Bệnh "sĩ" của người Việt ở Đức

Ở Việt Nam, nói tới Việt kiều Đức, nhiều người sẽ nghĩ ngay rằng, đây là những người có tiền, những người giàu, hay thậm chí là các "đại gia". Vậy sự thực ra sao?

 

Bệnh sĩ của người Việt ở Đức - 0

Thích dùng xe hàng hiệu.

Thực ra, ở xã hội nào cũng có sự phân hóa giàu, nghèo. Một số người Việt ở Đức cũng có đầu óc làm ăn, "có gan làm giàu" và gặp thời thế nên cũng có nhiều tiền, có thể liệt vào hàng triệu phú Euro. Nhưng cũng có nhiều người làm ăn tất bật mà không đủ sống, phải dựa vào trợ cấp xã hội của Đức, được gọi là "Hartz IV".

Người có nhiều tiền, người có ít tiền là chuyện bình thường trong mọi xã hội. Nhưng nhiều người Việt Nam tại Đức cũng có một căn bệnh trầm kha khó chữa: Đó là bệnh sĩ diện hão.

Vào những khu vực đông người Việt như Trung tâm Thương mại Đồng Xuân ở Berlin, người ta có thể thấy ở đây rất nhiều xe ô tô đẹp, xịn, có tiếng như Mercedes, BMW, Audi, hoặc thậm chí là xe Porsche… Việc mua một chiếc xe đẹp, xe tốt, đắt tiền để đi cũng là bình thường, nếu người ta kiếm được nhiều tiền, vì đi những chiếc xe tốt an toàn hơn, đỡ mệt hơn khi phải đi xa vì công chuyện.

Nhưng có những người đi làm công việc cũng bình thường, thu nhập không cao, mỗi ngày chỉ đi vài cây số từ nhà đến nơi làm việc cũng phải cố mua xe có thương hiệu cho có vẻ là "ông chủ", rồi ăn nói khệnh khạng, ba hoa khoác lác.

Về việc học hành của con cái cũng vậy.

Dĩ nhiên ai cũng muốn cho con mình học giỏi, vào được đại học, cao học để trở thành luật sư, bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư… Nhưng có những gia đình, con không có khả năng, trí tuệ mà cứ thúc ép để có thể khoe con mình học đại học, nhưng rồi không được đâm ra thất vọng, mắng mỏ con cái, gây bất hòa trong gia đình, thậm chí dẫn tới bi kịch khi con không chịu đựng nổi sức ép của gia đình và việc học hành.

Trong khi đó, rất ít gia đình người Việt cho con đi học nghề, mặc dù việc dạy nghề ở Đức rất tốt với hệ thống kép (Dualsystem), kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đào tạo nên những công nhân lành nghề, rất cần cho xã hội.

Người Việt ở Đức làm nhà hàng rất nhiều, nhưng ít người được đào tạo bài bản, từ quản lý cho tới kỹ thuật phục vụ, phong cách phục vụ, nên chỉ là các nhà hàng "tầm tầm" được thôi, không có nhà hàng cao cấp.

Nhiều người Việt ở Đức có tính "nổ", thích khoe khoang.

Nhất là khi "trà dư, tửu hậu" thì chém gió ác liệt, luôn tỏ ra mình là người làm ăn giỏi, giàu có. Ở Đức đã vậy, khi về Việt Nam cũng thế. Nên nhiều người khi về Việt Nam như sống trong một thế giới ảo: Vì sĩ diện nên cứ phải vung tiền tiêu, cho dù "ruột đau như cắt", vì ở Đức đâu dám tiêu xài phung phí như thế. Nhiều người khi về không báo với Sở lao động, suốt ngày lo Jobcenter gọi ra trình diện thì phải tức tốc bay sang ngay, không thì bị trừ tiền.

Thế nhưng không ai dám kể ra những nỗi khó khăn vất vả, khi làm việc kiếm tiền bên Đức: Không ai dám kể tới những ngày giá rét dưới không độ mà vẫn phải đứng bán hàng ngoài chợ, mặc bao nhiêu quần áo vẫn thấy chân tay tê cóng…

Những người hay "chém gió" đã làm nhiều người ở Việt Nam hiểu sai cuộc sống bên Đức, làm cho có người hàng chục năm không dám về nước vì sợ không có tiền cho người nhà thì ngượng.

Trong khi đó, với một công việc bình thường, người Việt Nam ở Đức phải làm việc rất vất vả và với thu nhập hàng tháng, sau khi trả tiền nhà, tiền điện, tiền gas, tiền bảo hiểm và "nuôi" xe… chỉ còn lại một ít để dành.

Một người bạn làm nghề Nail than vãn: Sáng dậy, sau khi ăn sáng, đưa con đi học rồi đi làm. Có nhiều khi khách hàng đến dồn dập, phải nhịn tới 4-5 giờ chiều mới được ăn trưa, tối phải 8 giờ mới về tới nhà, người mệt rã rời chẳng thiết ăn uống. Nhưng hôm nào vắng khách lại mệt mỏi vì lo lắng, không có thu nhập.

Nhiều cặp vợ chồng có được một Kiosk bán hàng ăn nhanh đã là "tươm" lắm.

Về Việt Nam đã có thể khoe là chủ một nhà hàng. Nhưng sang tới Đức là cả ngày, cả hai vợ chồng quần quật, lấy công làm lãi, như một người tự nhận là "suốt ngày úp mặt vào chảo". Vì cửa hàng phụ thuộc nhiều vào vị trí, có chỗ đông khách, ăn nên làm ra, nhưng nhiều chỗ chỉ tằn tiện đủ sống mà thôi.

Những người mới ở Việt Nam sang Đức công tác hoặc thăm thân lần đầu, khi vào trong quán ăn ở "chợ" Đồng Xuân để ăn phở thì đều kinh ngạc vì bát phở to quá, nhiều người ăn không hết một bát.

Nhưng ở đây có lẽ là bình thường, vì làm việc chân tay nhiều, nên ăn khỏe. Tây ăn cũng khỏe. Tuy phần nhiều ăn khỏe, nhưng mỗi khi có dịp liên hoan, thức ăn đều thừa mứa. Vì dân ta vốn sĩ diện, sợ tổ chức liên hoan hay mời bạn mà ăn vừa đủ lại sợ bị chê là "kẹt xỉn", cứ phải ê chề ra, có khi phải đổ đi tới gần một nửa mới lại thoải mái và tự khoe là mình hào phóng. Thực ra là hoang phí.

Có những người vốn ít giao du, họ hàng, bạn bè ít. Nhưng khi thấy thiên hạ mời đám cưới con tới 300-400 người, thì cũng sĩ diện, đặt cỗ tới 50 mâm, rồi mời cả những người chỉ quen sơ sơ, gặp nhau vài bận. Chẳng may gặp lúc thời tiết xấu, khách ngại không tới, "ế cỗ" tới non nửa. Trông mà ái ngại.

Đức là một đất nước giàu có, nhưng người Đức rất tiết kiệm.

Khi ăn là họ cố ăn hết thức ăn, thậm chí dùng bánh mỳ vét sạch nước sốt còn lại trong đĩa. Nếu vì lý do nào đó không ăn hết, họ sẵn sàng đề nghị phục vụ bàn gói cho họ mang về.

Phần lớn người Đức có những đức tính tốt mà ta nên học tập, đó là thực thà, thẳng thắn. Những người làm công việc chân tay bình thường cũng không tự ti với công việc của mình, mà phần lớn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, đúng với chức năng của mình, không hơn, không kém. Có lẽ vì vậy mà „cỗ xe Đức“ thường tiến lên vững vàng: Có tay lái, có động cơ, nhưng cũng có giảm xóc, chịu lực và bánh xe lăn trên đường, cũng như những chi tiết nhỏ nhặt nhất để làm nên một cỗ xe hoàn chỉnh.

Theo Thoibao.de


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày