Nữ tiến sĩ Việt tại trời Tây kể về “góc khuất” nghề nghiệp

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, công tác tại Bệnh viện đại học Aalborg, thành phố Aalborg (Đan Mạch) kể về “góc khuất” của một người phụ nữ theo đuổi hành trình gian nan mang tên: nghiên cứu khoa học.

Nhân ngày Khoa học – Công nghệ Việt Nam (18/5), báo Dân trí trích đăng trải lòng chân thực của nhà khoa học nữ người Việt và hành trình theo đuổi đam mê của cô.

Tôi bắt đầu niềm yêu thích với khoa học khi tôi ở trường cấp 2, thời điểm tôi được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi Sinh của trường và sau đó của thành phố.

Sự yêu thích đó cứ tiếp tục và theo chân tôi qua những năm cấp 3, tại trường đại học, rồi thời gian tôi làm thạc sĩ và nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc.

132 1 Nu Tien Si Viet Tai Troi Tay Ke Ve Goc Khuat Nghe Nghiep

Nhưng phải đến khi tôi làm việc trong phòng thí nghiệm của Đại học Aalborg Đan Mạch, của nhà khoa học về công nghệ môi trường và bùn hoạt tính nổi tiếng thế giới, Per Halkjær Nielsen, thì niềm yêu thích ấy đã thực sự trở thành đam mê và ngấm vào máu thịt của tôi.

Giáo sư Per và các đồng nghiệp đã khích lệ, truyền cảm hứng cho tôi theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học về bùn hoạt tính và vi sinh vật môi trường trong suốt 9 năm.

Tôi đã thực sự có một khoảng thời gian nghiên cứu thành công, bao gồm các công bố chất lượng trên tạp chí đầu ngành, viết sách chung cùng Thầy, bằng Tiến sĩ về Công nghệ sinh học môi trường và vị trí nghiên cứu sau khi tốt nghiệp tại Đại học Aalborg, cũng như vị trí là một nhà nghiên cứu sinh học phân tử tại Bệnh viện Đại học Aalborg hiện tại.

Trên con đường tôi đi, tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và tôi rất biết ơn vì điều này. Tất nhiên không có con đường nào trải toàn hoa hồng cả, đâu đó vẫn là những giọt mồ hôi và nước mắt để duy trì, tồn tại và thành công.

Và tôi cũng mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm từ chính bản thân tôi trong quá trình làm khoa học cho các bạn nữ giống như tôi và sau là những chia sẻ trong việc cân bằng cuộc sống với những nhà khoa học nói chung.

Dành thời gian cho gia đình có thể bị “mất đất” nhanh chóng

Bản chất cạnh tranh cá nhân và cạnh tranh khác biệt trong nghiên cứu khoa học thể hiện qua một số đặc thù sau đây:

Khoa học đào tạo nhiều sinh viên và postdoc (nghiên cứu sau tiến sĩ) hơn nhiều so với số lượng vị trí giảng viên có sẵn.

Lĩnh vực này cạnh tranh mạnh mẽ về việc xin tài trợ, tìm kiếm nguồn tài chính cho nghiên cứu.

Vị trí giảng viên có tầm vóc, có xu hướng dành cho cá nhân có các thành tích nổi trội. Không có postdoc tham vọng nào nhận được tài trợ hoặc công việc vì cô ấy là một người làm việc nhóm tốt hoặc cô ấy tốt bụng, dễ chịu.

Hơn nữa, không có cấu trúc chính thức nào cho nhà khoa học biết câu hỏi nào cần làm, cách tiếp cận nào, hoặc đầu tư bao nhiêu giờ. Không có một giáo sư/ trưởng phòng thí nghiệm mà tôi biết từng nói với một postdoc rằng anh ấy hoặc cô ấy thực sự nên đi nghỉ.

132 2 Nu Tien Si Viet Tai Troi Tay Ke Ve Goc Khuat Nghe Nghiep

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền.

Do đó, sự tận tâm nghiên cứu khoa học và theo đuổi thành tích cao nhất khiến cho việc tìm kiếm sự cân bằng công việc và cuộc sống (ví dụ: thời gian gia đình) đặc biệt khó khăn, như là sự thật trong nhiều lĩnh vực cạnh tranh.

Đàn ông vẫn có xu hướng thoải mái hơn với việc dùng thời gian cho gia đình để dành cho công việc. Còn phụ nữ thì khó khăn hơn nhiều, họ luôn cảm thấy áy náy, tội lỗi khi không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Bởi vì lĩnh vực này rất cạnh tranh và di chuyển nhanh, phụ nữ dành thời gian cho gia đình có thể “mất đất” nhanh chóng.

Là một người mẹ và một nhà khoa học nghiên cứu đặt ra những thách thức riêng biệt, bởi vì phần lớn thành công trong công việc của những nhà khoa học gắn liền với năng suất được xác định bởi kết quả khoa học, bài báo khoa học và tài trợ nghiên cứu. Nghỉ phép để sinh con có thể có nghĩa là một khoảng cách trong hồ sơ xuất bản, bỏ lỡ các cơ hội để xin tài trợ và tham gia hợp tác, và trì hoãn con đường thăng tiến.

Điều này tạo ra một hệ thống mà các bà mẹ cảm thấy áp lực phải làm việc trong khi nghỉ phép để duy trì động lực trong sự nghiệp hoặc làm việc với tốc độ cao hơn, chăm chỉ hơn.

Đối với nhiều người trong số chúng ta là các nhà khoa học – các bà mẹ, cố gắng sống theo lý tưởng này đã dẫn đến các biến chứng về sức khỏe tâm thần, hôn nhân và sức khỏe thể chất.

Đam mê nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Hiền phải nỗ lực hết mình để vừa cân bằng giữa sự nghiệp và chăm sóc gia đình.“Tóc dài thì trí ngắn”…?

Gần như mọi cuộc thảo luận về phụ nữ trong các ngành khoa học cuối cùng cũng xuất hiện cùng một câu hỏi: Tại sao, vào thời điểm mà có nhiều phụ nữ hơn tham gia vào vũ đài chính trị (đứng đầu một quốc gia), hay là những sếp lớn tại các tập đoàn trị giá hàng tỷ đô la và có khả năng như đàn ông theo học ngành khoa học trên các giảng đường trường đại học, chúng ta vẫn thấy rất ít phụ nữ theo đuổi, cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học lâu dài?

Ngày nay, nó không còn là một câu hỏi về khả năng. Những ngày của sự phân biệt đối xử công khai đối với phụ nữ trong các ngành khoa học đã qua.

Rất may, các nhà khoa học nữ tiên phong như Rosalind Franklin hiện được công nhận vì những đóng góp cho công trình đột phá, và đã mang lại cho các cộng sự cửa bà một giải thưởng Nobel. Dẫu rằng sự công nhận này muộn màng cho những đóng góp của bà.

Có một dòng chảy loại trừ vẫn tồn tại. Từ khi còn trẻ, các cô gái bắt đầu nhận được thông điệp rằng một cuộc sống trong khoa học bằng cách nào đó vượt quá tầm với của họ, họ sinh ra với một thiên chức khác hơn là trở thành một nhà khoa học. Các nhà khoa học nữ không tránh khỏi điều đó, và những cơ hội bị bỏ lỡ không chỉ giới hạn ở phụ nữ.

Tôi vẫn còn nhớ mãi câu nói của cậu bạn cùng đội tuyển học sinh giỏi Sinh học của trường chuyên cấp 3 tôi học: tóc dài thì trí ngắn.

Mà hồi đó quả thực tóc tôi dài thật. Tôi tự ái ghê gớm, nhưng cũng nhờ cậu ấy mà tôi luôn muốn nhắc nhở mình tiến về phía trước, khẳng định bản thân mình, đam mê của mình và tôi cũng sẽ làm được.

Và dòng chảy này vẫn còn đeo đuổi nhiều năm sau nữa với những nhà khoa học nữ, đặc biệt các nhà khoa học nữ ở Việt Nam, hay sinh ra tại các nước Châu Á, khi mà quan điểm người phụ nữ nên là người giữ lửa, đứng sau và hỗ trợ chồng vẫn còn ăn sâu trong tâm thức xã hội.

Bởi vậy, có rất nhiều phụ nữ (nếu không muốn nói là đa phần) chọn những con đường thay thế, một nghề nghiệp khác hơn là làm khoa học, nơi đang chiến đấu quyết liệt để duy trì sự cạnh tranh trong bối cảnh khoa học toàn cầu ngày càng tinh vi.

Mô hình “xuất bản hay diệt vong” rất ít chỗ cho cam kết gia đình

Ngoài sự cạnh tranh và cấu trúc đặc thù trong nghiên cứu khoa học bạn phải ghi nhớ. Có một điều tiên quyết khác bạn cũng phải thuộc nằm lòng nếu muốn theo đuổi nghiên cứu khoa học dù bạn là nam giới hay nữ giới (đặc biệt với các bạn theo đuổi các ngành khoa học thực nghiệm): tiến triển trong phòng thí nghiệm hiếm khi diễn ra trong một khoảnh khắc bất chợt, hay giống như một vụ nổ bigbang.

Đó là một tiến trình tịnh tiến của những thử nghiệm và sai sót, của một tổ hợp việc thăm dò và đánh giá. Không phải cứ đi là tới, cứ thăm dò tìm kiếm rồi sẽ ra. Bạn phải chấp nhận một điều rằng, đôi khi bạn phải đi hết một quãng đường rất dài mới có thể nhìn thấy ánh sáng của sự thật, và cũng có thể bạn sẽ nếm trải sự khắc nghiệt của nghề nghiên cứu, khi mà những sai hỏng, thử nghiệm, tìm kiếm không bao giờ đem lại kết quả.

Đầu tiên, một nghề nghiệp ở các cấp độ cao của công việc học thuật được xác định trước bởi một con đường dài, nhiều chông gai, thách thức và thường đặt ra những yêu cầu đặc biệt đối với những phụ nữ muốn có gia đình.

Bạn muốn là ai, bạn muốn vươn đến đỉnh cao nào? Bạn muốn có con hay không? Thời điểm nào thích hợp cho việc sinh con? Bạn có sẵn sàng cho các khoảng dừng, khoảng trống, trong hồ sơ khoa học khi chuẩn bị làm mẹ, chăm con nhỏ? Khoa học tiếp tục hoạt động như một mạng lưới những người trong cuộc có ảnh hưởng đến các cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, trong đó sự bao gồm phụ thuộc vào việc tuân thủ các quan điểm và các giá trị được xây dựng dựa trên quan điểm và định kiến.

Trong giới hàn lâm, điều này có thể được thể hiện bằng câu thần chú xuất bản hoặc diệt vong, và mở rộng đến kỳ vọng làm việc nhiều giờ trong tuần.

Trong mô hình này, có rất ít chỗ cho các cam kết gia đình, nhưng quan điểm/thái độ này vẫn tạo thành bối cảnh mà các nhà khoa học – mẹ hiện đại phải gồng mình thích ứng trong vòng quay vận hành ấy. Các khuôn mẫu trụ cột gia đình/ người nội trợ thông thường cũng bao trùm các ý tưởng về một khối lượng công việc nhiều hơn rất nhiều.

Là những bà mẹ đang làm việc, các nghĩa vụ của một người mẹ liên quan đến việc chăm sóc con cái thường không bao giờ là một cán cân công bằng so với đàn ông, và một sự toàn tâm toàn ý cho một lựa chọn nghề nghiệp là một điều rất khó khăn.

Điều này đòi hỏi giảm số giờ làm việc và giảm năng suất. Điều đó cũng có nghĩa là, nó có thể làm giảm các cơ hội thăng tiến nghề nghiệp của người phụ nữ, khi các sự hợp tác, các lời mời tham dự hội nghị chuyên đề, và các nhóm làm việc khác được hình thành sau giờ làm việc.

Ở một khía cạnh khác, là các nhà khoa học – mẹ, tất cả chúng ta đều phải vật lộn với “hội chứng kẻ mạo danh” (Imposter phenomenon) tại một số thời điểm trong sự nghiệp của chúng ta, và nhiều người trong chúng ta đã phải vật lộn với hội chứng tinh thần này. Thêm một đứa con hoặc nhiều con hơn thì cảm giác của nhà khoa học – mẹ về sự bất lực cả ở nơi làm việc và ở nhà sẽ càng sâu sắc hơn.

Các nhà khoa học – mẹ không chỉ cảm thấy mình không thành công trong sự nghiệp, chúng ta còn có thể cảm thấy như chúng ta không thành công khi làm mẹ.

Sự kỳ thị tuổi tác khi làm mẹ, thời điểm quay trở lại làm việc của các bà mẹ có thể dẫn đến cảm giác tội lỗi vì ưu tiên các mục tiêu nghề nghiệp hơn thời gian nghỉ thai sản kéo dài hay việc thực hiện thiên chức làm mẹ đúng thời điểm”.Khoa chuẩn đoán phân tử – Bệnh viện Đại học Aalborg, Đan Mạch

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền

 

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày