– 4 ngày đầu, tôi thấy rát họng, húng hắng ho, nhưng tôi có thể nhịn được. Chẳng khác cúm bình thường. Mà tôi vốn viêm họng đi viêm họng lại cả 2 tháng nay chưa hết và chuẩn bị nai nịt tỷ tỷ thứ để cách ly dịch bệnh bên ngoài, không ra ngoài khi thấy dịch bắt đầu bùng mạnh ở Anh nên tôi không nghĩ mình mắc Covid-19. Tôi không sợ tí nào.
– 3 ngày sau, tôi thấy đau nửa đầu bên phải, mắt muốn rụng ra ngoài vì đau, đau khủng khiếp. Tôi xem triệu chứng của mấy người từng nhiễm virus corona, họ chỉ bảo đau đầu thôi, chứ chưa ai nhấn mạnh là nó khủng khiếp đến thế. Có bà bác sĩ Anh kể kinh nghiệm, ví nó như đau đẻ.
Thực sự rất rất đau, nhưng 3 ngày này cổ họng tôi lại không rát và tôi không hề ho, nên tôi vẫn chủ quan nghĩ mình không mắc Covid-19 đâu. Đến ngày thứ 3 đau đầu, vì không chịu được nên tôi đi hỏi xung quanh 2 người bạn từng bị ở Thuỵ Sĩ và Anh. Họ đều bảo dấu hiệu giống hệt và sau 3 ngày sẽ đỡ. Tôi ngỡ mình đã qua ải rồi mà đầu đau như búa bổ, đau ở hốc mắt phải, đỉnh đầu, sau gáy, 3 điểm này cứ nhấp nháy thay nhau đau, có lúc cả 3 điểm cùng nháy. Mấy ngày này tôi sốt vào buổi sáng và có uống thuốc giảm đau.
– Ngày thứ 8 là ngày tôi “suýt chết ngạt” trên cạn. Buổi sáng thức dậy sau khi cả đêm ngủ đứt quãng, tỉnh mơ mê man, tôi tự thấy mình không ổn rồi. Cơn sốt cứ cuồn cuộn đến như sóng biển và hệ thống đèn nháy đau quanh người hoạt động tăng cường độ, thêm vào đó là hiện tượng khó thở rõ ràng hơn. Tôi uống thuốc giảm đau hạ sốt mấy lần không đỡ. Tôi bắt đầu gọi 111 để yêu cầu giúp đỡ; họ báo tôi phải chờ 2 tiếng nữa mới có người tiếp.
Trong khi chờ đợi, tôi liên tục hỏi những người bạn ở châu Âu xem triệu chứng bệnh của họ thế nào. Câu trả lời đều rơi vào khoảng 3 ngày, tổng các triệu chứng diễn ra tầm 7 ngày là hết. Còn diễn biến bệnh của tôi đã 7 ngày rồi và đang có chiều hướng gia tăng. Tôi liền gọi 999 để yêu cầu cấp cứu ngay lập tức. Họ hỏi mấy triệu chứng, tôi lớ ngớ trả lời; sau đó họ nói tình trạng của tôi vẫn ổn, để theo dõi thêm. Tôi thực sự hốt hoảng nhưng không biết làm thế nào…
Lúc đầu còn sức thì còn hít lấy hít để, sau đuối dần, tôi lại lịm đi, nhưng chỉ ít phút sau lại bừng tỉnh ngắc ngoải vì không thở được.
Không nghĩ mình bị bệnh, hốt hoảng khi triệu chứng bệnh ngày càng nặng hơn
– Bắt đầu sang ngày thứ 9, tôi vẫn trong tình trạng ngộp thở, không thể ngủ được. Mặc dù vẫn đuối, tôi với tay lấy điện thoại nhắn tin cho con bạn thân từ tấm bé đang là bác sĩ ở Việt Nam để tham khảo cách chữa trị ở nhà, rồi lại lịm đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, tôi thấy ti tỉ cuộc gọi nhỡ với tin nhắn của nó: nào là triệu chứng corona đấy, gọi cấp cứu ngay, chết đấy, nguy đến tính mạng đấy…
Tôi bảo gọi rồi, nhưng họ không đến. Thế là nó soạn cho tôi một loạt các câu hỏi mà 999 sẽ hỏi và cách trả lời để họ phải đến. Tôi nhờ chồng gọi điện giúp. Họ hỏi các triệu chứng. Cứ được 5, 6 câu hỏi họ lại chuyển máy sang một người khác. Đến người cuối cùng hỏi: “Mặt cô ấy màu gì?”, chồng tôi lúng túng nói “ửng hồng” vì câu này không được dặn trước. Khi hỏi tiếp về tuổi của tôi, 33, họ bảo sẽ có sẽ cấp cứu tới nhanh nhất có thể, nhưng sẽ ưu tiên những người cần kíp hơn. Vậy đó, bị ‘fail’ câu cuối nên họ cho tôi chờ 6 tiếng tiếp.
Con bạn thân tôi sau khi nghe chuyện lo lắng gửi các bài hướng dẫn tập thở và video call để chỉ cách chụm tay vỗ lưng cho long đờm và ép đẩy ra. Nếu ai từng phải ho ép đờm kiểu này sẽ hiểu: nước mắt nước mũi trào ra, miệng ho gằn mạnh, có lúc gồng quá tiểu luôn ra quần, dậy thay đồ rồi tập tiếp để còn thở. Đến lúc ướt mấy cái quần rồi, tôi ngồi sẵn trong toilet để tập thở luôn. Ngày thứ 9 và thứ 10, tôi hầu như ngồi trong toilet, lúc mệt thì lấy khăn bọc rồi tựa luôn vào nắp đậy.
Paracetamol viên sủi thì cứ 4 tiếng tôi uống 1 lần nhưng uống nhiều không tốt, nên khi lên cơn sốt 2 tiếng 1 lần, tôi cần uống nước điện giải thay vì uống giảm đau. Nước điện giải uống càng nhiều càng tốt: 5, 6 cốc/ngày. Cơn sốt đã hạ và tôi thấy thở thông hơn. Mãi chưa thấy cấp cứu đến, con bạn tôi giục gọi lại.
Lúc này tôi đã bình tĩnh, mặc quần áo chỉnh tề để sẵn sàng vào bệnh viện nhưng họ không khiêng đi ngay mà đo đạc kiểm tra luôn ở nhà. Họ bắt đầu nói chuyện hỏi các triệu chứng. Sau khi có số liệu, họ bảo cơ thể tôi đang chiến đấu tốt, có thể ở nhà tự chữa trị để nhường cho những người yếu hơn. Nghe vậy, tôi trào luôn nước mắt:
“Không, tôi sợ và đau lắm, cho tôi đi bệnh viện. Tôi cần được chụp phổi vì không thể thở được.”
“Tôi rất tiếc vì bạn mắc phải dịch bệnh này. Tôi biết là rất đau và mệt mỏi, đấy là triệu chứng của Covid-19, nhưng cơ thể bạn đang làm rất tốt. Sẽ mất thêm khoảng 3 đến 5 ngày như này rồi đỡ dần, sau 14 ngày bạn sẽ hết virus. Nếu trong trường hợp bệnh vẫn vậy, các triệu chứng không thuyên giảm thì bạn lại gọi và chúng tôi sẽ đến. Vì Covid-19 không có thuốc chữa nên chỉ có thể dựa vào kháng thể của từng người chống chọi lại. Bạn còn trẻ và theo chỉ số vừa kiểm tra, bạn hoàn toàn có thể chiến thắng nó. Tôi rất thích hoa nhà bạn. Rất tự nhiên.”
Bác sĩ hướng mắt vào bình hoa cạnh đó để chuyển hướng tập trung của tôi sang bình hoa rồi lại khen tôi chuẩn bị tốt. Sau đó, hai bác sĩ người Anh kiểm tra cơ thể tôi thêm lần nữa, họ dặn tôi cứ bình tĩnh vượt qua vì tôi còn trẻ khoẻ. Họ bắt đầu ghi nhận thông tin cá nhân, GP nơi tôi đăng kí… và vừa nói chuyện để tôi thấy yên tâm hơn. Họ bảo khoảng tiếng nữa sẽ có tình nguyện viên hỗ trợ vì tôi cần phải cách ly.
– Ngày thứ 10, 11, 12, 13, tôi vẫn cứ tập thở rồi uống thuốc như bạn mình kê. Những triệu chứng nhỏ nhất tôi đều hỏi nó.”
May mắn có bạn bè và chồng ở bên động viên chống lại “cuộc tấn công” của virus corona
Đó là nhật kí triệu chứng những ngày mắc Covid-19 của chị Đỗ Hà, hiện đang sống cùng chồng ở London, Anh. Hiện tại, chị Hà cho biết mình đã hết triệu chứng của bệnh, nhưng cơ thể còn yếu. Chia sẻ nguyên nhân nhiễm bệnh, chị Hà cho biết có thể mình lây từ chồng nhưng anh không phát bệnh và đã miễn dịch.
Chị chia sẻ thêm, “Những người trẻ ở Tây có sức đề kháng rất tốt vì họ được nuôi theo cách ép cơ thể sản sinh kháng thể từ bé. Cách làm này được thực hiện bao nhiêu thế hệ rồi nên với dịch corona, họ coi là cúm mùa. Trong đám bạn, có mình tôi là người Việt Nam bị nặng, còn những đứa còn lại, đứa có triệu chứng nặng nhất là hơi sốt, tiêu chảy. Nhiều đứa còn chả thấy gì như chồng tôi. Như trường hợp của tôi, kể từ lúc khó thở, bác sĩ ở Việt Nam hay ở Anh đều nói sẽ phải chịu đựng thêm 3 đến 5 ngày như thế. Sau 14 ngày sẽ có thể đào thải hết virus.”
“Từ bé, cứ sốt cứ ốm là tôi uống thuốc kháng sinh nặng để khỏi bệnh nên cơ thể phải có kháng sinh mới khá hơn. Trong khi ở đây, như thằng cháu David, nó mà ốm là mẹ nó lột trần chỉ cho mặc si líp, rồi uống siro ho cho cơ thể tự đề kháng. Hôm sau, nó lại nghịch như giặc, không giống mình bé mà ốm là lăn lóc cả tuần. Lần này, tên chồng tôi “chữa” cho vợ đúng bằng cách uống giảm sốt với ăn súp gà, nước chanh như bác sĩ bên này khuyên. Rõ ràng chồng tôi mang bệnh về mà chả bị đau ốm gì, trong khi mình không thở được.”, chị nhớ lại.
Ngoài việc có một người bạn Việt Nam là bác sĩ luôn theo sát và “chỉ đạo từ xa” những ngày chị Hà mắc bệnh, chồng của chị Hà cũng rất thương vợ và mọi việc trong nhà, từ dọn dẹp đến chăm sóc vợ anh cũng đều đảm đương hết.
Nguồn: Báo dân sinh
© 2024 | Thời báo ĐỨC