Tường thành, nhà thờ và tháp chuông Thành Cổ Warsaw nhìn từ bờ sông Vistula
Trong luận án tiến sĩ viết năm 2002, bà Aleksandra Grzymala-Kazlowska ghi nhận:
"Dân nhập cư Việt Nam được người Ba Lan thừa nhận một cách bất ngờ, điều này khá ngạc nhiên, khi chúng ta xét đến sự ít quen thuộc với, và tính cách rất khác của dân tộc này [với người Ba Lan], cũng như khủng hoảng kinh tế, và thái độ thù ghét đối với người nhập cư nói chung."
Bà Aleksandra Grzymala-Kazlowska kết luận rằng một trong những lý do cho sự đón nhận này là vì người Ba Lan đánh gía cao đóng góp của cộng đồng Việt cho kinh tế của nước họ vào thời điểm đang rất khó khăn ấy.
Giờ đây, 16 năm sau, người Ba Lan không chỉ thừa nhận đóng góp kinh tế của cộng đồng người Việt, mà còn chú ý đến sinh hoạt xã hội của họ, điển hình là nghiên cứu của Tiến sĩ xã hội học Grazyna Szymanska, thuộc Đại học Tổng hợp Warsaw.
Bên lề một Hội thảo mùa Hè này ở thủ đô Ba Lan, BBC Tiếng Việt có dịp chuyện trò với Tiến sĩ Grazyna Szymanska về công trình trình nghiên cứu của bà.
Thủ đô Warsaw: có những người Việt Nam từ nước khác sang Ba Lan để làm giấy tờ cư trú có giá trị trong khối Schengen
PV:Bà có thể chia sẻ vài nét khái quát về công trình nghiên cứu về của sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Ba Lan mà bà đang thực hiện?
TS Szymanska: Hơn 10 năm qua, tôi đã và đang xây dựng công trình nghiên cứu về cộng đồng người Việt tại Ba Lan. Hiện nay tôi đang làm việc cho một dự án tập trung về vấn đề hoạt động xã hội của Cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong nhiều năm làm việc với người Việt, tôi để ý thấy cộng đồng người Việt tại Ba Lan có rất nhiều nhà đấu tranh hoạt động ở nhiều lĩnh vực. Tôi thấy các thành viên của Cộng đồng người Việt hải ngoại luôn sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận hay tranh cãi về chính trị. Về các hoạt động từ thiện hướng về Việt Nam, họ cũng rất chủ động.
TS Grazyna Szymanska: Người Việt và người Ba Lan có nhiều điểm tương đồng, chẳng hạn 'cùng hướng về gia đình'
PV: Động lực nào khiến bà theo đuổi đề tài này?
TS Szymanska: Tôi sinh hoạt với và nghiên cứu cộng đồng người Việt ở đây lâu rồi. Ở những nghiên cứu trước, tôi nghiên cứu về nhiều khía cạnh khác. Trước đó phần lớn là về mô hình di cư của người Việt sang Ba Lan. Tôi để ý thấy lý do nhiều người Việt sang Ba Lan định cư bắt nguồn từ lịch sử mối quan hệ sâu sắc giữa Ba Lan và Việt Nam, đó là kết quả của việc cả hai đất nước cùng theo chung một chủ nghĩa xã hội trước khi cộng sản Liên Xô sụp đổ. Và đó là căn nguyên tại sao việc nghiên cứu cộng đồng Việt được hình thành.
Tôi cũng nhận thấy vì có một lịch sử chung nên người Ba Lan chúng tôi và người Việt Nam có nhiều đặc tính chung, và các hoạt động của người Việt ở Ba Lan cũng giống hoạt động người bản xứ ở một số khía cạnh vì cả hai cùng đi lên từ một môi trường xã hội chủ nghĩa.
Tôi thấy tương đồng giữa hoạt động xã hội của người Ba Lan và người Việt Nam ở cả lĩnh vực chính trị và phi chính trị cũng rất thú vị. Và mối liên hệ giữa Cộng đồng người Việt ở đây với cộng đồng người Việt hải ngoại toàn cầu cũng là chủ đề đáng để tìm hiểu.
PV:Bà đã bao giờ công bố kết quả nghiên cứu nào liên quan đến người Việt ở Ba Lan chưa?
TS Szymanska: Có. Tuy nhiên đề tài này, tuy không phải ở giai đoạn đầu, nhưng vẫn còn đang được thực hiện. Tôi đã từng công bố kết quả hai công trình nghiên cứu về các tổ chức của người Việt tại Ba Lan, về những nhận định của mình về gía trị và đóng góp của họ. Tôi nghĩ đó là những tài liệu ban đầu có ích.
PV:Thườngthì giới nào đặc biệt quan tâm đến kết quả của nghiên cứu đề tài hoạt động xã hội của Cộng đồng người Việt hải ngoại, thưa bà?
TS Szymanska: Tôi giữ liên lạc với những học giả và chuyên gia trên toàn thế giới. Trong đó, những học giả ở Mỹ cũng nghiên cứu về hoạt động của giới đấu tranh người Việt ở hải ngoại, và những sự khác biệt giữa cộng đồng người Việt hải ngoại trên nhiều đất nước khác nhau. Những học giả người Đức, ở Đức cũng nghiên cứu về mối liên hệ giữa người Đức trước đây ở Đông Đức và người Việt. Bằng cách này hay cách khác, những nghiên cứu của chúng tôi có liên quan đến nhau.
Tôi cũng tin rằng kết quả nghiên cứu về các nhà hoạt động người Việt tại Ba Lan có thể sẽ thu hút sự chú ý của phần đông công chúng. Vì người Ba Lan chúng tôi hay nhiều người ở Đông Âu cảm thấy thú vị khi tìm được những điểm tương đồng cũng như khác biệt giữa những vùng và đất nước của chúng ta, trong bối cảnh cùng chung một di sản lịch sử.
Một trung tâm buôn bán tại Warsaw do một tổ hợp người Việt làm chủ
Người Việt buôn bán trong những trung tâm thương mại ở Warsaw
Một cửa hàng của người Việt trong khu buôn bán Warsaw
Thức ăn Việt cũng được nhiều người Ba Lan ưa thích
PV:Bà có thể nêu ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa cộng đồng người Việt và người Ba Lan trong sinh hoạtđấu tranh không?
TS Szymanska: Để nói về vấn đề này, chúng ta phải nói về sự trùng hợp ngẫu nhiên là hai đất nước có chung di sản lịch sử, cùng thuộc nhóm những nước Cộng sản. Nhưng tất nhiên là tình hình của hai nước khác nhau. Ở Ba Lan, chế độ xã hội chủ nghĩa và Cộng sản được đưa vào Ba Lan hoàn toàn từ bên ngoài. Còn ở Việt Nam, vấn đề phức tạp ở chỗ xã hội chủ nghĩa lại được thiết lập liên quan đến việc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Tuy nhiên, có một vài sự tương quan rất thú vị. Chẳng hạn như trong trường hợp Ba Lan, Liên Xô - hay hiện giờ là Nga - luôn luôn đóng vai trò người anh lớn, mà Ba Lan có một quan hệ phức tạp với. Còn đối với Việt Nam, tôi nhận định rằng Trung Quốc luôn là một hàng xóm mạnh mẽ, quyền lực, và luôn đóng một vai trò gây tranh cãi trong mối quan hệ với Việt Nam.
Dõi theo những hoạt động của Cộng đồng người Việt ở Ba Lan và cộng đồng người Việt hải ngoại tôi thấy nhiều điều đáng chú ý. Ảnh hưởng của chính quyền Trung Quốc tới Việt Nam, uy quyền Trung Quốc thể hiện với Việt Nam, và những động thái của chính phủ Việt Nam đáp trả Trung Quốc luôn luôn là đề tài nóng hổi nhất, tôi có thể nói như vậy. Đối với Ba Lan vào những năm 1980 cũng vậy, Liên Xô tất nhiên là có ảnh hưởng đến hệ thống chính trị Ba Lan, vì thế đề tài này cũng là tâm điểm bàn tán.
Đó là những điểm tương đồng ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải lưu ý rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên khác - kỷ nguyên số hoá. Vì vậy, các hình thức hoạt động cũng khá mới mẻ, chẳng hạn qua mạng xã hội. Facebook hiện đóng vai trò quan trọng trong số các hình thức hoạt động.
PV:Bà đã thực hiện nghiên cứu này như thế nào? Bà có học tiếng Việt, hay kết bạn với người Việt không?
TS Szymanska: Có chứ. Chuyến đi với mục đích nghiên cứu đầu tiên của tôi xảy ra mười năm trước. Tôi sống ở Hà Nội trong vòng một năm, và đã học tiếng Việt. Lúc đó, tôi nghiên cứu về sự thay đổi xã hội ở Việt Nam. Sau đó, tôi trở lại Ba Lan và giữ liên lạc với hội người Việt tại đây.
Ở những bước nghiên cứu tiếp theo, tôi dựa vào công trình nghiên cứu nhân chủng học và phương pháp nghiên cứu định tính, như thực hiện các cuộc phỏng vấn, đối thoại, quan sát hay tham dự vào những sự kiện của cộng đồng. Những hoạt động trên mạng Internet cũng là những mảng tôi nghiên cứu.
PV:Trong lúc thực hiện nghiên cứu, có khám phá gì khiến bà thấy bất ngờ vàkhông tiên đoán trước hay không?
TS Szymanska: Có đấy! Việc thanh niên Việt Nam dùng công nghệ số hiện đại làm cho tôi vô cùng bất ngờ. Mười năm trước, tôi đặt chân đến Việt Nam. Cùng lúc đó ở Ba Lan, việc truy cập Internet không nhiều. Còn ở Việt Nam, mặc dù kinh tế chưa phát triển, mà Internet vẫn có mặt khắp nơi. Và đó là yếu tố dẫn đường cho việc sử dụng mạng lưới Internet của các nhà hoạt động xã hội.
Hiện nay, chúng tôi ghi nhận hơn 50 triệu người dùng Facebook ở Việt Nam - một con số ấn tượng. Khi quan sát các hoạt động của Cộng đồng người Việt ở Ba Lan và trên toàn thế giới, tôi thấy các hội nhóm kín hay trang cá nhân của những nhà hoạt động chính trị trên Facebook được xem là "trung tâm" của sinh hoạt. Điều này hoàn toàn khác với Ba Lan và Đông Âu khi các nhà hoạt động nơi đây không chọn Facebook làm nơi hoạt động. Điều đó thực sự thú vị.
PV: Bà có nói tiếng Việt và ăn được thức ăn Việt Nam không?
TS Szymanska: Tôi chưa nói được tiếng Việt chuẩn. Và vì vậy, nói bằng tiếng Anh thì tốt hơn nhưng mà tôi nghĩ rằng, biết tiếng Việt rất quan trọng để được tìm hiểu về văn hoá Việt Nam. Tôi có ăn thức ăn Việt Nam chứ. Tôi ăn chay, không ăn thịt. Vì vậy đậu phụ là món ăn tôi thích nhất. Tôi thích món đậu hũ sốt cà chua của người Việt.
PV:Bà nghĩ thế nào về cộng đồng người Việt so với các cộng đồng dân tộc khác tại Ba Lan, nhất là về phương diện hội nhập?
TS Szymanska: Ba Lan là một đất nước khá thuần chủng và không được đa dạng lắm về các giống dân. Cộng đồng người Việt có mấy chục ngàn người, cũng không phải là một cộng đồng lớn. Tuy nhiên, cũng là một trong số cộng đồng thiểu số đến từ bên ngoài châu Âu thuộc hàng đông đảo nhất ở Ba Lan. Một số cộng đồng lớn khác như Ukraine hay Belarus đều có xuất phát điểm là những nước từng theo hệ thống xã hội chủ nghĩa. Cộng đồng Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng là một cộng đồng không mờ nhạt chút nào. Đặc biệt là họ sống tập trung ở Warsaw và những vùng phụ cận, nên hợp được thành một khối rất rõ nét.
Về hội nhập, với thế hệ đầu tiên, chúng ta thường thấy là họ giữ sinh hoạt riêng biệt, cách sống riêng biệt. Họ có những quầy hàng nhỏ, trong những khu chợ lớn, buôn bán những món hàng nhập từ những nước Á Châu, và kinh doanh ngành ẩm thực, nhà hàng...
Người Việt đã có mặt ở Ba Lan từ thập niên 1950 về sau này và nay đã đến thế hệ hai, ba. Thế hệ thứ ba bây giờ cũng đã trưởng thành, họ hội nhập tốt và thích nghi rất nhanh với xã hội Ba Lan. Họ cũng có trình độ giáo dục tốt hơn hẳn so với người dân trung bình trong xã hội Ba Lan và tìm được việc làm trong nhiều lĩnh vực. Có nhiều sinh viên Việt Nam đến Ba Lan vào những năm 60, 70 cưới vợ hay chồng Ba Lan, vì họ có dự định ở lại đây. Giờ thì tôi thấy có những đám cưới giữa những người trẻ liên dân tộc. Điều đó cũng khá bình thường đối với sinh viên của tôi. Một vài trong số họ là con cái của những gia đình đa chủng tộc, trong đó bố hoặc mẹ là người Việt.
Người Việt tham dự Hội thảo đi tìm hương vị quê nhà ở Warsaw
Tô bún ốc Việt ở Thủ Đô Ba Lan
Bún chả Đồng Xuân ở Ba Lan
PV:Theo bà, liệu sự khác biệt văn hoá có tạo ra sự khó khăn trong việc hoà nhập xã hội của cộng đồng Việt hay không?
TS Szymanska: Đây là một câu hỏi hay. Một mặt, người Ba Lan coi cộng đồng người Việt là 'di dân gương mẫu', nói theo cách nói của người Mỹ. Người Việt được đánh giá là rất chăm chỉ, quan tâm đến giáo dục và có tham vọng. Nói chung người Ba Lan không thấy phiền phức gì với sự có mặt của cộng đồng người Việt ở đây.
Mặt khác, người Việt bị "gắn mác" không hoà nhập tốt lắm, có nghĩa là hơi tách biệt khỏi xã hội dòng chính. Tuy nhiên, trước những vấn đề di dân tại châu Âu gần đây, đối với xã hội Ba Lan thì người Việt được xem là một ví dụ tốt của người nhập cư chăm chỉ và đôn đốc chuyện giáo dục con cái. Vì vậy cái nhìn của người Ba Lan về cộng đồng người VIệt ở đây nói chung rất tốt.
Sự khác biệt văn hoá, đặc biệt là vấn đề giao tiếp, dẫn đến việc người Ba Lan nghĩ người Việt không được cởi mở cho lắm. Nhưng nhìn rộng ra thì tôi nghĩ chúng ta có nhiều điểm tương đồng. Chẳng hạn như sự ưu tiên dành cho giá trị gia đình. Việc hướng về gia đình cũng là đặc trưng của xã hội Ba Lan. Điều này lại rất khác biệt với các nước Tây Âu. Chúng tôi và người Việt đều rất coi trọng giá trị gia đình trong việc kết nối các thế hệ.
PV:Theo bà thì cộng đồng người Việt có thể làm gì để mối quan hệ cũng như cái nhìn của người bản xứ về cộng đồng tốt hơn nữa?
TS Szymanska: Tôi nghĩ rằng hiện nay cộng đồng người Việt có rất nhiều chuyển biến tích cực. Có rất nhiều sự kiện - đặc biệt là liên quan đến văn hoá - được tổ chức. Mới tuần trước có chuỗi sự kiện được Quỹ hỗ trợ người Việt hội nhập tại Ba Lan liên kết với thành phố Warsaw tổ chức. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Tôi nghĩ người Việt nên đặc biệt chú ý đến yếu tố địa phương. Ví dụ như tích cực tham gia các sự kiện của địa phương. Việc tham gia hòa mình như vậy sẽ giúp cải thiện nhận thức của người Ba Lan về người Việt. Họ sẽ không nghĩ rằng người Việt khép kín, tự tách mình ra khỏi xã hội Ba Lan nữa.
PV: Bà nhận xét thế nào về ngày đầu của Hội thảoMùa hè (do nhóm Viet-Studies tổ chức) diễn ra ở đây năm nay?
TS Szymanska: Tôi rất vui khi năm nay được tham dự Hội thảo Mùa Hè được tổ chức tại thành phố Warsaw? Warsaw là nơi đặc biệt với những thành viên của cộng đồng người Việt hải ngoại. Và họ hy vọng tất cả các khách mời tham dự sự kiện sẽ không chỉ tận hưởng không gian hội thảo, mà còn yêu thích thành phố Warsaw này, một thành phố rất đa dạng và có nhiều thứ để khám phá.
Tôi ấn tượng nhất là việc Cộng đồng người Việt hải ngoại ở đây đã tích cực hướng về và hành động nhiều hơn cho những diễn biến đang xảy ra ở Việt Nam. Điều này phản chiếu chính hình ảnh của Ba Lan. Trong những năm 70, 80 thì cộng đồng người Ba Lan hải ngoại cũng đóng góp đáng kể cho sự phát triển về những ý tưởng đổi mới tại Ba Lan. Vì thế tôi thấy có nhiều nét giống nhau. Chẳng hạn như quan tâm đến Trung Quốc là điều chung luôn được mang ra mổ xẻ.* Không có con số chính xác về số người Việt hiện đang định cư tại Ba Lan. Nhưng có ước lượng là có khoảng 35 ngàn người Việt hiện đang sinh sống ở đây.
Nguồn: Tina Hà Giang/ BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC