Tình hình ngành nail của người gốc Việt ở Mỹ trong năm 2020 như thế nào?
Để mừng năm mới, Tina Vo, một nhân viên dịch vụ khách hàng, 25 tuổi, thường đến Las Vegas để ăn uống và thử vận may với trò blackjack.
Trong hành lý của mình, cô thường mang theo những vật dụng cần thiết như nước hoa, váy kim sa và giày cao gót. Ngoài ra, cô cũng sẽ chăm sóc làn da rám nắng của mình kỹ lưỡng, sơn móng tay màu đỏ thẫm và nhuộm nâu mái tóc.
Vậy mà năm nay, Tina Vo không còn được “lấp lánh” như vậy. Cô hủy bỏ chuyến du lịch hàng năm và cũng thôi không chăm chút bản thân kỹ lưỡng như trước.
Mùa lễ hội vốn là thời điểm “vàng” của ngành công nghiệp làm đẹp trị giá gần 50 tỷ USD. Tuy nhiên, mọi chuyện không còn tốt đẹp như trước do dịch Covid-19 và lệnh giãn cách xã hội ở California.
Tình trạng ghế trống ở các tiệm nail đang bao trùm cả Little Saigon, nơi được biết đến như thủ phủ của nghề làm móng ở quận Cam, Mỹ. Điều này không những khiến vô số thợ làm móng phải nghỉ việc mà còn làm giảm thu nhập của cả bác sĩ thẩm mỹ, nhà trị liệu massage, thợ cắt tóc và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, khiến nhiều người ngày càng điêu đứng.
Một số nhân viên nói rằng doanh thu đã giảm tới 70%, những khách hàng thường xuyên đến salon để tẩy tế bào chết hoặc điều trị hầu như không còn nữa. Một số người khác than phiền rằng lệnh đóng cửa để giãn cách xã hội đã gây ra một cơn ác mộng tồi tệ về kinh tế.
Mùa lễ hội là giọt nước tràn ly
Chủ tiệm cho biết vấn đề tài chính của họ bắt đầu từ lệnh phong tỏa toàn tiểu bang California lần đầu tiên vào tháng 3, khi Thống đốc Gavin Newsom đổ lỗi cho một tiệm làm móng ở miền Bắc California là nơi lây truyền virus ra cộng đồng.
Những lời cáo buộc của ông sau đó được chứng minh là sai, nhưng đối với nhiều người gốc Việt ở đây, thiệt hại kéo theo vẫn còn dai dẳng.
Demi Quynh tìm kiếm khách hàng với hy vọng mong manh. Ảnh: Latimes.
Tháng trước, các quan chức và cơ quan y tế đã gia hạn vô thời hạn các hạn chế Covid-19 ở miền Nam California, bao gồm việc yêu cầu các tiệm làm tóc, tiệm làm móng và những nơi như nhà thờ, trung tâm giải trí, bảo tàng và sở thú phải đóng cửa.
“Nó giống như một bộ phim kinh dị. Khách hàng biến mất, không có năng lượng, không có sự sống nữa”, Tina Vo chia sẻ
“Bạn bè của tôi làm việc ở đó nói rằng mọi người chỉ còn biết cầu nguyện”, cô nói thêm.
Chị họ của Tina, Kim Stevens, 30 tuổi, đã phải dời buổi điều trị chứng sụp mí mắt của mình vì lo lắng sẽ nhiễm virus khi đến các phòng khám y tế. Mặc dù nhận được voucher giảm 20% của một phòng khám ở Westminster, cô vẫn phải cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra quyết định.
Kim hy vọng việc trì hoãn phẫu thuật có thể cho cô nhiều lựa chọn làm đẹp hơn vào cuối năm 2021, nếu dịch bệnh không kéo dài đến năm 2022.
Các thợ làm móng nói rằng mùa lễ hội năm nay là giọt nước tràn ly cho thấy tác động của đại dịch đã ảnh hưởng đến lĩnh vực làm đẹp như thế nào.
Nga Nguyen, 56 tuổi, một nhà tạo mẫu tóc với hơn 20 năm kinh nghiệm, cho biết những ngày tháng của cô bây giờ dành cho việc “dọn dẹp và lại dọn dẹp”.
“Đâu còn gì khác để làm. Người ta không ăn diện nữa bởi cũng không có nơi để đi chơi. Không cần mua đồ mới, không cần làm tóc hoặc trang điểm. Tôi thật sự lo lắng cho tương lai của ngành này”, Santa Ana, người làm việc tại salon My Ngoc ở Westminster, buồn rầu.
Ngoài ra còn có Demi Quynh, một bác sĩ massage 30 tuổi, người đang quản lý salon Revive Health Spa ở thành phố Huntington Beach, quận Cam, cho biết: “Chúng tôi đã bán ra rất nhiều thẻ quà tặng nhưng không ai mua. Một số nhân viên đang nghĩ đến chuyện tìm việc trong nhà máy trong khi số khác vay tiền từ người thân (để trang trải cuộc sống) hoặc nhờ vả họ thanh toán các khoản chi phí. Tâm trí chúng tôi lúc này lúc nào cũng nghĩ tới việc mưu sinh”.
Demi Quynh cho biết thêm các tiệm salon và spa luôn cố gắng đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Họ trang bị cho nhân viên và cả khách hàng những biện pháp an toàn nhất để sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, họ vẫn không thể đón khách nếu lệnh đóng cửa vẫn còn hiệu lực.
Quynh và những người khác chỉ còn biết hy vọng vào vaccine. Nhưng cô không biết khi nào vaccine mới được sử dụng rộng rãi.
Hai Thanh La, phó chủ tịch điều hành của Merchant Service Group, cho biết: “Ban đầu, các chủ tiệm rất vui mừng khi có thể xây dựng các trạm làm tóc hoặc làm móng ngoài trời, vì ngoài trời sẽ ít rủi ro hơn. Họ đã đầu tư vào một phương thức kinh doanh mới. Nhưng sau khi đổ tiền vào đó, họ phải đóng cửa nhiều lần”. Merchant Service Group là một công ty về thanh toán, quản lý hơn 5.000 tài khoản thẩm mỹ viện, bao gồm hàng trăm tài khoản do người Mỹ gốc Việt sở hữu.
“Ngành làm đẹp khác với ngành nhà hàng. Một nhà hàng không cần phải đẹp để thành công nhưng một thẩm mỹ viện phải đẹp vì mọi người đến đó để trở nên xinh đẹp. Do đó, áp lực về chi phí là rất lớn”, anh Hai Thanh La nói thêm.
Những chiếc giường đã sẵn sàng nhưng không có khách. Ảnh: Latimes
Chuyện học tập cũng bị ảnh hưởng
Không chỉ ảnh hưởng đến kinh doanh, đại dịch còn tác động mạnh đến việc học tập của sinh viên ngành này.
Điển hình là trường hợp của sinh viên của Cao đẳng Làm đẹp Nâng cao, Darren Luu, người đang sắp hoàn thành 1.600 giờ học bắt buộc để đủ điều kiện thi tốt nghiệp, đã phải trì hoãn việc thi cử của mình vì đại dịch.
Darren Luu từng thắng giải ba của một cuộc thi trực tuyến về làm đẹp năm 2020, do tổ chức Supercuts tổ chức. Tuy nhiên, sự nghiệp tiềm năng của anh sẽ phải chờ thêm vài tháng.
“Tình hình thực sự tồi tệ. Mọi người không đi chơi, họ không chụp ảnh để khoe với mọi người. Người muốn làm đẹp thì không thể và người muốn giúp họ đẹp cũng không có cơ hội”, anh nói.
Điểm sáng duy nhất trong hoàn cảnh này là việc Hội đồng Ngành tóc và Thẩm mỹ đã cho phép sinh viên học trực tuyến với tỷ lệ 25% học tại trường và 75% trực tuyến.
Linh Nguyen, Phó hiệu trưởng của Cao đẳng Làm đẹp Nâng cao, cho biết. “Cách học này cũng không phải lý tưởng vì khi ở nhà, bạn phải thực hành trên ma-nơ-canh thay vì có người thật. Nhưng ít nhất, việc học của bạn không bị đình trệ”.
Đối diện nguy cơ mất khách hàng sau lệnh phong toả
Điều làm các chủ tiệm đau lòng nhất là chứng kiến khách hàng của họ rơi vào tay của những dịch vụ “ngầm”, những nơi vẫn mở cửa dù cho lệnh đóng cửa đã được ban hành.
“Họ xem mạng xã hội và thấy khách hàng của mình đăng bài về việc họ vừa cắt tóc. Lúc đó họ biết rằng mình đang mất khách hàng. Đôi khi, bạn không thể đổ lỗi cho khách hàng vì họ vẫn cần phải làm đẹp. Tuy nhiên, vẫn rất đau lòng”, Linh chia sẻ thêm.
Tết Nguyên Đán và ngày lễ tình nhân đang đến gần nên dù tình hình có khó khăn thế nào, những người làm việc trong ngành làm đẹp vẫn phải luôn chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp những vị khách của mình, dù với hy vọng nhỏ nhất.
Và với Tina Vo, cô cũng có nhu cầu được làm đẹp. “Hy vọng là tôi có thể thử một màu tóc mới. Tôi muốn thợ làm tóc có việc để làm và được trả công”, cô nói.
Theo zing
© 2024 | Thời báo ĐỨC