Giống như các chợ ở Việt Nam, chợ Việt ở Đức cũng ồn ào, náo nhiệt. Trong các quầy hàng thực phẩm châu Á, người ta cũng cười nói oang oang, gọi nhau í ới… chứ không đi nhẹ, nói khẽ như trong các chợ của Đức.
Thông thường, chợ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa và giao lưu.
Ở mỗi địa phương, chợ có những phong tục riêng, tạo nên những nét văn hóa riêng của địa phương đó, nổi tiếng như chợ Viềng ở Nam Định vào ngày 8 tháng giêng hàng năm để khách thập phương tới „mua may, bán rủi“, chợ tình Khau Vai vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm để những đôi năm nữ có tình duyên trắc trở đến đây tâm sự…
Tới thăm chợ ở các địa phương là một cách tìm hiểu phong tục, văn hóa của địa phương đó.
Người Việt Nam quan niệm là „Phi thương bất phú“, nên khi cộng đồng người Việt ở Đức đông lên thì chợ cũng mọc ra.
Tại các thành phố ở Đức có đông người Việt sinh sống thì đều hình thành các chợ, được gọi là trung tâm thương mại.
Nhiều chợ đã thành công trong việc mang lại công ăn việc làm, tạo ra của cải, vật chất cho người Việt ở Đức, thậm chí góp phần truyền bá văn hóa ẩm thực và văn hóa phi vật thể của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Nhiều người Đức giờ đây cũng đã biết tới, nên hay đến các „chợ“ người Việt để thưởng thức các món ăn đúng với hương vị Việt Nam và thưởng thức một chút không khí Việt Nam mà không phải tốn vé máy bay.
Nhưng như người ta thường nói, giàu thì có thể một đời, nhưng sang thì phải đến ba đời. Một số người Việt mới có chút tiền đã ngông nghênh, tỏ vẻ ta đây, thể hiện bản chất trọc phú của mình.
Giống như các chợ ở Việt Nam, chợ Việt ở Đức cũng ồn ào, náo nhiệt.
Trong các quầy hàng thực phẩm châu Á, người ta cũng cười nói oang oang, gọi nhau í ới… chứ không đi nhẹ, nói khẽ như trong các chợ của Đức.
Văn hóa quảng cáo trong chợ.
Trong các quán ăn cũng vậy, người ta vừa ăn, vừa cười, vừa nói. Nếu một nhóm đông người ăn thì người ta chuốc rượu nhau „dzô, dzô“ ầm ĩ. „Rượu vào, lời ra“, người ta tha hồ „chém gió“, bình phẩm chuyện thiên hạ.
Nhiều dịp, các quán ăn được biến thành hội trường để các hội đoàn hội họp, đại hội, tổ chức lễ kỷ niệm.
Sau phần nghi lễ, đến phần văn nghệ thì ca sĩ cộng đồng hát cứ hát, thực khách ăn cứ ăn, cứ nói, cứ cười.
Thỉnh thoảng có khán giả cao hứng chạy lên tặng hoa rồi bá vai ca sĩ chụp ảnh, coi như vào chỗ không người, bất kể ca sĩ đang cố gắng tập trung thể hiện một tác phẩm văn hóa.
Quán ăn cũng là hội trường đa năng để người ta tổ chức các loại liên hoan, từ đầy tháng, đầy năm cháu, tới lễ trưởng thành của con, thậm chí là đám cưới. Một số phong tục vốn chỉ được tổ chức hạn hẹp, thân mật, ấm cúng trong gia đình, giờ đây cũng được mang ra nhà hàng trong chợ, mời nhiều người để thể hiện.
Có những cháu đầy tháng, đầy năm được mang ra trình diễn, được xốc nách giơ lên cao, làm như chúng là những chiếc cúp vô địch và cha mẹ chúng là những siêu sao.
Bên cạnh những hoạt động cần thiết và hữu ích, một số thứ nhốn nháo, kệch cỡm trong cộng đồng có thể gọi là „văn hóa chợ“ với những thói xấu được người xưa gọi là kiểu „hàng tôm, hàng cá“.
Văn hóa chợ được áp dụng vào cả những công nghệ tiên tiến, khi người lập ra nhóm này, nhóm nọ với những cái tên nghe rất kêu, nhưng thực ra là „treo đầu dê, bán thịt chó“ trong mạng xã hội để tha hồ độc quyền chửi rủa, công kích những người khác một cách thô tục, nhưng lại ngăn cản những người bị công kích đưa quan điểm của mình lên trang mạng xã hội đó.
Văn hóa chợ được thể hiện cả trong việc kiện nhau ra chốn công đình vì những chuyện vớ vẩn.
Người Việt Nam ta ở Đức đang rất cần một thứ văn hóa, đó là văn hóa giao tiếp, ứng xử với nhau, văn hóa tranh luận trong cộng đồng.
Trong một gia đình còn có bất đồng chứ đừng nói tới trong xã hội, trong cộng đồng.
Nhưng trong tranh luận để giải quyết bất đồng cũng rất cần có văn hóa. Người ta phải tôn trọng nhau, đừng bao giờ dùng những lời lẽ thô tục để xúc phạm tới nhân phẩm của nhau, nếu mình cũng muốn được tôn trọng, không bị xúc phạm.
Đừng tưởng „Cả vú lấp miệng em“ nói át đi là mình thắng, đừng tưởng cộng đồng không biết gì, họ biết hết, nhưng vì lý do này khác mà tránh không nói ra miệng, nhưng thâm tâm họ thì nghĩ khác.
Vũ Văn – Thoibao.de
© 2024 | Thời báo ĐỨC