Mọi cửa sổ đều bị bịt kín bằng loại nylon dày cách nhiệt. Stephen không có cách nào phân biệt bên ngoài trời đang sáng hay đã tối. Càng ở lâu, cậu càng mù mờ về ngày tháng. Cứ vài ngày trôi qua, một nhóm đàn ông Việt Nam lại ghé qua căn nhà vào buổi tối để kiểm tra độ lớn của cây và mang cho cậu bé thức ăn. “Đôi khi tôi chẳng làm gì sai cả nhưng một vài cây vẫn chết. Bọn chúng nổi điên lên và đánh tôi. Tôi thấy mình còn khổ hơn hồi ở Việt Nam”, Stephen kể.
Stephen (không phải tên thật của nhân vật) bị bắt cóc và vận chuyển sang Anh từ năm 10 tuổi để làm nô lệ trong các trang trại trồng cần sa. Ảnh: Guardian
Ngoài việc chăm bón, Stephen còn phải thu hoạch và phơi khô cây cần sa trên trần nhà. Stephen nhớ lại có lần một băng đảng buôn bán thuốc phiện địa phương đập cửa xông vào, trói nghiến cậu và cướp đi toàn bộ số cần sa vừa thu hoạch. Sau đó, chủ vựa đã chuyển Stephen sang địa điểm trồng cần sa mới. Dù không còn bị khóa trái trong nhà, Stephen cũng không dám mảy may nghĩ đến việc thoát thân vì lo sợ bị sát hại. Mà thực ra nếu bỏ trốn thành công, cậu bé cũng không có chỗ nào để đi.
‘Vòng tròn luẩn quẩn’
“Tôi cứ sống như vậy ngày qua ngày với tương lai mù mịt phía trước. Không có ai đối xử tử tế với tôi”, Stephen nhẩm tính trong suốt gần 5 năm “đầy ải” đó, cậu đã làm việc tại khoảng 20 trang trại trồng cần sa. Lần đầu tiên bị cảnh sát bố ráp là năm cậu tròn 14 tuổi. “Tôi không hiểu cảnh sát nói gì vì tôi đâu có biết tiếng Anh. Tôi cứ đinh ninh là cảnh sát muốn giết tôi hoặc điều gì đó kinh khủng như thế. Hóa ra cuối cùng họ đưa tôi đến ở với một gia đình người Anh”. Tuy nhiên, bọn buôn người đã chuẩn bị sẵn cho tình huống này, trước đó, chúng đưa Stephen một số điện thoại để liên lạc. Hai ngày sau đó, Stephen nhấc máy lên và gọi theo số đó. Cuộc điện thoại đưa cậu bé trở lại cuộc sống của một nô lệ. “Lúc đó, do tôi quá sợ hãi. Tôi tưởng rằng mình sẽ bị tống vào tù. Tôi mới ngu ngốc làm sao!”
Sau lần đó, bọn buôn người bắt đầu cho Stephen hút cần sa, hít cocaine và tập uống rượu nặng. “Ban đầu, tôi không thích nhưng khi có mấy chất đó trong người, tôi làm việc hăng hơn. Khi không có, tôi thấy thiêu thiếu và mệt mỏi rã rời”. Cho đến tận lúc này, Stephen vẫn không biết mình là nạn nhân của loại tội phạm buôn người.
“Bây giờ thì tôi đã hiểu tôi là một tên nô lệ. Tôi làm việc cho bọn chúng trong thời gian dài mà không được trả một xu. Chúng nói tôi nợ chúng tiền công đưa tôi từ Việt Nam qua đây. Vì vậy tôi phải làm việc để trả nợ. Chỉ khi nào trả hết, tôi mới có thể đi. Thế nhưng khi tôi hỏi đến bao giờ tôi có thể trả hết, chúng đáp rằng: ‘Mày không được phép hỏi điều đó'”. Stephen nhớ lại theo thời gian, nợ chồng nợ. Cậu phải đền tiền cho mọi sai sót dù là nhỏ nhất. Cậu nghe loáng thoáng chúng bảo cậu nợ hơn 100.000 USD. Stephen chẳng biết số tiền 100.000 USD lớn đến mức nào.
Trong cuộc bố ráp thứ hai, cảnh sát cử một người phiên dịch đến giúp Stephen, lúc đó đã 16 tuổi. Rồi cậu được một giáo hội cưu mang. Và lần này, cậu cảm thấy nhẹ nhõm vì thoát khỏi bàn tay của lũ buôn người.
Theo Stephen, cậu không phải là nạn nhân trẻ em duy nhất. Trong suốt 5 năm lang bạt xứ người, cậu đã gặp hơn 10 cậu bé người Việt có hoàn cảnh tương tự, đứa nhỏ nhất khoảng 10 tuổi. “Thằng bé khóc suốt. Nó nhớ gia đình và bố mẹ”, Stephen kể. Bây giờ, khi đi dạo vòng quanh các thị trấn lân cận, Stephen vẫn nhận biết được căn nhà nào là trại trồng cần sa trá hình chỉ bằng cách quan sát nóc của ngôi nhà. Nếu trên nóc nhà không đóng tuyết, nhiều khả năng là do sức nóng tỏa ra từ hệ thống đèn chiếu sáng cho cây cần sa.
Theo An Hồng / vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC