Người mẹ Sài Gòn mong mỏi tìm lại con gái mang hai dòng máu Việt – Mỹ suốt 44 năm: Những lá thư bị trả về

Vì muốn đứa con “lai” có được tương lai tốt đẹp hơn, người mẹ đã nén nỗi đau gửi con gái mới 3 tuổi đi Mỹ theo chiến dịch Babylift vào năm 1975. Thế nhưng vì tình mẫu tử, suốt 44 năm qua, người mẹ đã chấp nhận không lập gia đình, một mình nỗ lực tìm lại con gái cho đến cuối đời.

Hối hận vì rời xa con gái khi mới 3 tuổi

Suốt hàng chục năm qua, bà Nguyễn Thị Đẹp (SN 1949, quận Thủ Đức, TP. HCM) vẫn miệt mài ngày đêm tìm những thông tin trên sách, báo hay những câu chuyện liên quan đến việc tìm con thất lạc,…với hy vọng phép màu sẽ đến với cuộc đời bà, đó là gặp lại con gái sau 44 năm rời mảnh đất hình chữ S.

Gặp chúng tôi tại nhà với vẻ mặt u sầu, bà Đẹp tâm sự, đêm nào bà cũng gần như mất ngủ vì hình ảnh đứa con gái thất lạc cứ hiện trong tâm trí, nhưng cũng chính nỗi nhớ con càng thôi thúc người mẹ thêm động lực tìm lại con dù là chút hy vọng nhỏ nhoi.

132 1 Nguoi Me Sai Gon Mong Moi Tim Lai Con Gai Mang Hai Dong Mau Viet  My Suot 44 Nam Nhung La Thu Bi Tra Ve

Bà Đẹp chia sẻ về những gì đã qua trong cuộc đời mình.

Cầm trên tay những tấm ảnh chụp con gái lúc còn bé, bà Đẹp cho biết, con gái ruột tên Nguyễn Thị Phương Mai (SN 1972), là đứa con “lai” bị thất lạc sau khi gửi đi Mỹ trong chiến dịch Babylift vào năm 1975.

Nhớ lại chuyện quá khứ, bà Đẹp rơm rớm nước mắt chia sẻ, vào năm 1968 bà xin vào làm tạp vụ cho một căn cứ quân sự Mỹ ở Đồng Nai. Một thời gian sau đó, nhờ khả năng nói tiếng Anh thành thạo nên bà Đẹp được chuyển lên làm tổng đài viên tại đây.

Trong quá trình làm việc, bà Đẹp có tình cảm với một người lính Mỹ có tên Joe (SN 1945). Hai người yêu nhau mặc dù có khác biệt về văn hoá giữa hai đất nước. Kết quả của cuộc tình ấy là bé gái xinh xắn chào đời ngày 5/1/1972 được bà Đẹp đặt tên là Phương Mai. Cô bé mang hai dòng máu Việt – Mỹ được sinh ra khiến bà Mai vỡ oà trong hạnh phúc dù không biết tương lai của hai mẹ con như thế nào.

132 2 Nguoi Me Sai Gon Mong Moi Tim Lai Con Gai Mang Hai Dong Mau Viet  My Suot 44 Nam Nhung La Thu Bi Tra Ve

Bà cầm những tấm ảnh chụp chung với con gái lúc 3 tuổi và luôn nhớ về đứa con này.

Khi bé Mai vài tháng tuổi, người lính Mỹ tên Joe phải về nước sau khi hết nhiệm vụ. Mặc dù vậy, khi rời Việt Nam, ông Joe vẫn không quên lời hứa sẽ sớm trở lại đón vợ con.

Nhưng rồi sau ngày chia tay đó, trải qua nhiều biến cố thì mọi liên lạc giữa ông Joe và mẹ con bà Đẹp không còn nữa.

Đến tháng 4/1975, khi bé Mai đã hơn 3 tuổi, bà Đẹp gửi con đi Mỹ theo chiến dịch Babylift (Chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam sang Mỹ và một số nước châu Âu) với mong muốn con sẽ có một tương lai tốt đẹp, cuộc sống sung sướng hơn.

“Tôi còn nhớ như in, lúc đó 15h chiều ngày 26/4/1975, chuyến bay của chiến dịch Babylift cất cánh đã chở cô con gái mới 3 tuổi của mình cùng hàng trăm trẻ khác vượt nửa vòng trái đất đến với đất nước xa xôi. Và đó cũng lần cuối cùng tôi nhìn thấy con gái mình, hiện tôi đã ngoài 70, chỉ hy vọng gặp lại con gái được một lần trước khi nhắm mắt xuôi tay. Thời gian không còn dài nữa vì tôi cũng già rồi”, bà Đẹp tâm sự.

132 3 Nguoi Me Sai Gon Mong Moi Tim Lai Con Gai Mang Hai Dong Mau Viet  My Suot 44 Nam Nhung La Thu Bi Tra Ve 132 4 Nguoi Me Sai Gon Mong Moi Tim Lai Con Gai Mang Hai Dong Mau Viet  My Suot 44 Nam Nhung La Thu Bi Tra Ve

Những tấm ảnh thời trẻ của bà Đẹp và đứa con gái “lai” của mình.

Hỏi về chuyến bay đó, lúc nào bà Đẹp nghẹn ngào: “Điều đó làm tôi ân hận đến bây giờ vì lúc đó đã quá vội vàng đưa ra quyết định mà chưa tìm hiểu kỹ chuyến bay đó sẽ đến đất nước nào… Xa con khi ấy con chỉ mới 3 tuổi khiến người mẹ như tôi day dứt lắm, đau lắm nên phải quyết tâm tìm gặp lại con. Suốt 45 năm qua tôi cũng không muốn lập gia đình, chỉ ở vậy để hy vọng con lớn lên sẽ trở về nhà, về với quê hương Việt Nam”, bà Đẹp nói trong nước mắt.

Hành trình tìm con suốt 44 năm

Theo bà Đẹp, khi xa con đêm nào bà cũng khóc vì nhớ đứa trẻ phải bơ vơ một mình giữa vùng đất lạ nào đó mà không có mẹ bên cạnh. Để đi tìm con gái, bà Đẹp tìm đọc các sách báo, tài liệu về chiến dịch Babylift với hy vọng tìm chút manh mối nào đó về núm ruột của mình.

Bên cạnh đó, bà cũng tìm những đứa trẻ trên những chuyến bay năm đó nay trưởng thành trở về Việt Nam để hỏi thêm thông tin. Mỗi lần như thể là một hy vọng được nhen nhóm. Thậm chí, bà Đẹp còn viết thư cho Tổng thống Mỹ để nhờ giúp đỡ nhưng vẫn không có thông tin gì về con gái.

132 5 Nguoi Me Sai Gon Mong Moi Tim Lai Con Gai Mang Hai Dong Mau Viet  My Suot 44 Nam Nhung La Thu Bi Tra Ve

Bà Đẹp rơm rớm nước mắt khi nhớ về con gái.

132 6 Nguoi Me Sai Gon Mong Moi Tim Lai Con Gai Mang Hai Dong Mau Viet  My Suot 44 Nam Nhung La Thu Bi Tra Ve

Giấy khai sinh của con gái bà còn lưu giữ từ thời đó đến giờ.

Sau đó, bà Đẹp quyết định tìm mọi cách để liên lạc với người chồng lính Mỹ năm đó tên Joe. Sau nhiều năm nỗ lực, bà đã tìm được địa chỉ và gửi thư cho chồng.

Tuy nhiên, khi bức thư được gửi trả lại vì địa chỉ gửi đi không tồn tại khiến bà càng thêm tuyệt vọng, nhưng bà vẫn không bỏ cuộc. Bởi trong tâm trí của người mẹ, khi còn sống ngày nào thì không cho phép dừng việc tìm kiếm con gái.

Mãi về sau này với nhiều lần gửi thư nhưng lại bị trả về vì địa chỉ không tồn tại, bà Đẹp mới biết ông Joe đã mất vào năm 2011. Manh mối cuối cùng đã không còn nhưng người mẹ vẫn quyết tâm tìm lại con.

132 7 Nguoi Me Sai Gon Mong Moi Tim Lai Con Gai Mang Hai Dong Mau Viet  My Suot 44 Nam Nhung La Thu Bi Tra Ve

Những lá thư gửi qua Mỹ cho ông Joe để tìm thông tin con gái nhưng bị trả về do địa chỉ đã không tồn tại.

“Giờ tôi già rồi, tôi không biết mình sẽ sống được bao lâu. Tôi chỉ có một mong ước duy nhất là biết con mình bây giờ sống thế nào”, bà Đẹp tâm sự.

Thông qua báo chí, bà hy vọng ở một nơi nào đó con gái sẽ đọc được những dòng tâm sự của bà và nhận ra mẹ, sau đó quay về để hai mẹ con đoàn tụ. Bà cũng hy vọng con gái đang có được cuộc sống tốt, mạnh khoẻ.

Mọi thông tin về chị Nguyễn Thị Phương Mai (SN 1972) xin báo về cho bà Nguyễn Thị Đẹp (mẹ chị Mai) qua số ĐT: 0773719997, địa chỉ hẻm số 188/5/8 đường Tô Ngọc Vân, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM (hẻm chùa Phổ Quang).


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày