Chuyện xưa kể rằng tại quận Lichtenberg, nơi là khu chợ „Đồng Xuân Center“ của người Việt Nam bây giờ, ngày đó còn là một khu rừng, nhà cửa lác đác, dân số thưa thớt.
Cây cối rậm rạp và um tùm, có nhiều chim cú mèo và chim gáy đến ở.
Một hôm chim gáy gặp chim cú, thấy cú ta đang hớt hải, hình như đang bực tức điều gì đó.
Chim gáy mau miệng hỏi:
- Này bác cú ơi, bác đi đâu thế?.
- Tôi định chuyển nhà sang phía Tây ở chú ạ, cú mèo trả lời
Chim gáy lại hỏi bằng một giọng tò mò:
- Tại sao bác lại ra đi?
- Ở đây người ta nghe tiếng tôi kêu, người ta ghét, cho nên tôi phải đành ra đi chú ạ!, chim cú phân bua.
Chim gáy giải thích:
Em nói bác đừng giận, bác chỉ có cách đổi tiếng kêu rùng rợn của bác sang một giọng êm đềm thì mới ổn, chứ bác vẫn cứ giữ tiếng kêu ấy thì bác dẫu có sang phía Tây hay ở đâu chăng nữa thì người ta cũng sẽ đều ghét bác. Nhân tình thì ở đâu cũng thế cả.
Cứ như ý tôi, thì không gì bằng bác phải rụt cổ, thu cánh suốt đời không kêu nữa là hơn.
Đọc câu chuyện này của người xưa, tôi thấy đúng như vậy. Người Việt mình thường nói: Cú kêu ra ma, cú ở Đông Berlin, kêu người ta ghét, lấy gạch ngói, mảnh sành ném.
Cú cứ tưởng sang Tây Berlin thì người ta ưa mình, nhưng tiếng kêu vẫn cứ khư khư như cũ, thì người bên Tây cũng ghét chẳng khác gì người bên Đông. Nếu muốn người ta yêu, thì một là phải đổi tiếng kêu, hai là thôi hẳn đừng kêu nữa, chứ không phải chỉ đổi chỗ mà yên được.
Trong cộng đồng người Việt chúng ta, tôi thấy nó có bóng dáng của câu chuyện ngụ ngôn này.
Vấn đề hội nhập, nói thì đơn giản, nhưng thực hiện tốt được điều đó thì phức tạp vô cùng.
Để dân Đức tăng yêu, giảm ghét, cộng đồng ta phải tự thay đổi mình.
Nếu chúng ta không chịu khiêm tốn, học hỏi, tu dưỡng trau dồi thì dù ta có hàng trăm năm ở đất nước văn minh này chúng ta vẫn là những con người có „VIỆT TÍNH“ (hiểu theo nghĩa không hay và đáng chê trách).
Nhiều người sang bên Đức này, thời gian đã nửa đời người, hưởng thụ cuộc sống vật chất, tinh thần dồi dào của nước người ta mà những phong tục tập quán lạc hậu ở quê nhà vẫn cứ khư khư giữ, làm khổ người khác mà cũng làm khổ cả mình.
Gần đất xa Trời mà vẫn chưa sáng dạ. Nhiều người bảo thủ và ấu trĩ không sao khyên bảo được.
Nếu chúng ta biết „gạn đục khơi trong“, những phong tục lạc hậu chúng ta cắt bỏ, còn những phong tục truyền thống tốt đẹp thì ta truyền bá rộng ra, thì biết đâu bạn lại khen ta và học được gì ở ta cũng nên.
Những gì là lạc hậu, lỗi thời, thiếu văn minh thì các bạn đều đã biết cả qua những bài viết trước đây của tôi.
Chúc cộng đồng ta đoàn kết, vui vẻ và cùng nhau hội nhập tốt với người dân bản địa.
Nếu chúng ta làm được thì tiếng nói của cộng đồng và của từng người Việt Nam ta sẽ ngày một có trọng lượng hơn.
Chúng ta không chỉ tự hào vì con em chúng ta học tập tốt mà ngay các bậc phụ huynh của các cháu cũng làm cho người Đức phải tôn trọng trọng.
Berlin, 25.09.2016
Nguyễn Doãn Đôn – THOIBAO.DE
© 2024 | Thời báo ĐỨC