Ngày 25/5 tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, cảnh sát da trắng Derek Chauvin sát hại người đàn ông gốc Phi George Floyd bằng cách dùng đầu gối đè lên cổ Floyd hơn 8 phút, mặc cho ông van xin, cầu cứu rằng "Tôi không thở được". Hành động của cảnh sát này đã làm rúng động toàn nước Mỹ, gợi lên làn sóng biểu tình ở khắp các thành phố lớn.
Tôi click vào xem một trong số hàng loạt các video clip quay lại vụ việc ở Minneapolis, được chia sẻ khắp mạng xã hội. Đến cảnh Chauvin dùng sức nặng toàn thân của mình đè lên cổ Floyd, và nghe tiếng Floyd van xin, tôi không thể chịu nổi nữa và bấm dừng, dù chưa xem được phân nửa đoạn clip. Tôi vẫn tiếp tục đọc qua vài bài báo miêu tả lại vụ việc, và biết thêm rằng vài phút trước khi Floyd chết, ông còn thốt lên "Mama". Tim tôi thắt lại trước cảnh tượng một người đàn ông 46 tuổi thảng thốt gọi mẹ vào những phút cuối cùng.
Bản thân là người châu Á sống ở Mỹ, nơi mà 72% dân số là người da trắng, tôi hiểu dân châu Á cũng thường xuyên là nạn nhân của phân biệt chủng tộc.
Phân biệt chủng tộc, dù ở hình thức nào, dù nhắm tới ai, đều là sai trái và vô nhân đạo. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ cảm thấy tính mạng của mình bị đe doạ chỉ vì màu da trên người tôi. Thế nhưng, đây là một thực tế mà người da đen ở Mỹ phải trải qua trong cuộc sống hàng ngày.
Tôi chưa bao giờ phải sợ chết khi đi chạy bộ. Nhưng Amaud Arbery, 25 tuổi, đã mất mạng trên đường đi chạy bộ vào một chiều chủ nhật ở phía Nam bang Georgia.
Hai người đàn ông da trắng khi thấy Arbery, đã dùng xe bán tải để đuổi theo anh vì thấy anh trông giống một kẻ nghi phạm chuyên trộm cắp ở khu vực họ sống. Sau một hồi giằng co, hai tên này đã bắn thẳng vào người Arbery gây tử vong. Vụ việc xảy ra vào giữa tháng 2, nhưng hai tên giết người vẫn được tự do cho đến đầu tháng 5, khi video clip quay lại sự việc được đăng tải lên mạng xã hội.
Tôi chưa bao giờ phải sợ chết khi ngồi ăn kem và xem tivi trong chính căn hộ của mình. Nhưng Botham Jean, 26 tuổi, đã bị bắn chết bởi một nữ cảnh sát da trắng khi đang ngồi ăn kem và xem tivi trên chiếc sofa trong chính căn hộ của anh ở Dallas, Texas.
Nữ cảnh sát này ở cùng toà nhà chung cư với Jean và khi mở cửa vào căn hộ mà cô tưởng là của mình, đã nghĩ rằng Jean là ăn trộm và rút súng giết anh. Nhưng thực ra cô đã vào nhầm nhà, vì căn hộ của cô nằm ở tầng dưới căn hộ của Jean.
Tôi chưa bao giờ phải sợ chết mỗi tối trước khi đi ngủ trong chính căn hộ của mình.
Nhưng Breonna Taylor, 26 tuổi, đã bị cảnh sát bắn chết giữa nửa đêm trong chính căn hộ của cô ở Lousiville, Kentucky. Khi ba cảnh sát người da trắng xông vào nhà của cô mà không gõ cửa, không khai báo danh tính, bạn trai cô đã dùng súng để phòng vệ vì nghĩ đây là kẻ trộm đột nhập vào nhà Taylor.
Khi cảnh sát bắn trả lại, Breonna bị bắn 8 phát vào người. Ba tên cảnh sát biện hộ rằng chúng đang truy tìm một nghi phạm trong đường dây buôn bán thuốc gây nghiện, nhưng thật ra kẻ nghi phạm này đã được bắt giữ và đưa vào đồn cảnh sát từ vài ngày trước.
Những nạn nhân nói trên đều có một điểm chung: họ là người da đen, và họ không mang vũ khí trong người khi bị tấn công. Theo nghiên cứu của khoa Xã hội học tại đại học Rutgers, bang New Jersey, một trong những nguyên nhân gây chết người hàng đầu của đàn ông da đen từ 25 đến 29 tuổi là bị bắn bởi cảnh sát. So với đàn ông da trắng, khả năng đàn ông da đen sẽ chết trong một cuộc đụng độ với cảnh sát cao hơn gấp 2,5 lần.
Vậy nên, danh sách các nạn nhân cứ tiếp tục kéo dài: Alton Sterling, Mike Brown, Tamir Rice, Trayvon Martin, Eric Garner,... những cái tên đã ẩn sâu vào tiềm thức và gợi lên nỗi ám ảnh khôn cùng cho người Mỹ gốc Phi. Đằng sau từng cái tên tôi viết là một mạng sống con người bị cướp đi chỉ vì màu da trên người họ.
Người Mỹ gốc Á thường có thái độ ôn hoà và yên phận. Trái ngược với chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây, chủ nghĩa cộng đồng của Á đông không khuyến khích việc nếu lên ý kiến cá nhân hay đi biểu tình để đấu tranh cho lẽ phải. Tôi cũng lớn lên trong môi trường ấy. Nhưng sau khi chứng kiến nước Mỹ trải qua biết bao nhiêu cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, chống sự tàn bạo của cảnh sát, để rồi công dân người da đen của họ vẫn tiếp tục chết những cái chết tức tưởi, tôi không thể nào im lặng được nữa, vì sự im lặng của tôi sẽ tiếp tay cho cái ác.
Nhà hoạt động nhân quyền người Nam Phi Desmond Tutu từng nói: "Nếu anh chọn phe trung lập trong các tình huống bất công, anh đã chọn phe của kẻ áp bức". Tôi dùng những con chữ của mình để chọn phe của lẽ phải. Tôi dùng những con chữ của mình để một lần nữa viết lên nỗi thống khổ của người da đen: "Chúng tôi không thở được".
Nguồn: Vnexpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC