Bà Leigh Mai với mẹ năm xưa và ngày nay. (WMTW/ ABC 8)
Vào ngày thứ Hai, 25 tháng 11, 2019, hãng thông tấn Reuters đã viết tin về trường hợp của bà Leigh Mai Boughton Small từ đông bắc Hoa Kỳ bay đến Việt Nam để được gặp lại mẹ mà bà mới tìm thấy mấy tháng trước đây. Dưới đây là tóm lược của bản tin của Reuters.
Người mẹ và con gái trước khi con lên máy bay qua Mỹ vào tháng Tư năm 1975. (WMTW)
* Trong mấy thập niên, một người mẹ tại Việt Nam đã thường xuyên nghĩ đến đứa con gái 3 tuổi mà bà phải giao cho người khác vào tháng Tư năm 1975, chỉ mấy ngày trước khi Sài Gòn bị Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm.
Trong lúc quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam sau hai mươi năm tham chiến, hàng chục ngàn người miền Nam Việt Nam từng sát cánh với người Mỹ trong cuộc chiến chống Cộng Sản Bắc Việt hoặc chống chế độ miền Bắc đã rất lo sợ cho tương lai của họ. Trong cuộc tản cư lớn, hơn 3,000 trẻ em đã được chính phủ Hoa Kỳ đưa lên máy bay chở đến các gia đình nhận bảo trợ ở nước ngoài.
Trong số những em bé này có bà Leigh Mai Boughton Small, lúc đó là con của một phụ nữ Việt làm công trong nhà và một người lính Mỹ. Giữa sự hỗn loạn của những ngày cuối cùng của cuộc chiến, bà Leigh Mai được một gia đình trung lưu ở tiểu bang Maine nhận nuôi.
Nếu bà không quyết định truy tìm nguồn gốc qua một trang mạng cung cấp dịch vụ DNA, và nếu không có sự giúp đỡ của một người Việt Nam hảo tâm, có lẽ bà và mẹ của bà sẽ tiếp tục đến cuối cuộc đời mà không bao giờ biết được người thân của mình đã sống ra sao.
Bà Leigh Mai, nay đã 47 tuổi, từng về Việt Nam kiếm mẹ ruột của mình nhiều năm trước nhưng không thành công. Đến ngày 17 tháng 11 vừa qua, bà đã được lại mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Đẹp tại Sài Gòn. Cuộc hội ngộ này đã được đài truyền hình Reuters TV độc quyền thâu hình.
Buổi hội ngộ đã bắt đầu với một cái ôm ngỡ ngàng, lúng túng của hai mẹ con. Bà Đẹp nay đã 70 tuổi, từng lo lắng là con gái sẽ thất vọng khi gặp lại người mẹ từng quyết định trao bà cho người khác nuôi. Bà Leigh Mai kể rằng mẹ của bà đã lo ngại rằng bà sẽ gặp một phụ nữ "già, tóc bạc, gầy yếu," khác với một phụ nữ từng có thời thanh xuân trẻ đẹp.
Cùng đến Việt Nam với bà Leigh Mai là ông chồng tên Jeff, một con gái và hai con trai sinh đôi của họ. Bà Leigh Mai đã an ủi mẹ, nói rằng bà không bao giờ oán hận về việc mẹ đã gởi bà đi nơi khác.
Bà Leigh Mai đã tặng mẹ một chiếc mề-đai và một cuốn sổ tay nhỏ mà bà từng tạo ra với những hình ảnh và lời tâm sự thời thơ ấu. Về phần mình, bà Đẹp tặng ba cháu ngoại ba chiếc phong bì đỏ với tiền lì-xì.
Hai mẹ con đã ôm nhau, vừa khóc và vừa cười.
Bà Nguyễn Thị Đẹp, 70 tuổi, gặp lại con gái Leigh Mai sau 44 năm xa cách. (Republic TV)
Không chỉ từng bị thất lạc mẹ, bà Leigh Mai nay nhận ra là mình mất cả một đại gia đình trong nhiều năm. Bà cũng không thể mường tượng nổi sự đau khổ của mẹ, vì trong suốt hơn bốn thập niên, bà Đẹp đã phải sống với sự ân hận rằng có thể bà đã quyết định quá vội vã khi cho con gái mới có 3 tuổi bước vào một số phận không rõ ràng ở hải ngoại.
Bà Đẹp từng gặp ông Joe ONeal, cha của bà Leigh Mai, đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ tại Thủ Đức. Ông đã trở về Mỹ sau khi Hiệp Định Paris được ký vào đầu năm 1973. Lúc đó bà Đẹp đã có bé gái mới gần một tuổi mà bà đặt tên là Phương Mai.
Một lá thư của bà viết cho ông ONeal đã bị hồi trả. Sau này bà được biết ông đã lấy vợ và lập gia đình ở South Carolina. Trước khi cộng sản vào miền Nam tháng Tư 1975, bà Đẹp được các bạn Mỹ cũng như Việt khuyên rằng bà hãy cho con lên một chuyến bay của Operation Babylift, một chương trình do chính phủ Hoa Kỳ thực hiện để đưa trẻ mồ côi ra khỏi Việt Nam."
Khi nghe các bạn nói rằng người cộng sản sẽ giết đứa con gái lai Mỹ của mình, bà Đẹp đã rất lo lắng. Bà Đẹp kể với Reuters, "Tôi đã hốt hoảng và quyết định cho Mai đi. Chỉ trong vòng một tuần lễ, từ khi tôi điền giấy tờ và phi cơ cất cánh đưa con rời khỏi Việt Nam." Hầu hết các trẻ em được đưa lên các chuyến bay là trẻ mồ côi. Một số các em khác được đưa qua Hoa Kỳ với hy vọng các em sẽ có một tương lai khá hơn, hoặc sẽ được đoàn tụ với gia đình sau khi sự hỗn loạn của chiến tranh kết thúc.
Thế nhưng mọi sự hy vọng đều bị xóa tan sau ngày chiến tranh kết thúc, vì Việt Nam và Hoa Kỳ đã không bình thường hóa ngoại giao cho đến năm 1995. Bà Đẹp được nhìn thấy con gái lần cuối là tại trại mồ côi, nơi con gái chờ được đưa lên phi cơ.
Bà nói với Leigh Mai rằng bà "cần đi rửa mặt," và rồi bà ra cửa sau. Thế nhưng như có linh tính biết được mẹ sẽ rời đi, theo lời kể của bà Đẹp, thì bé Mai đã la lên, "Má đừng đi." Bà Đẹp kể rằng lúc nghe con nói như vậy, bà đã thật sự muốn quả lại và mang con về nhà." Thế nhưng bà đã rời phi trường, đi bộ từ đó vào trung tâm thành phố và nói với một chủ nhà mà bà đang làm công là "tôi đã cho con tôi đi."
Bà đã đau lòng từ ngày đó, khóc hằng đêm suốt mấy tháng trời. Bà kể, "Cha tôi đã không nói chuyện với tôi hơn hai tháng. Tôi làm nhiều việc khác nhau để sống. Cuộc đời đã xô đẩy tôi từ nơi này đến nơi khác." Thế nhưng bà không bao giờ đánh mất niềm hy vọng sẽ gặp lại Leigh Mai.
Bà từng liên lạc với văn phòng của Nghị Sĩ Edward Kennedy khi ông còn sống, gởi thư đến nhiều nơi ở Mỹ. Vào năm 1975 ông Kennedy lằ chủ tịch của một tiểu ban từng nghe điều trần về chương trình Operation Babylift.
Tất cả những lá thư của bà Đẹp gởi đến Mỹ đều không có hồi âm. Trong khi đó, bà Leigh Mai lớn lên và luôn luôn biết mình có dòng máu Việt Nam, nhưng hoàn toàn không biết cha mẹ mình là ai. Bà đã có một cuộc sống rất tốt, trong một gia đình trung lưu ở đông bắc nước Mỹ. Bà có một người chị và một người em trai, cũng là con nuôi của gia đình bà.
Vào năm 2000, khi được 27 tuổi và vừa lấy chồng, bà đã nghĩ đến mẹ và tìm kiếm bà. Cùng mẹ nuôi là bà Mary Beth Boughton, họ đến Việt Nam, tìm đến một thị xã mà bà Mai đã chào đời, đến một nơi từng là trại mồ côi, nhưng không có được một manh mối nào.
Bà bỏ cuộc trong nhiều năm, cho đến khi phương pháp thử nghiệm di tính DNA bắt đầu phổ biến và được cung cấp trên mạng mấy năm gần đây. Bốn năm trước đây, bà Leigh Mai cung cấp DNA cho trang ancestry.com, thỉnh thoảng được thông báo có thể có liên hệ với một ai đó. Đến tháng Chín 2019, bà nhận được một thư email từ ancestry.com, cho biết bà có liên hệ máu mủ với một người em ruột hoặc em họ. Thế rồi một thư email từ người lạ cho biết "Tôi là em cùng cha khác mẹ của bà.
Một người mẹ Việt Nam đang tìm bà." Khi liên lạc với một phụ nữ tên là Bonnie Ludlow, một người mà bà Leigh Mai được biết là có cùng cha với mình, và ông đã mất năm 2011, thì cuộc tìm mẹ đã bùng lên mạnh mẽ trở lại, bà Leigh Mai kể. Trước đó, có một anh Việt Nam tên là Lê Vũ, 30 tuổi, đã có dịp đọc một bài báo về việc bà Đẹp tìm con gái của mình.
Anh Vũ đã tự nhận sứ mạng đi tìm con cho bà Đẹp. Dò tìm trên mạng, cuối cùng anh khám phá một cáo phó về cái chết của ông Joe ONeal có tên của bà Bonnie Ludlow.
Anh tìm bà Bonnie và báo cho bà biết về một người chị cùng cha khác mẹ của bà. Từ đó, qua thử nghiệm DNA, họ tìm ra bà Leigh Mai.
Tại buổi hội ngộ, bà Đẹp nói rằng bà vẫn luôn luôn nhớ Mai là một bé gái 3 tuổi. "Nhìn con nay đã là một phụ nữ có gia đình không làm tôi xúc động bằng nhìn lại hình ảnh của con khi còn bé," bà tâm sự. Bà giải thích, "Tôi thương yêu con gái rất nhiều và bây giờ yên tâm là con đã trưởng thành, có gia đình, có thể tự lo lấy thân, khác với những khi nhìn hình ảnh và không biết con mình có còn sống hay không, và có sống hạnh phúc hay không."
Bà Leigh Mai có nghĩ đến việc đưa mẹ qua Mỹ, nhưng bà Đẹp nói rằng bà muốn sống cuộc đời tầm thường của bà ở Thủ Đức. Mỗi ngày bà vẫn đi xe đạp đến làm vệ sinh tại một ngôi trường. Bà Leigh Mai hy vọng hai mẹ con sẽ giữ liên lạc bằng kỹ thuật tân tiến. Bà Mai vừa nói vừa cười, "Tôi hy vọng mẹ sẽ biết dùng máy iPhone."
Nguồn: viendongdaily.com
© 2024 | Thời báo ĐỨC