Người Việt ở châu Âu lo ngại mùa Giáng sinh ảm đạm vì chủng Omicron

Một số người Việt tại châu Âu nói cuộc sống chưa có nhiều xáo trộn trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nhưng họ lo ngại lễ Giáng sinh sắp tới sẽ có nhiều hạn chế hơn.

1 Nguoi Viet O Chau Au Lo Ngai Mua Giang Sinh Am Dam Vi Chung Omicron

Chị Hà Yến Quỳnh, du học sinh Việt tại Apeldoorn, Hà Lan. Ảnh: NVCC.

Giáng sinh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở châu Âu, với những con phố, hàng quán, thánh đường được trang hoàng lộng lẫy và các khu chợ truyền thống tấp nập. Với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, sự ảm đạm đang “phủ bóng” lên nhiều thành phố ở lục địa già.

Tuy vậy, một số người Việt sống tại các điểm nóng của dịch Covid-19 ở châu Âu vẫn tỏ ra lạc quan.

“Tôi có nghe về biến chủng Omicron, nhưng tôi thấy những người xung quanh dường như không quá quan tâm đến nó. Mọi người đã quen với dịch bệnh sau một thời gian dài, nên cuộc sống thường nhật không có gì thay đổi”, Yến Quỳnh, du học sinh Việt tại Apeldoorn, Hà Lan, nói.

Không quá lo sợ

Theo chia sẻ của Yến Quỳnh, điều cô cảm thấy may mắn là thành phố Apeldoorn đến nay vẫn chưa có ca nhiễm biến chủng Omicron. Mọi người dường như đã quen với dịch bệnh và thích nghi với cuộc sống trong giai đoạn “bình thường mới”.

“Phần lớn mọi người đã tiêm vaccine đầy đủ nên cuộc sống bình thường mới đang dần trở lại”, cô bạn chia sẻ.

Trong khi đó, Anh Thơ, sinh viên trường Imperial College London, cho biết cô tương đối lạc quan trước tình hình hiện tại ở Anh mặc dù quốc gia này đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng mới.

“Theo tôi tìm hiểu, dù số ca mắc Covid-19 hàng ngày tăng, tỷ lệ ca tử vong vẫn ở mức thấp nên bản thân không quá lo lắng”, cô cho biết. Anh Thơ vừa tiêm mũi tăng cường vài ngày trước.

“Từ khi tình hình dịch Covid-19 bớt căng thẳng, tôi chủ yếu vẫn làm việc tại nhà, đồng thời luôn tuân thủ các biện pháp giảm thiểu như đeo khẩu trang. Việc chính phủ chuyển sang 'kế hoạch B' cũng không khiến cuộc sống của tôi bị xáo trộn”, Anh Thơ nói.

Hôm 8/12, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn theo "kế hoạch B", trong đó yêu cầu người dân làm việc tại nhà, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng để có thể làm chậm sự lây lan của biến chủng Omicron.

Dương Nguyễn, hiện sống tại thành phố Newcastle, chia sẻ rằng do đã quen với việc phong tỏa liên tục tại Anh nên chị không e ngại trước sự xuất hiện của biến chủng mới. “Mọi người hiện tại đều quen với các biện pháp giảm thiểu như đeo khẩu trang, giãn cách. Với họ, dường như Covid-19 đã trở thành một phần của cuộc sống”, Dương cho biết.

Ngoài ra, Lan Anh - du học sinh Pháp - cho biết đến thời điểm hiện tại, cuộc sống của cô cũng không bị ảnh hưởng. "Tôi vẫn đến trường đều đặn để chuẩn bị cho bài thi cuối kỳ. Công việc làm thêm của tôi trong một nhà hàng Pháp vẫn diễn ra suôn sẻ".

Báo hiệu một mùa Giáng sinh ảm đạm

Để kiểm soát sự lây lan của biến chủng mới, nhiều quốc gia châu Âu cũng đang thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với những hoạt động và địa điểm vui chơi trong mùa lễ hội năm nay.

“Các khu chợ giáng sinh truyền thống ở Apeldoorn đều bị hủy hết. Năm nay, chính phủ cũng không cho phép đốt pháo hoa như các năm trước”, Yến Quỳnh cho biết. Do các hạn chế về giờ giấc, mọi người “không thể vui chơi thỏa thích” như những năm trước, chị cho biết thêm.

Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế tương đối khó khăn, mọi người cũng chi tiêu tiết kiệm hơn, “các gia đình trang trí ấm áp và đơn giản”, không còn náo nhiệt như các năm trước, chị chia sẻ.

Hà Lan cũng tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại những địa điểm đông người. “Hiện tại, mọi người đều phải đeo khẩu trang khi vào cửa hàng và trên các phương tiện giao thông công cộng”, Yến Quỳnh chia sẻ với Zing.

Theo Quỳnh, giới chức sở tại đang yêu cầu tất cả cửa hàng, quán ăn và quán bar phải đóng cửa từ 18h chiều, ngoại trừ những cửa hàng thiết yếu. Vì vậy, các hoạt động trước Giáng sinh cũng phải kết thúc sớm, không thể kéo dài qua đêm như những năm trước.

Ở Đức, quốc gia láng giềng của Hà Lan, các biện pháp phòng chống dịch cũng được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Theo ghi nhận của Thùy Dương, du học sinh tại Berlin, mọi người đều phải đeo khẩu trang và sát khuẩn tay khi đến những nơi công cộng.

2 Nguoi Viet O Chau Au Lo Ngai Mua Giang Sinh Am Dam Vi Chung Omicron

Nguyễn Thùy Dương, du học sinh Việt đang theo học ngành điều dưỡng ở Berlin, Đức. Ảnh: NVCC.

“Ở các cửa hàng, quán ăn hay trung tâm thương mại, tất cả khách hàng đều phải được kiểm tra chứng nhận tiêm chủng đầy đủ qua ứng dụng Corona-Warn trước khi vào bên trong”, Dương nói.

Cô cho biết một số khu chợ và địa điểm tổ chức lễ hội cuối năm đã bị hủy. Tuy nhiên, ở khu vực trung tâm thành phố, các hoạt động vẫn được duy trì dựa trên quy định phòng chống dịch của chính phủ.

Ở một thành phố khác của Đức - Wuppertal, Hà Chi cho biết lễ hội quan trọng nhất - ngày Giáng sinh sắp tới vẫn sẽ được tổ chức và mọi người đã có thể đến các hội chợ. Cô bạn cũng có dự định đến hội chợ ở thủ phủ bang North Rhine-Westphalia, Düsseldorf, cùng bạn bè trong ngày lễ sắp tới.

Các địa điểm tổ chức đều yêu cầu mọi người tham gia có chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine, từng điều trị Covid-19, hoặc giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ.

Còn đối với Yến Quỳnh, mặc dù các quy định hạn chế đi lại hiện không còn quá khó khăn, cô cũng phải hủy chuyến đi đến Đức để thăm người thân trong dịp lễ giáng sinh năm nay.

Kế hoạch đi lại của Dương Nguyễn cũng bị ảnh hưởng vì tình hình dịch bệnh phức tạp ở châu Âu hiện tại. “Dù đã lâu chưa đi du lịch xa, tôi vẫn phải hủy chuyến đi Pháp để đón Giáng sinh của mình do lo ngại nhiều thủ tục phức tạp”.

Thay đổi kế hoạch nghỉ lễ

Trước những thay đổi trong mùa giáng sinh năm nay, một số người Việt tại châu Âu đã lựa chọn dành thời gian cho các công việc cá nhân và gặp gỡ bạn bè, thay vì đến các lễ hội đông người.

Thùy Dương chia sẻ nếu được nghỉ trong ngày lễ sắp tới, cô sẽ dành thời gian để nghỉ ngơi tại nhà và gặp gỡ một vài người bạn thân thiết.

 3 Nguoi Viet O Chau Au Lo Ngai Mua Giang Sinh Am Dam Vi Chung Omicron

Lan Anh mong cô sẽ có một mùa Giáng sinh trọn vẹn vào năm nay. Ảnh: NVCC.

Yến Quỳnh cũng dự định đón Giáng sinh cùng gia đình một người bạn và dành thời gian hoàn thành bài luận tốt nghiệp, thay vì tiếp tục chuyến đi đến Đức như kế hoạch trước đó.

Dù bày tỏ sự lạc quan rằng Anh sẽ không áp lệnh phong tỏa, Anh Thơ cho biết gia đình cô phải hủy kế hoạch du lịch nhiều nước châu Âu trong mùa Giáng sinh này, do lo ngại tình hình dịch bệnh phức tạp.

“Tuy vẫn lo ngại về một Giáng sinh buồn như năm trước, tôi mong rằng ít nhất bản thân sẽ được ăn uống, tụ tập cùng bạn bè. Ở yên trong nhà như năm trước thì buồn lắm”, Anh Thơ tâm sự.

Lan Anh cũng tin tưởng rằng năm nay, cô sẽ trải qua một ngày lễ Giáng sinh thú vị hơn tại "kinh đô ánh sáng".

“Dịp Noel năm ngoái ở Pháp là một đợt phong tỏa nên khá buồn tẻ. Song năm nay, dù tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, tôi thấy các hoạt động chuẩn bị cho dịp lễ này vẫn rất sôi nổi. Hy vọng tôi sẽ có một mùa Giáng sinh vui vẻ bên bạn bè của mình”, Lan Anh nói.

Nguồn: Hải Linh, Vân Đinh/ Zing.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày