Người mẹ gốc Việt suýt bị trục xuất khỏi Australia vì viêm gan B

Sidney Võ được Bộ trưởng Di trú Australia cấp visa tạm thời một năm sau khi bị từ chối ở lại nước này vì từng mắc viêm gan B.

Sidney Võ, 36 tuổi, và con trai Billy, 12 tuổi, đã sống ở Australia 10 năm nay nhưng chưa được cấp quyền thường trú nhân. Đơn xin visa gần nhất của Sidney hồi đầu năm nay không được chấp nhận do từng mắc bệnh viêm gan B, khiến cô và con trai đối mặt với khả năng bị trục xuất về Việt Nam. Dù đã khỏe mạnh và không cần dùng thuốc, chi phí dự kiến để điều trị cho Sidney được xem là một gánh nặng với tiền thuế của chính phủ Australia.

"Tôi rất sốc khi việc này lại ảnh hưởng đến visa nhiều như thế và tôi nghĩ mình khỏe mạnh, mình có thể làm bất cứ việc gì", Sidney nói.

132 1 Nguoi Me Goc Viet Suyt Bi Truc Xuat Khoi Australia Vi Viem Gan B

Mẹ con Sidney tại Australia. Ảnh: Sidney Vo/Facebook

Sidney đến Australia vào năm 2009, khi con trai Billy mới 18 tháng tuổi. Cô học ở Melbourne và cách đây ba năm chuyển đến sống ở Canberra để làm việc tại một nhà trẻ. Năm 2012, Sidney phát hiện và bắt đầu điều trị viêm gan B.

Dù rất lo lắng và xấu hổ, cô vẫn quyết định lên tiếng về hoàn cảnh và bệnh tình của mình vì muốn con trai, người lớn lên và gắn bó với Australia, được tiếp tục ở lại nước này.

"Không nhiều người hiểu về căn bệnh. Họ chỉ lo sợ virus dù tôi không phát hiện virus. Họ không biết điều đó. Họ chỉ tránh xa tôi và tôi cảm thấy mình bị phân biệt đối xử một cách gián tiếp", cô nói.

Sidney đã xuất hiện trên cả radio lẫn truyền hình để thu hút sự quan tâm của mọi người tới trường hợp của mình. Hồi tháng 8, người mẹ đơn thân gốc Việt nỗ lực nộp đơn lần cuối cùng sau khi các thay đổi về luật sức khỏe đối với người nhập cư được điều chỉnh và đi vào hiệu lực một tháng trước đó.

Sidney và Billy buộc phải rời khỏi căn hộ ở thủ đô Canberra và sống với bà con ở Melbourne suốt những tháng qua trong khi chờ Bộ trưởng Di trú Australia David Coleman xem xét trường hợp của cô.

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm phổ biến tại nhiều nơi ở Đông Nam Á, với khoảng 39 triệu người mắc bệnh, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới. Cứ 8 người Australia gốc Việt và Campuchia thì có một người mắc viêm gan B, căn bệnh gây viêm gan và có thể dẫn tới ung thư gan nếu không được kiểm soát. 

Tuy nhiên, các bác sĩ cho hay bệnh có thể được chữa trị dễ dàng bằng cách dùng thuốc thường xuyên với chi phí thấp hơn nhiều so với tính toán của chính phủ, cho phép những người nhập cư như Sidney được sống khỏe mạnh và đóng góp một cách đầy đủ cho xã hội. Việc Sidney bị từ chối visa có thể khiến các bệnh nhân mắc viêm gan B bị kỳ thị ở một số cộng đồng nhập cư tại Australia.

Hồi tháng 7, chính phủ nước này đã thay đổi luật sức khỏe đối với những người xin visa, tăng số tiền tối đa mà chính phủ hỗ trợ họ điều trị từ 40.000 lên 49.000 AUD. Tuy nhiên, đơn xin visa của Sidney đã bị từ chối trước khi thay đổi trên đi vào hiệu lực và sự can thiệp của Bộ trưởng Coleman là hy vọng duy nhất của cô.

Tháng trước, các chuyên gia y tế đã cùng viết một lá thư gửi ông Coleman bày tỏ sự ủng hộ với Sidney. Hơn 32.000 người cũng ký vào đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi giới chức cho mẹ con cô ở lại Australia. 

132 2 Nguoi Me Goc Viet Suyt Bi Truc Xuat Khoi Australia Vi Viem Gan B

Mẹ con Sidney cùng người thân của cô ở Australia. Ảnh: Sidney Vo/Facebook

Tuần này, Bộ trưởng Di trú Coleman thông báo sẽ cấp cho Sidney visa tạm thời một năm để tiếp tục xin visa thường trú mà không bị trục xuất. Sidney cho biết Billy rất vui vì được tiếp tục đi học ở Australia.

"Tôi thực sự biết ơn tất cả sự ủng hộ. Nếu không có nó, tôi sẽ không thể có được kết quả này", cô nói. "Chúng tôi đang tìm cho thằng bé một trường cấp ba vào năm sau", Sidney nói.

Cô đã đề nghị chính quyền cân nhắc những đóng góp của mình với xã hội trên vai trò một lao động toàn thời gian, khi nền công nghiệp Australia đang vật lộn việc thiếu nhân công. Cô còn là một giáo viên tình nguyện tại trường tiếng Việt ở Canberra. 

"Tôi tin rằng điều này có giá trị hơn chi phí mà chính phủ bỏ ra cho tôi", cô nói.

Sidney sẽ quay lại Canberra và nộp đơn xin visa lao động mới với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo được thường trú tại Australia. Cô thấy vui khi với những điều chỉnh về luật, sẽ không có người nhập cư nào phải chịu thiệt thòi chỉ vì mắc một căn bệnh có thể kiểm soát được.

"Chúng tôi có thể chất khỏe mạnh, chúng tôi có thể đóng góp cho cộng đồng, chúng tôi có thể làm việc và làm bất cứ điều gì như những người bình thường", cô nói.

Nguồn: VnExpress.net


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày