Cuộc thi gói bánh chưng của hội du học sinh Hà Lan tết Mậu Tuất 2018.
Da diết nỗi nhớ Tết quê nhà
Dù đã 13 năm cùng gia đình sinh sống và lập nghiệp tại TP Funabashi, tỉnh Chiba (Nhật Bản) nhưng không khí đầm ấm của Tết Việt đã ăn sâu vào ký ức của anh Đinh Mạnh Tuấn. Bởi vậy, mặc dù việc mua sắm đồ lễ Tết ở Nhật Bản không quá khó khăn, song anh Tuấn và các thành viên trong gia đình vẫn nhớ da diết không khí Tết ở quê nhà.
Kể về lần đầu ăn Tết ở đất nước mặt trời mọc, anh Tuấn cho biết: "Tôi hồi hộp chờ đợi đến khoảnh khắc giao thừa để gọi điện về cho gia đình. Thời đó chưa có các ứng dụng tiện ích như viber, zalo… nên gọi điện về Việt Nam rất tốn kém. Không những vậy, lúc mới sang TP Funabashi, cộng đồng Việt vẫn ít nên đồ ăn Tết hầu như là không có gì".
Sang Mỹ đã 5 năm, chị Trần Thị Thúy Nga - nhân viên giao dịch tại ngân hàng Wells Fargo, đang sinh sống tại bang Minnesota vẫn còn nhớ lần đầu đón Tết ở xứ người.
"Dù có nhiều chợ Việt Nam, có bánh chưng, bánh tét, nhưng tôi vẫn thấy nhớ không khí Tết ở Việt Nam da diết, nhất là lúc cặm cụi giúp bố gói bánh chưng hay tất bật đi chợ Tết chọn quất, đào với anh trai. Lần đầu ăn Tết xa nhà, ngồi nghe bài "Xuân này con không về" mà ngồi khóc suốt" – chị Nga chia sẻ.
Gia đình anh Đinh Mạnh Tuấn quây quần ăn Tết tại Nhật Bản (ảnh nhân vật cung cấp).
"Tết ở nước ngoài rất ngắn. Thường chỉ là ngày cuối tuần trước Tết hoặc 30 Tết thì bạn bè tụ tập ăn uống, ngày hôm sau lại trở lại nhịp sống và học tập như thường" - Đinh Huyền Anh, sinh viên năm 2 trường Đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan) ngậm ngùi. Huyền Anh kể thêm, tại nơi cô ở, đến Tết Nguyên đán, cả nhóm du học sinh tụ tập cùng nhau làm những món ăn truyền thống của Việt Nam như bún măng, giò, nem, xôi xéo, chè...
Mới hai năm ăn Tết xa nhà, Huyền Anh lại thấy bồi hồi khi nghĩ đến việc đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi trên đất nước của đội bóng "cơn lốc màu da cam".
"Cái nhớ nhất chính là không khí chuẩn bị trước Tết ở nhà, cũng như là thời tiết ở Việt Nam. Nghe mấy bài hát Tết đến, Xuân về là nhớ nhà lắm" - Huyền Anh kể.
Đủ vị nhưng thiếu "hương"
Dần dà theo thời gian, khi cộng đồng người Việt ngày càng đông đảo tại nước ngoài, việc mua sắm đồ Tết không còn khan hiếm như trước. Nhưng dù có đủ đầy thực phẩm hàng hóa, từ bánh chưng, giò chả, đến cả dưa hành hay canh măng... do người thân gửi sang hoặc mua được tại chợ người Việt ở nước ngoài, thì với nhiều người con xa xứ đây vẫn là những cái Tết "chưa đủ hương".
5 năm không về Việt Nam ăn Tết, Trần Quang Minh, cựu sinh viên trường Dầu khí Gubkin, Moscow (Liên bang Nga) cho biết: Trường có khá nhiều sinh viên người Việt theo học nên tổ chức hẳn 3 ngày ăn Tết, trùng đúng ngày 29, 30, mùng 1 Âm lịch ở Việt Nam. "Nhưng cảm giác Tết chưa tròn vị còn đến từ chuyện thiếu mùi trầm hương ấm áp trên bàn thờ ngũ quả. Chợ bên này có bán hương nhưng không thơm bằng hương ở Việt Nam" - Minh chia sẻ.
Bạn Trần Thị Thúy Nga bên mâm cơm Tết tại Mỹ (ảnh nhân vật cung cấp).
Đến nay, Minh vẫn còn nhớ như in một kỷ niệm trong dịp Tết năm 2016.
Câu chuyện bắt nguồn từ bức ảnh một nồi thịt bò kho Tết do người nhà gửi sang. Ứa nước miếng khi thấy món bò kho, Minh và nhóm bạn đã rủ nhau mua nguyên liệu về nấu lén bằng nồi cơm điện ngay trong phòng ký túc xá của trường.
Thịt chín dừ cũng là lúc mùi bò kho đã ngập tràn cả tầng của khu ký túc xá.
"Với chúng tôi thì tất nhiên là bò kho rất thơm nhưng gia vị của người châu Á thì lại khá "nặng" với người bên này.
Chúng tôi rất sợ khi quản lý ký túc xá và bạn bè nước ngoài đổ đến phòng kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi nghe trần tình về nỗi nhớ quê nhà ngày Tết cổ truyền thì cả lũ chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng và vẫn được phép giữ lại nồi thịt kho. Sau đó, chúng tôi đã mời từng người nếm thử để biết món bò kho ngày Tết của Việt Nam ngon như thế nào" – Minh hào hứng kể.
Sau cả năm làm việc bận rộn, nhiều gia đình người Việt ở nước ngoài lại tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc nơi đất khách quê người.
Cái cảm giác thèm được cùng cả gia đình, họ hàng, bạn bè quây quần bên mâm cơm ngày Tết lại chộn rộn ùa về.
Rất nhiều người chia sẻ, dù xã hội có phát triển thế nào, dù có đi đến nơi đâu, nhưng những nét đẹp truyền thống của ngày Tết Việt thì không có gì thay thế được. Và có lẽ, càng ở xa quê hương mới càng thấu hiểu điều đó quý giá tới mức nào.
Nguồn: TÚ ANH - HƯƠNG THẢO/ kinhtedothi.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC