Cộng hòa Séc
Tết Việt luôn có ý nghĩa thiêng liêng, đặc biệt trong lòng mỗi người con xa quê. Cận kề thời khắc bước sang năm mới, những người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về nơi cha sinh mẹ đẻ. Và những người Việt tại sinh sống và làm việc tại Séc cũng không ngoại lệ.
Một trong số những gian trưng bày ngày tết do người Việt tại Séc thực hiện
Cô Thúy Hà chia sẻ, tết của người Việt tại Séc rất đặc biệt, khi cận Tết, mọi người lại tụ họp, cùng nhau tổ chức những hoạt động, thậm chí là dựng những khung cảnh làng quê Việt vào dịp tết cổ truyền để mọi người cùng nhau nhớ về quê hương, gia đình.
Những người dân Việt Nam tụ họp để cùng nhau đón không khí đặc biệt
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Séc và Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, nhiều hoạt động văn hóa nhằm tăng cường sự gắn kết giữa cộng đồng người Việt tại Séc với cộng đồng người Việt.
Tại các nước châu Âu cùng hướng về quê hương đất nước và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được tổ chức bài bản, chỉn chu với nhiều hoạt động phong phú.
Bạn Nguyễn Hồng Nhung, du học sinh Việt Nam tại Séc cho biết, dù đến Tết đều tự tay chuẩn bị những món ăn mang hương vị cổ truyền, nhưng Tết Việt ở nước ngoài luôn có cảm giác đặc biệt, mà không có sẽ thấy thiếu, cảm giác đó có tên gọi là nhớ nhà, nhớ gia đình.
Bạn chia sẻ, dù ở nhiều nơi khác, mọi người đều quen với nếp sinh hoạt không đón tết cổ truyền do phải đi làm, đi học bình thường.
Nhưng với những du học sinh và những người lần đầu xa quê hương, họ vẫn rất nhớ không khí mọi người cùng dọn nhà, cùng mua sắm đồ đạc, chuẩn bị đón một khởi đầu mới.
"Trang phục, hoa đào, món ăn truyền thống... dù không còn khó kiếm nhưng cũng chỉ đền ngày tết mọi người mới có thể cùng nhau chuẩn bị, nên tất cả đều thấy hồi hộp mỗi khi tết đến, giống như mình đang trên máy bay trở về nhà đón giao thừa, xem Táo quân. Bánh chưng ở Séc cũng rất đặc biệt, nhưng bánh chưng ở Việt Nam không gì có thể sánh được", bạn Nhung nói.
Đức
Là một trong số những nước có cộng đồng người Việt sinh sống đông nhất tại châu Âu, dịp Tết Nguyên đán năm nay hầu hết các hội văn hóa người Việt ở Đức đều tổ chức đón xuân Kỷ Hợi.
Hội người Việt tại Dresden, Đức tổ chức đón Tết Nguyên đán 2019
Ban tổ chức của từng hội chọn thời gian và hình thức tổ chức liên hoan văn nghệ đón mừng xuân 2019 tùy theo đặc thù riêng của từng vùng.
Chia sẻ với phóng viên báo Diễn đàn Doanh Nghiệp, cô Bạch Lê Anh cho biết, dù không có gia đình, người thân để chia sẻ những khoảnh khắc khi tết đến, nhưng mỗi khi không thể về Việt Nam đón Tết, cô luôn theo dõi các chương trình hoạt động của cộng đồng người Việt tại Dresden.
Dù xa quê, nhưng những hoạt động truyền thống ngày Tết luôn được người Việt Nam tại Đức gìn giữ và trân trọng.
"Từng món ăn, trang trí nhà cửa cho đến tà áo dài truyền thống, những điệu múa, câu hát mỗi dịp tết đến đều được chăm chút để mọi người không có cảm giác đang ở xa quê hương", cô Anh chia sẻ.
Mâm cơm truyền thống của người Việt tại Đức ngày Tết Nguyên đán 2019
Vương Quốc Anh
Sống xa quê trong thời khắc đầu năm mới, chị Đào, đang làm việc và sinh sống tại Anh cho biết, "mặc dù đã trải qua nhiều cái Tết xa quê, nhưng những ngày gần Tết Nguyên đán, chị vẫn cùng bạn bè và gia đình nhỏ quây quần bên nhau tổ chức đón Tết..."
Chồng chị là người nước ngoài, nhưng cứ tới ngày tết, anh lại cùng chị chuẩn bị những món ăn đậm vị quê nhà và trang trí nhà cửa mang đậm phong vị Tết Việt để các con không quên truyền thống văn hóa quê ngoại, và cũng để chị vơi bớt nỗi nhớ quê hương.
“Ở đây, mọi nguyên liệu nấu nướng các món ăn truyền thống đã dễ tìm kiếm hơn ngày trước rất nhiều. Có những món ăn của Việt Nam làm chị cảm thấy mình như đang ở quê hương", chị Đào chia sẻ.
Ngày Tết, chị tự tay làm lễ tất niên tại nhà và mời bạn bè tới thưởng thức, cũng như dọn dẹp bàn thờ gia tiên nhỏ trong nhà.
Những ngày tết Nguyên đán, chị vẫn phải đi làm như mọi người, tuy nhiên trong không gian ngôi nhà nhỏ của chị đã bày bố Tết truyền thống từ rất sớm. Đặc biệt, có rất nhiều hoa đào, loài hoa đặc trưng của Tết tại Việt Nam.
Ngôi nhà nhỏ được chị trang trí nhiều hoa Đào mang đậm nét văn hóa Việt Nam
Chị Đào cũng tham dự các hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức, mọi người đều cố gắng giữ các hoạt động, những đặc trưng của ngày Tết trong mỗi gia đình để con cháu hiểu biết và không quên văn hóa truyền thống; đồng thời cũng để mình được nhớ và cảm nhận hương vị tết như đang ở Việt Nam.
Thậm chí, những người Anh cũng rất thích thú khi được chị mời đến tham gia bữa ăn truyền thống. Họ cũng chuẩn bị phong bì mừng tuổi cho trẻ em và ăn những món ăn Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức hoạt động gặp gỡ giao lưu cộng đồng người Việt tại Anh chào đón tết Nguyên đán 2019
Bên cạnh đó, rất nhiều các hoạt động chào đón năm mới khác được tổ chức tại các khu phố người Hoa thuộc thành phố lớn như London, Manchester...
Sự kiện thường niên mừng đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi thường thu hút khoảng 700.000 người tham dự và trở thành sự kiện chào mừng Tết lớn nhất bên ngoài châu Á, và năm nay sẽ không ngoại lệ.
Được tổ chức bởi Hiệp hội người Hoa tại London, các hoạt động chào đón Tết bao gồm cuộc diễu hành được diễn ra từ Charing Cross Road qua các đường phố của khu phố Tàu cho đến West End.
Các sân khấu tại Quảng trường Trafalgar sẽ tổ chức một loạt các buổi biểu diễn bắn pháo hoa đón mừng, trong khi khu vực xung quanh sẽ có đầy đủ các gian hàng thủ công, màn trình diễn võ thuật và quầy hàng thực phẩm mang đậm hương vị truyền thống.Pháp
Các du học sinh Việt tại thành phố Rennes đã khoác lên mình tà áo dài truyền thống của dân tộc để thực hiện bộ ảnh đón giao thừa và năm mới.
Do thời gian cận Tết cũng là ngày các trường tại Pháp đang chuẩn bị bước vào kì thi giữa học kỳ nên rất khó để trở về.
Cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Pháp mặc áo dài đón tết Nguyên đán
Đặc biệt, tại Pháp, các cộng đồng sinh viên, du học sinh Việt Nam hoạt động rất mạnh so với các nước khác trên thế giới.Trên 7000 người đã mang văn hóa truyền thống Việt đến bạn bè quốc tế, đặc biệt là giới trẻ và giới sinh viên quốc tế.
Có thể thấy, dù bận rộn với công việc hay học tập, nhưng với cộng đồng người Việt tại châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đều hướng về quê hương và có những hoạt động chào đón tết nguyên đán. Tất cả vì một mong ước có được không khí Tết quê nhà đầy đủ nhất có thể.
Với hầu hết những người Việt ở nước ngoài, có xa quê mới biết, được sống với gia đình trong những ngày Tết là quãng thời gian quý báu nhất. Háo hức khi được vươn ra biển lớn, nhưng mỗi khi tết về chỉ một ước mong được về nhà và thưởng thức không khí xuân quê hương.
Lời chia sẻ của cô bạn du học sinh thay lời kết bài, "dù có bánh chưng, có cây đào, có lời ca tiếng hát, nhưng cũng không bằng gia đình cùng nhau sum vầy mỗi dịp Tết đến, xuân về".
Cẩm Anh
Nguồn: enternews
© 2024 | Thời báo ĐỨC