Du học sinh trông trẻ ở Pháp

“Đặt chân đến Pháp, tôi may mắn tìm được công việc trông trẻ cho một gia đình ở Nancy. Một cậu bé mang trong mình hai dòng máu Pháp Việt là “cần câu cơm” đầu tiên của tôi.

Mỗi tuần tôi trông cậu một ngày thứ 3. Lương trừ ngang, trừ dọc cũng đủ tiền ăn hàng tháng.

Đối với tôi, đó là một niềm hạnh phúc lớn lao”, Phương Ly, cựu du học sinh ở Pháp, kể.

132 1 Du Hoc Sinh Trong Tre O Phap

Áp lực tài chính

Bước chân lên máy bay, tài sản duy nhất tôi có là 4.500 euro mà anh rể cho vay, đủ tiền học và sống tằn tiện trong vòng một năm. Từ năm thứ 2, để có thể trụ lại, tôi bắt đầu kiếm việc làm mùa hè. Số tiền đi làm hè tuy không nhiều nhưng chắt bóp tôi có thể tự lo cho mình. Không đi làm, hoặc tôi sẽ chết đói nơi xứ người, hoặc tôi sẽ phải trở về Việt Nam bỏ dở việc học hành. Bởi đơn giản rằng gia đình không có đủ điều kiện chu cấp cho tôi. Nhiều khi tôi thầm ghen tỵ, các bạn sinh viên khác nếu không có việc, vẫn còn gia đình gửi tiền tiếp tế, nhưng tôi thì không.

Áp lực đè lên tôi, có những đêm giật mình tỉnh dậy hốt hoảng, lo sợ. Sợ không đủ tiền để tiếp tục đi học, sợ không kiếm được việc làm, sợ khi nhìn số tiền ít ỏi còn lại trong tài khoản cứ ngày một vơi dần, vơi dần. Tài chính luôn là nỗi ám ảnh tôi suốt những năm tháng sinh viên. Mọi người vẫn nghĩ tôi đi du học tức là tôi rất sướng, tức là tôi giàu có. Song ít ai biết rằng nhiều lúc tôi bật khóc nức nở vì không có tiền, vì áp lực phải tồn tại, bằng mọi giá phải học xong đại học, hay đơn giản vì tôi rất cô đơn.

Tôi chỉ có một lựa chọn duy nhất là làm bất kể công việc chính đáng nào đó để sống, chỉ cần có việc, chỉ cần được đi làm. Khi nộp hồ sơ xin học, tôi không sợ bằng cầm hồ sơ đi xin việc làm. Không có việc làm tôi sẽ không thể tiếp tục đi học.

Ngày tôi tốt nghiệp, nhìn bàn tay mình khắc khổ, khô ráp vì lao động tôi đã không nén nỗi một tiếng thở dài. Tôi đã trả giá bằng tất cả sức khỏe của tuổi trẻ để lấy được tấm bằng đại học. Đôi bàn tay tôi không thon, không đẹp, da dẻ không mịn màng, nhiều những nếp nhăn. Xong nó đã nuôi tôi, nuôi những tháng ngày vất vả nhất của tôi, giúp tôi trả hết món nợ cho anh rể. Một sự đánh đổi không cân xứng.

Có người bảo tôi liều. Tại sao tôi lại quyết định đi du học khi tôi thừa biết kinh tế gia đình không thể đủ chu cấp hàng năm cho tôi? Tôi cũng không biết vì sao? Có lẽ lúc đấy như bao nhiêu người khác, tôi cho rằng Pháp là một miền đất hứa, kiếm tiền không phải là khó. Tôi dấn thân…

Liệu có quá tự tin khi tôi nói rằng tôi đi đến ngày hôm nay bằng chính đôi chân thực sự của mình? 20 tuổi tôi bắt đầu tự nuôi mình ở một đất nước xa lạ, bên cạnh không gia đình, không người thân, chỉ có những khó khăn, vất vả chồng chất và những nỗi lo sợ luôn thường trực… Sau 7 năm, tôi đã là một người rất lớn.

Tôi đi trông trẻ

Đặt chân đến Pháp, tôi may mắn tìm được công việc trông trẻ cho một gia đình ở Nancy. Một cậu bé mang trong mình hai dòng máu Pháp Việt là “cần câu cơm” đầu tiên của tôi. Mỗi tuần tôi trông cậu một ngày thứ 3. Lương trừ ngang, trừ dọc cũng đủ tiền ăn hàng tháng. Đối với tôi, đó là một niềm hạnh phúc lớn lao.

Từ nhỏ tôi đã thích trẻ con. Luôn mong muốn một ngày nào đó có em bé xuất hiện trong nhà, để tôi được bồng được bế. Đợi mãi mà không thấy, cuối cùng tôi đành bế con nhà hàng xóm. Sau này mới thấy chính những năm tháng “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” ấy lại giúp tôi rất nhiều trên đất Pháp. Tôi thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ, những bài hát ru. Tiềm năng này được tôi khai thác triệt để khi trông cậu bé Elias.

Cậu bé khá “tốt bụng” với tôi, cậu ăn ngủ đúng giờ giấc. Đến giờ là ăn, đến giờ là ngủ, đến giờ là thay bỉm. Khi cậu khóc tôi chỉ cần lôi quyển sách đầy hình thù mầu sắc sặc sỡ để trước mặt, cậu nín khóc ngay. Khi cậu ăn tôi chỉ lừa chút xíu là cậu ăn một cách ngon lành. Trông trẻ cũng là một cái nghề.

Tôi thích nhất mỗi khi cậu ngủ. Bế cậu trên tay, ru những bài hát ru bằng tiếng Việt. Cậu ngủ thì tôi cũng ngủ theo cậu. Cậu dậy tôi vẫn còn mơ những giấc mơ rất đẹp. Đến khi cậu khóc váng lên tôi mới lồm cồm bò dậy cho cậu ăn. Nhiều hôm mẹ cậu đi làm về, hai chị em vẫn còn đang say giấc nồng.

Đến ngày lấy lương, tôi chờ đợi, hồi hộp thấp thỏm để xem cảm giác lần đầu tiên cầm những đồng tiền mồ hôi, nước mắt như thế nào? Có thấy rưng rưng xúc động không? Ấy vậy mà tôi không thấy bóng dáng tờ euros nào cả. Lương của tôi là một tấm séc, phải mang ra ngân hàng cho người ta tự giao dịch, chuyển tiền. Nghĩ cũng hơi thất vọng chút chút.

Bây giờ cậu đã rất lớn, đã biết khoe tôi rằng cậu có thể đếm được từ 1 đến 10 bằng tiếng Việt Nam, hay vẽ chân dung tôi bằng những nét vẽ ngồ ngộ nghệch ngoạc của trẻ con kèm rất nhiều … tim ở bên cạnh. Cậu đích thực là một tình yêu.

132 2 Du Hoc Sinh Trong Tre O Phap

Do bận ôn thi, chị bạn người Trung Quốc nhờ tôi đi làm hộ vài buổi. Thượng đế lần này là hai cậu nhóc, một 8 tuổi, một hơn 1 tuổi, siêu nghịch ngợm và phá phách. Sau khi dặn dò mọi thứ, mẹ cậu tin tưởng giao các cậu lại rồi đi làm. Chỉ 5 phút sau tôi đã có thể đoán buổi tối của tôi sẽ như thế nào. Cậu anh lao ra phòng khách, trên mình khoác bộ quần áo siêu nhân, tay vung vẩy thanh kiếm nhựa, hò hét đè tôi ra đâm lấy đâm để.

Thấy tôi bị đâm, cậu em cười khanh khách, rồi bò lại ngồi lên bụng tôi chơi trò… thú nhún. Nửa tiếng sau, cậu anh thay bộ đồ cướp biển, rồi bắt tôi cùng cậu út làm tù binh để mặc sức hành hạ. Cậu út không chịu nổi nhục hình nên òa khóc nức nở. Tôi lại cuống cuồng dỗ dành cậu ta. Nền nhà la liệt đồ chơi, tung tóe, bừa bộn. Hò hét mãi, cậu cả chắc cũng mệt nên sai tôi mở phim cho cậu xem. Tôi được yên thân vài phút.

Cậu út thấy trời yên bể lặng nên có vẻ… buồn. Ngay tức thì cậu đứng dạng hai chân, mặt đần ra. Tôi bế xốc cậu lao vào nhà tắm. Đánh vật cả 15 phút mới mặc bỉm vào được cho cậu. Vì cậu luôn tặng tôi những cú đạp trời giáng vào mặt, vào ngực trong khi tôi một tay đỡ cậu, một tay thay bỉm. Bé mà ré như hạt tiêu. Quay bên nọ, quay bên kia. Tôi chóng hết cả mặt. Bước chân ra khỏi nhà tắm, đón tôi là khuôn mặt đau khổ, buồn rầu của cậu cả. Nghịch quá nên giờ cậu than đói bụng.

Xông vào bếp, hâm lại đồ ăn mẹ cậu để sẵn. Tôi gần như bất lực. Anh hét, em hò, anh chê thịt nhạt, em nhè thịt ra. Xoay sở một hồi các cậu mới ăn xong bữa tối. Tôi như con lật đật. 9h tối, giờ cậu út đi ngủ. Cậu thì nặng, bế cậu mà tôi rã rời hai cánh tay. Tôi ru hết bài nọ, đến bài kia, hết cả vốn, mắt tôi đã díp lại nhưng mắt cậu vẫn mở to tròn nhìn tôi như nuốt lấy từng bài hát ru hỡi ru hời. Tôi đổi phương án, đứng yên, không ru nữa, tức thì mắt cậu bé dần, bé dần, rồi ngủ rất sâu. Xong phần cậu út, quay ra thấy cậu cả nằm trên ghế sofa nước mắt ngắn dài. Hỏi mãi cậu mới thỏ thẻ là “chị không thương em, sao chị lại để em ở ngoài này một mình? sao chị không chơi với em?”.

Đúng là đồ… trẻ con. Lại ngồi dỗ dành, nịnh nọt, ôm cậu vào lòng ru cậu ngủ. Bế cậu vào phòng, quay ra bắt đầu dọn chiến trường cậu để lại trên nền nhà. 2h sáng mẹ cậu mới đi làm về. Tôi gần như kiệt sức. Ra khỏi nhà các cậu mà đầu óc tôi vẫn ong ong, ve ve ngỡ mình vừa thoát khỏi tay “những tên cướp biển vùng Caraibes” thực sự. Không hiểu sao tôi vẫn yêu trẻ con đến thế?

Theo Phương Ly


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày