Bữa nay tôi muốn bàn về một đề tài theo tôi là tối quan trọng trong đời sống của phụ nữ Việt Nam tại Đức.
Tôi bắt đầu bằng quan niệm về phụ nữ khi xưa ở Việt nam, tiếp theo là quan niệm của người Đức về phụ nữ hiện nay để đưa kết luận.
Tuy tôi không sống ở Việt Nam từ hơn bốn chục năm qua, nhưng tôi theo dõi cuộc sống phụ nữ Việt qua báo chí và nhận thấy là xã hội Việt đã thay đổi rất nhiều, số phụ nữ làm việc mỗi ngày mỗi tăng,.
Tuy nhiên cách suy nghĩ của người Việt vẫn còn chịu ảnh huởng của Khổng Giáo là triết lý xã hội thấm nhuần từ Thời Bắc Thuộc.
Theo triết lý này thì phụ nữ chỉ có nhiệm vụ lo tề gia, nội trợ. "Nam ngoại, nữ nội" diễn tả tư duy này.
Phụ nữ sống ở Đức không thể giữ tập tục như vậy được vì xã hội Đức khuyết khích phụ nữ có mọi quyền ngang với nam giới và trong nhiều lãnh vực, lại được hậu đãi hơn nam giới khi xin việc làm.
Phụ nữ được ưu tiên tuyển chọn khi có khả năng ngang với nam giới và hãng phải việc lý do tại sao không tuyển phụ nữ vào làm.
Làm cách nào để đại được mục tiêu đó?
Trước hết, tôi xin trình bày những quan sát của tôi về tham vọng của phụ nữ trong việc học và việc làm như sau.
Trong giới sinh viên, nếu so sánh thời gian học và tốt nghiệp của nam và nữ du học sinh, tôi nhận thấy là cùng thời gian học, nam tốt nghiệp mau hơn nữ.
Tại sao? Nữ ngu hơn hay lười hơn? Hay nghĩ là: "tôi lo làm đẹp, để kiếm nam nuôi tôi? Có người nuôi tôi thì tôi không phải đi cày kiếm ăn?"
Chỉ có rất ít người Đức quan niệm như vậy.
Tuy nhiên, ở Đức, phụ nữ vẫn còn chịu ảnh hưởng từ nhiều thế hệ trước là phụ nữ không cần kiếm tiền để nuôi thân.
Có chồng, chồng lo, phụ nữ chỉ muốn kiếm thêm chút đỉnh tiền túi thôi.
Khái niệm của tôi thì hoàn toàn khác hẳn.
Ai cũng vậy, đã sinh ra thì phải tự mình đi cày để sống, nam hay nữ gì cũng như nhau. Ai có chân, có tay thì đi làm được, trừ khi người khuyết tật mới để cho người khác nuôi mình.
Thời nay, đời sống của người làm việc thay đổi trong một thời gian rất ngắn. Những nghề nghiệp hiện nay kiếm tiền được thì ngày mai bị máy móc, Computer, Roboter thay thế. Việc đó không ai cần đến nữa.
Thí dụ: Có người cứ nhấn chuông nhà tôi, hỏi xem có cần người mài kéo, mài dao không?
Ông xã tôi nói là người này đến đều đặn. Bây giờ có ai cần người mài dao đâu? Người ta mua cái máy, rồi tự mài lấy hoặc là vứt cái cũ, không dùng được nũa đi, mua cái mới.
Tiền công mài dao, mài kéo còn cao hơn mua cái mới. Ngày nay, khi mình vào nhà máy của Đức, đi mỏi chân vẫn không gặp người nào làm việc, chỉ thấy có vài ông ngồi điểu khiển Computer.
Làm cách nào để chống lại việc mất công ăn sở làm?
Có những nghề biến đi mau hay chậm, mình phải theo dõi tình hình, và học ngành chuyên môn, hay cùng đường thì phải chuyển sang nghề khác.
Khi tuổi càng cao thì càng khó chuyển, vì ở Đức, hãng kỳ thị người lớn tuổi. Người lớn tuổi lãnh lương cao, vì vậy, với số lương của một người lớn tuổi có thể mướn được hai người trẻ tuổi làm cùng công việc.
Những nghề được coi là đi vào ngõ cụt thì mình chẳng nên học làm gì, phí công, phí của. Còn những nghề có tương lai, mình có khả năng, năng khiếu, đam mê để theo đuổi hay không? Đó là vấn dề nan giải.
Lại nữa, không phải nghề nào cũng hợp với người Việt.
Có những nghề, tốt nghiệp ở Đức xong, về Việt Nam kiếm được tiền, trong khi ở Đức, không ai mướn mình làm vì mình không cạnh tranh với người Đức được, thí dụ như môn Germanistik, tức là Văn Chương hay Ngữ Học Đức.
Hay nghề giáo, trừ khi người Việt sanh ra ở Đức hay đến Đức từ khi còn để chỏm.
Tôi đưa đề tài này ra vì nhiều phụ nữ nghĩ là có chồng, chồng nuôi, nhưng nếu chồng là người duy nhất kiếm tiền, rồi vì một lý do nào đó thất nghiệp thì gia đình sẽ ra sao?
Muốn ngóc đầu lên rất khó, còn muốn tụt xuống nấc thang xã hội thì rất dễ. Thu nhập của một người đi làm hiếm khi đầy đủ cho cả gia đình. Hai người cùng đi cày thì mới mong có của ăn, của để.
Tính tôi hay thiết thực. "Có thực mới vực được đạo".
Bao nhiêu gia đình ở Đức tan nát vì lý do tài chánh. Mình là phụ nữ cũng nên nghĩ xa một chút, có tham vọng một chút để mang của cải về cho gia đình mình.
Đó là yêu chồng, yêu con, lo cho gia đình. Mình có của thì mình sướng, chớ ai vào đó mà hưởng.
Gia đình mình lãnh trợ cấp xã hội thì muốn đi chơi Barcelona cũng phải tính từng euro, ai nên đi, ai không nên đi, khó khăn lắm.
Tác giả bài viết: Karin Puttfarken -M.A., Universität Hamburg, Deutschland
Nguồn: Facebook Karin Puttfarken
© 2024 | Thời báo ĐỨC