Mối tình hạnh phúc của vợ Việt chồng Tây sau 9 năm kết hôn và 14 năm bên nhau

Chắc hẳn bất kỳ cô dâu Việt nào khi lấy chồng Tây đều mong ước có một cuộc hôn nhân bền vững và cái kết có hậu như chị Phương Hảo và anh Andrea.

Chị Phương Hảo là cô gái Hà Thành, đang sống cùng chồng là anh Andrea người Italy và 3 nhóc tì đáng yêu tại nước cộng hòa Uzbekistan thuộc Trung Á theo dự án của tổ chức Bác sỹ không biên giới, nơi anh đang làm việc. Quen nhau qua bạn chung và yêu nhau sau cuộc gặp định mệnh, chị Phương Hảo và anh Andrea đã có một cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc bên 3 nhóc tì xinh xắn. Họ chuẩn bị kỷ niệm 9 năm kết hôn và 14 năm bên nhau vào ngày 17/5 tới đây.

Từ việc thầy không ưa trò…

Giữa năm 2002, để chuẩn bị cho chuyến du học ở Italia, chị Hảo theo học lớp tiếng Ý buổi tối do Hiệp hội ngôn ngữ và văn hoá Italia tại Hà Nội tổ chức. Lúc này, anh Andrea cũng dạy tại đây nhưng ở một lớp khác. Đến đầu năm 2003, chị được giới thiệu vào lớp do anh chủ nhiệm ở trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội để học dự thính cùng các em sinh viên năm thứ nhất khoa tiếng Ý. Từ đây, chị chính thức trở thành học trò của anh.

Chị nhớ lại: “Khi ấy anh có ấn tượng xấu với mình vì nghĩ rằng mình hối lộ người có địa vị để được vào lớp mà chẳng phải thi thố gì. Thế nên trong thời gian đầu anh không thèm để ý đến mình hoặc kiểm tra bài vở của mình. Dần dần thấy mình cố gắng học hành nghiêm túc và trông mặt mình chắc cũng không … đáng ghét lắm nên anh mới bắt đầu đối xử với mình như với các bạn sinh viên khác.

Chị Hảo chia sẻ ấn tượng ban đầu về người chồng của mình: “Lúc ấy anh là một thầy giáo trẻ khá điển trai, dáng vẻ luôn nghiêm nghị với cặp kính cận gọng đen nom như giáo sư. Anh luôn tâm huyết với các bài giảng của mình. Các em sinh viên nữ trong lớp và cả nhiều học viên ở lớp tiếng Ý buổi tối đều ngưỡng mộ thầy giáo. Khi ấy mình đã có bạn trai rồi nên quan hệ giữa mình và anh đơn thuần chỉ là thầy giáo – sinh viên trên giảng đường. Mình theo học ở trường ngoại ngữ được khoảng 6 tháng thì anh về nước, vài tháng sau mình cũng qua Ý du học và cũng chẳng liên hệ với anh. Ấy vậy mà gần 5 năm sau, anh lại trở thành chồng mình”.

132 1 Moi Tinh Hanh Phuc Cua Vo Viet Chong Tay Sau 9 Nam Ket Hon Va 14 Nam Ben Nhau

Thầy trò 2003 - Đại học Ngoại ngữ. (Ảnh NVCC)

… đến yêu nhau sau lần gặp lại định mệnh ở Ý

Sau khi qua Ý, trong một lần đi chơi xa, chị cùng bạn trai ghé qua thành phố nơi anh đang ở và tiện thể đến thăm anh. Lúc này anh vẫn đang sống cùng bạn gái lâu năm. Lần gặp lại này đã nối lại liên hệ giữa hai anh chị và dần dần họ bắt đầu thấy thích nhau mặc dù cả hai vẫn còn đang rối ren trong mối quan hệ với người yêu của mình. “Đó là một câu chuyện phức tạp. Khi ấy mình quen bạn trai cũ đã nhiều năm, nhưng càng ngày mình càng cảm thấy khó hòa hợp để tiến tới hôn nhân. Còn mối quan hệ của anh và bạn gái cũng đang gặp vấn đề, nhưng cả mình và anh đều rất khó xử khi phải quyết định chia tay người yêu vì họ đều là những người rất chân thành và rất tốt. Họ chẳng có lỗi gì cả”, chị nhớ lại.

132 2 Moi Tinh Hanh Phuc Cua Vo Viet Chong Tay Sau 9 Nam Ket Hon Va 14 Nam Ben Nhau
Chị Hảo bên anh Andrea trong chuyến thăm định mệnh làm thay đổi cuộc đời của chị. (Ảnh NVCC)

Sau này khi cả hai đều dứt khoát chia tay người cũ, anh và chị bắt đầu hẹn hò. Nói là hẹn hò chứ thi thoảng lắm họ mới gặp nhau vì chị đang bận học ở Turin, cách thành phố Bologna nơi anh ở đến hơn 400km. Chị theo cuộc sống sinh viên trong ký túc xá, còn anh làm quản lý dự án giáo dục cho Hiệp hội Giải trí và Văn hóa Italy.

Mất 2 năm để bố đẻ chấp nhận việc quen bạn trai Tây

Chị Hảo tâm sự: “Ban đầu bố mình không vui khi biết mình quen bạn trai Tây. Bố luôn nói thương mình sẽ gặp phải nhiều vấn đề về khác biệt văn hóa và ngôn ngữ, rằng ông không chịu nổi khi nghĩ đến hình ảnh mình buồn phiền đứng bên cửa sổ ngóng ra ngoài vì nhớ nhà nơi xa xứ. Phải mất 2 năm ông mới chấp nhận việc mình quen anh. Nhưng bây giờ thì bố yêu anh như con đẻ mặc dù ông chỉ giao tiếp được với anh thông qua mình. Còn anh thì luôn kính trọng và thần tượng bố. Mỗi khi làm việc gì quan trọng anh đều nói mình hỏi ý kiến của bố vì bố là người rất sâu sắc và được nhiều người nể trọng”.

Khi yêu nhau được 2 năm, chị mời mẹ qua Ý chơi và tiện thể sắp xếp để mẹ gặp và làm quen với bố mẹ anh. “Mọi việc đều diễn ra tốt đẹp, không biết mẹ đã thuyết phục thế nào khi về Việt Nam mà sau đó, bố mình đã không phản đối mối quan hệ của mình nữa”.

132 3 Moi Tinh Hanh Phuc Cua Vo Viet Chong Tay Sau 9 Nam Ket Hon Va 14 Nam Ben Nhau
Lễ cưới tại Việt Nam vào năm 2008. (Ảnh NVCC)

Lễ cưới sau lễ tang bố chồng đúng 1 ngày

Chuyện tình yêu của chị và anh có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng kỷ niệm đặc biệt nhất đối với cả hai vợ chồng là sự kiện đám cưới của họ. Chuyện là bố của anh bị bệnh đã lâu nên anh chị muốn tổ chức lễ cưới để ông có thể tham gia. Đau lòng thay, chỉ 3 ngày trước khi lễ cưới được cử hành, ông đột ngột qua đời. Điều này không ai lường trước được, kể cả bác sỹ.

Sự việc này xảy ra quá nhanh khiến anh chị rối bời: phần vì chị rất đau đớn do bản thân thương bố anh như bố đẻ, ông tốt và yêu quý chị vô cùng; phần vì mọi thứ cho lễ cưới đều đã được sắp đặt: thiệp mời đã được phát, nhà hàng đã đặt, kể cả một số bạn của chị từ mấy nước lân cận như Pháp, Đức đều đã mua vé máy bay sang dự lễ cưới. Cuối cùng, anh chị vẫn quyết định làm đám cưới bởi họ biết bố anh luôn mong mỏi sự kiện này. Tuy nhiên anh chị phải hủy lời mời tới đại đa số khách và chỉ giữ lời mời với những người bạn thân thiết, đồng thời cũng hủy nhà hàng và thực đơn đã đặt trước.

Lễ tang của bố anh diễn ra vào sáng ngày thứ 6. Ngay sau tang lễ, chị ra sân bay để đón những người bạn hữu sang đại diện cho nhà gái. Sáng ngày thứ 7, lễ cưới ấm áp và xúc động của anh chị diễn ra tại một nhà thờ nhỏ trên đỉnh ngọn đồi ở ngoại thành Bologna, nơi chôn rau cắt rốn của bố anh.

132 4 Moi Tinh Hanh Phuc Cua Vo Viet Chong Tay Sau 9 Nam Ket Hon Va 14 Nam Ben Nhau
Tiệc cưới nhỏ nhưng ấm áp ở Bologna Italy 2008. (Ảnh NVCC)
132 5 Moi Tinh Hanh Phuc Cua Vo Viet Chong Tay Sau 9 Nam Ket Hon Va 14 Nam Ben Nhau
(Ảnh NVCC)
132 6 Moi Tinh Hanh Phuc Cua Vo Viet Chong Tay Sau 9 Nam Ket Hon Va 14 Nam Ben Nhau
Hôn lễ tại thánh đường - Bologna Italy 2008 - Mọi người đều khóc. (Ảnh NVCC)

“Đức cha làm lễ cho đám cưới của mình cũng là người đã chủ trì tang lễ cho bố chồng của mình vào ngày hôm trước, các khách mời cũng vậy. Vì vậy, trong những giây phút trang nghiêm của lễ thành hôn trong thánh đường, mọi người đều xúc động và khóc rất nhiều. Nhưng buổi tiệc diễn ra sau lễ thành hôn lại là sự bùng nổ của những tiếng cười, tiếng hát và những giọt nước mắt hạnh phúc vì tất cả đều cảm thấy như được giải thoát tâm lý sau ba ngày vô cùng căng thẳng.

Mọi thứ liên quan đến tiệc cưới đều do những người bạn thân thiết của mình chung tay tổ chức: từ hoa cưới, hoa trang trí thánh đường đến đồ ăn, người mang bánh cưới, người mang rượu, người chụp hình…. Chiếc xe đón dâu Citroen cổ màu mận cũng là của một người bạn, một người bạn khác thì cho mượn khu vườn nhà để tổ chức bữa tiệc. Khu vườn này ở cùng quả đồi với nhà thờ tụi mình làm lễ, từ đây nhìn xuống thung lũng xanh mướt phía dưới rất đẹp. Bạn bè vẫn kéo tới mừng đám cưới của tụi mình đến hơn 50 người. Còn những người hàng xóm thì để hoa trước cửa nhà. Mình còn tìm thấy một phong bì với thiệp mừng và 50 Euro tiền mừng của một gia đình hàng xóm trong hộp thư, họ muốn tặng tụi mình một “bữa sáng lãng mạn” ở Florence”, chị Hảo xúc động nhớ lại.

Điều đặc biệt nữa là vị cha sứ đã đồng ý để chị đặt một bàn thờ tổ tiên nhỏ trong thánh đường của ông vì mình theo Phật giáo, chị và anh được phép khấn tổ tiên với hương trầm. Đây là một trong những điều không bình thường và chưa ai trong số bạn bè đến dự được chứng kiến một cảnh tượng như vậy. Cha sứ cũng là một người đặc biệt: mặc dù theo đạo thiên chúa nhưng ông rất am hiểu đạo Phật và các đạo khác. Ông đã từng sống nhiều năm trong rừng với các nhà sư Campuchia vào thời polpot, từng sang Việt Nam nhiều lần và thường quyên góp để ủng hộ trẻ em mồ côi ở Việt Nam. Chồng mình gặp và quen ông ở Việt Nam chứ không phải ở Ý. Ông cũng là nhà tâm lý, giảng dạy ở trường Đại học Bologna và viết nhiều sách về tâm lý học.

Sự khác biệt về văn hóa trong là gia vị của cuộc sống hôn nhân

Cuộc sống vợ chồng không thể tránh việc đôi khi có xung đột, đặc biệt là khi hai người đến từ hai nền văn hóa khác nhau, ngôn ngữ khác nhau. Nhưng chị Hảo luôn coi đó là sự phong phú của cuộc sống, theo chị nên nhìn nhận những khác biệt này ở khía cạnh tích cực để tìm thấy trong đó những điểm thú vị.

Một năm sau khi cưới, anh chị rời nước Ý theo các dự án của tổ chức Bác sỹ không biên giới. Con gái đầu lòng của anh chị sinh ra tại Thái Lan, con trai thứ hai sinh tại Kenya và con trai út mới được 4 tháng tuổi sinh tại Uzbekistan. Nhờ đã được “tôi luyện’’ do đã có những khác biệt về văn hóa trong gia đình nên anh chị và các bé luôn sẵn sàng đón nhận những nền văn hóa mới khi chuyển tới một nơi ở mới. Hai bé lớn đều có thể nói tiếng Việt, tiếng Ý thành thạo bên cạnh 3 ngôn ngữ khác là Anh, Pháp và Nga. Gia đình “du mục” này cứ vài năm lại di chuyển sang một nước mới theo các dự án cứu trợ của tổ chức.

132 7 Moi Tinh Hanh Phuc Cua Vo Viet Chong Tay Sau 9 Nam Ket Hon Va 14 Nam Ben Nhau
Baba 7 tuổi - Bubu 5 tuổi- Bibo 4 tháng. (Ảnh NVCC)
132 8 Moi Tinh Hanh Phuc Cua Vo Viet Chong Tay Sau 9 Nam Ket Hon Va 14 Nam Ben Nhau
Con gái Baba lúc 4 tuổi (2013) giữa một lớp học của người Masai ở Samburu Kenya. Con nói 5 ngôn ngữ Ý, Việt, Pháp, Anh, Nga. (Ảnh NVCC)

Lựa chọn cuộc sống nay đây mai đó theo các dự án của chồng đồng nghĩa với việc chị phải từ bỏ công việc thiết kế ở Ý, lui về đứng sau gia đình và làm dịch thuật. Chị cũng thường vẽ hoặc trồng hoa, trang trí nhà cửa khi có thời gian rảnh. Anh luôn nói với chị rằng hãy quan niệm chị và anh giống như hai cổ đông của một công ty: anh đi làm góp tiền còn chị góp sức và gìn giữ gia đình, không có chị thì công ty không thể đứng vững và gia đình không thể yên ấm nên chị phải luôn tự hào với bổn phận “giám đốc gia đình”.

Chị cũng tâm đắc với phương châm “lạt mềm buộc chặt” và luôn ghi nhớ áp dụng liệu pháp “cương – nhu” của văn hóa Á Đông trong cuộc sống. Theo chị, khi một trong hai người căng thì người kia phải mềm mỏng chứ không nên hiếu thắng cố tranh giành thắng thua. Điều này không mang lại lợi ích gì mà chỉ làm quan hệ vợ chồng thêm căng thẳng.

Trong việc giáo dục con cái, chị và anh luôn thống nhất cách dạy con để tránh trường hợp bố nói một đằng mẹ một nẻo. Nếu có xung khắc gì trong cách dạy con thì họ sẽ nói chuyện lại với nhau để tìm cách giải quyết khi không có mặt con.

132 9 Moi Tinh Hanh Phuc Cua Vo Viet Chong Tay Sau 9 Nam Ket Hon Va 14 Nam Ben Nhau
Gia đình 5 thành viên ở Uzbekistan 2017. (Ảnh NVCC)
132 10 Moi Tinh Hanh Phuc Cua Vo Viet Chong Tay Sau 9 Nam Ket Hon Va 14 Nam Ben Nhau
Gia đình chị Hảo ở Khiva Uzbekistan. (Ảnh NVCC)

Vợ chồng chị luôn cố gắng thu xếp để có những khoảnh khắc riêng mặc dù thời gian dành cho 3 đứa con và công việc đã choán hầu như gần hết. Chị Hảo cho rằng phụ nữ không nên bỏ bê việc chăm sóc bản thân, đừng nghĩ rằng đã là vợ chồng rồi thì nên xuề xòa muốn ăn mặc lôi thôi đầu bù tóc rối thế nào cũng được. Hãy luôn làm mới mình, hãy yêu bản thân để được cảm thấy mình đẹp trước. Người phụ nữ khi cảm thấy mình đẹp và được yêu sẽ luôn có gương mặt tươi sáng, mãn nguyện và luôn nở nụ cười với chồng và các con. “Nụ cười luôn mang lại hạnh phúc, điều này không bao giờ sai”, chị nói.

 

Nguồn: Đời sống và pháp lý

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày