc sau khi tốt nghiệp, cung cấp visa tìm việc (seeking job visa) lên đến một năm. Tất cả những điều này đều nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực bổ sung cho nước Đức, cả phổ thông lẫn chất lượng cao.

Theo báo cáo của Viện Kinh tế Đức (IW), nước này đến năm 2030 sẽ thiếu hơn 5 triệu nhân lực, do tình trạng già hóa dân số cũng như nhu cầu ngày càng tăng trong các lĩnh vực kinh tế mới.

Điều bạn cần là tiếng Đức tốt và chăm chỉ. Dân Việt Nam nói riêng và dân Á Đông nói chung thường cần cù chăm chỉ. Bạn chỉ cần cố gắng học tiếng tốt nữa thôi.

Tương lai của các bạn, nhập tịch bằng cách chính thức hay "đi xe thùng" là do chính bạn chọn lựa.

Duy Nguyen


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày