Mẹ Việt ở Úc sinh con nhàn như đi nghỉ

Nếu như ở Việt Nam, khi vợ đi đẻ, chồng hay người thân phải ngủ lại qua đêm ở bệnh viện để chăm sóc người thân thì ở bệnh viện Úc lại hoàn toàn ngược lại.

Chị Hoàng Tú Anh, năm nay 31 tuổi, là thạc sĩ phát triển cộng đồng và chuyên gia bào chế mỹ phẩm hữu cơ, hiện tại đang sống cùng với chồng và 2 đứa con tại thành phố Perth, Australia. Chị mang bầu lần đầu tiên khi 29 tuổi và lần thứ hai là khi 31 tuổi.

132 1 Me Viet O Uc Sinh Con Nhan Nhu Di Nghi

Chị Tú Anh bên cạnh chồng và cô con gái đầu lòng.

Từng hai lần vượt cạn, tuy nhiên mỗi lần chị lại mang những cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Bởi chị sinh bé gái đầu ở Việt Nam còn mang thai và sinh bé gái thứ hai thì lại ở xứ sở của chuột túi. Người mẹ ấy may mắn trong hai lần vượt cạn đều được trải nghiệm những dịch vụ sinh sản tuyệt vời tại Việt Nam và Úc. Mặc dù cả hai lần trải nghiệm đều có sự khác nhau. Lần vượt cạn thứ hai, chị đăng ký sinh tại bệnh viện hàng đầu nước Úc nhưng lại gần như miễn phí hoàn toàn và thậm chí sau sinh còn được nhận hỗ trợ từ chính phủ.

Chồng thoải mái vào phòng sinh cùng vợ

Mẹ 8X cho biết, cũng giống như tâm lý trước khi nhảy ổ của nhiều thai phụ khác, trước ngày chuyển dạ sinh con chị rất giàu năng lượng, bản thân có thể làm hết việc này tới lau chùi việc khác. Để giúp vợ lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ và thoải mái tâm lý trước khi sinh, ông xã chủ động đưa vợ đi bộ thư giãn, vãn cảnh và thả lỏng cơ thể. Dù đã chuẩn bị rất kỹ tâm lý để đón em bé, song chị vẫn không tránh khỏi những lo âu trong tâm trí, không ít khi có những giây phút yếu lòng tự hỏi: “Liệu mình có chết trên bàn mổ? Liệu có chuyện gì xấu xảy ra với mình không?”. Nói rồi chị nhanh chóng gạt đi những dòng suy nghĩ tiêu cực, chuẩn bị cho đợt vượt cạn lần thứ hai.

132 2 Me Viet O Uc Sinh Con Nhan Nhu Di Nghi

Anh xã của chị Tú Anh là người đàn ông rất tâm lý, luôn chăm sóc các con để vợ có thời gian nghỉ ngơi.

Bà mẹ trẻ cho biết, một trong những kỷ niệm khiến bản thân nhớ nhất khi đi đẻ, đó là khi cơn chuyển dạ đã lên đến cực điểm, 11h trưa chị được vào phòng cấp cứu để chuẩn bị sinh, sau những thủ tục thử nhóm máu, làm vệ sinh, thay đồ y tá đưa chị vào phòng chờ tiện nghi, sạch sẽ. Để đối phó với sự chờ đợi và cơn đau đẻ, chị được chồng đưa cho một tập bút chì và giấy ngồi vẽ và thư giãn trước khi vào phòng sinh.

 Khi chị Tú Anh vượt cạn, chồng có thể thoải mái vào phòng sinh cùng vợ để cổ vũ tinh thần cho bà bầu cũng như cùng vợ chứng kiến giây phút chào đời của con yêu.

132 3 Me Viet O Uc Sinh Con Nhan Nhu Di Nghi

Khi chị Tú Anh vượt cạn, chồng có thể thoải mái vào phòng sinh cùng vợ chứng kiến giây phút chào đời của con yêu.

Giây phút nằm trên bàn mổ, có lẽ là thời khắc người mẹ cảm nhận được tất cả mọi thứ xảy ra trên cơ thể mặc dù đã được tiêm gây mê tủy sống, nghe bác sĩ động viên chị gật gù như đứa trẻ lên 3. Sau khi thuốc ngấm chị cảm nhận được phía dưới phần thân gần như hóa đá. Ekip mổ ngày hôm đó tầm 20 người, bác sĩ mổ đi tới và nở nụ cười điềm đạm, chính sự thân thiện này đã giúp chị xóa tan mọi khoảng cách.

Lúc này ông xã vẫn nắm chặt tay vợ phía bên phải. Phía bên trái có 1 bác sĩ và 2 y tá túc trực phía trên để trấn an tinh thần và thông báo từng bước. Nhắc lại từng chi tiết trong ca mổ bắt em bé đó, mẹ 8X mô tả: “Mình bắt đầu nghe tiếng dao kéo xuyên vào bụng. Cảm giác như sóng vỗ bờ, như mấy lớp mỡ va đập vào nhau, bùng nhùng. Mình nhớ rõ lực đẩy của những đôi bàn tay thúc vào xương sườn, không đau nhưng cảm nhận rõ lực. Mỗi lần thúc mình lại bíu lấy tay chồng, anh ấy vẫn nắm chặt tay, xoa vào trán để an ủi vợ”.

Sản phụ đẻ xong người nhà không được ở lại buổi tối

Những ngày sau sinh chị Tú Anh được các y tá thay phiên nhau túc trực để chăm sóc. Mỗi lần giao ca, họ giới thiệu tên và tiếp nhận ca trực. Đặc biệt, người nhà không được ở lại buổi tối. Đối với chế độ chăm sóc khi sinh ở bệnh viện, giờ giấc nghỉ ngơi của sản phụ và em bé là rất quan trọng. Nên bệnh viện quy định khá nghiêm ngặt giờ thăm mẹ và bé kể cả khách lẫn người nhà. Người nhà chỉ được phép đến thăm và ở lại đến 8h tối, còn bạn bè khách khứa trước 3h chiều.

132 4 Me Viet O Uc Sinh Con Nhan Nhu Di Nghi

Về chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ, mỗi ngày đều được phục vụ những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và ngon miệng.

132 5 Me Viet O Uc Sinh Con Nhan Nhu Di Nghi

Mỗi bữa chị được cấp 1 menu khác nhau để chọn món.

Tại mỗi đầu giường đều có nút chuông hỗ trợ, bất cứ khi nào mình gặp rắc rối hay vấn đề gì, chỉ cần nhấn chuông gọi là họ sẽ có mặt 24/7. Họ thường ghi lại chi tiết giờ bú của bé và cân đo sự thay đổi trọng lượng của bé trong thời gian ở bệnh viện. Việc thay tã, tắm bé trong thời gian này đều do y tá đảm nhiệm. “Y tá và bác sĩ nói chuyện vui vẻ, chăm sóc chu đáo. Lúc nào cũng ân cần giúp đỡ, nói chuyện nhỏ nhẹ chứ không hề cảm thấy khó chịu hay bị làm phiền” – Mẹ Việt đẻ ở nước Úc cho hay.

Không phải kiêng cữ quá nhiều như các bà đẻ ở Việt Nam, mẹ 8X cho biết, sau khi sinh, chị được y tá giục đi tắm ngày hôm sau khi đứng dậy được để cơ thể được sạch sẽ sau cuộc vượt cạn vất vả. Nhờ vận động sớm nên cơ thể bà đẻ sau sinh trở nên linh hoạt hơn, sang ngày thứ 2 chị đã bắt đầu đi lại nhẹ nhàng.

132 6 Me Viet O Uc Sinh Con Nhan Nhu Di Nghi

Đồ ăn phong phú, giàu năng lượng cũng vì thế mà thể trạng của chị hồi phục khá nhanh.

Về chế độ dinh dưỡng cho bà mẹ, mỗi ngày đều được phục vụ những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và ngon miệng. Mỗi bữa chị được cấp 1 menu khác nhau để chọn món, đồ ăn phong phú, giàu năng lượng cũng vì thế mà thể trạng của chị hồi phục khá nhanh. Chính vì ở viện được chăm sóc chu đáo quá nên dù có lịch xuất viện chị vẫn cố xin ở lại thêm một ngày. 8X hài hước kể: “Đến ngày cuối mình nhất định không chịu về, đòi ở thêm ngày nữa, bảo ở đây sướng quá em chưa muốn về. Cô y tá cứ cười, bảo thôi được rồi, tôi sẽ báo bệnh viện em còn chưa đi ngoài được, em cứ thong dong nghỉ ngơi đi”.

Em bé được chính phủ hỗ trợ tài chính, chồng được nghỉ 2 tuần ở nhà để chăm vợ con

Trước khi về nhà, các chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau sẽ đến thăm khám và tư vấn cho sản phụ các việc cần làm để chăm sóc sau sinh, trong đó có chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, chuyên gia về hồi phục sức khoẻ vật lý và tâm lý, chuyên gia về chăm sóc trẻ em và hỗ trợ các phương pháp phòng ngừa thai sau sinh.

 

132 7 Me Viet O Uc Sinh Con Nhan Nhu Di Nghi

Ngày chị sinh bé gái thứ hai, chồng chị được nghỉ 2 tuần để ở nhà chăm sóc vợ con

Sau khi về nhà, định kỳ chính phủ sẽ hỗ trợ y tá tới nhà để thăm đo các chỉ số phát triển của bé và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ sau sinh. Mẹ bỉm sữa thường được đưa các bảng câu hỏi và hỗ trợ để phòng ngừa các biểu hiện trầm cảm và sang chấn sau sinh. Ngoài ra, chính phủ sẽ hỗ trợ một phần tài chính cho các bé và cho bố em bé trong khoảng thời gian nghỉ 2 tuần làm việc để chăm mẹ và bé sau sinh.

132 8 Me Viet O Uc Sinh Con Nhan Nhu Di Nghi

Hình ảnh tổ ấm hạnh phúc đủ 4 thành viên của gia đình chị Hoàng Tú anh tại nước Úc

Chính phủ Úc có chính sách rất ưu đãi cho các sản phụ và em bé sau sinh. Việc thăm khám và sinh nở một khi đã có bảo hiểm y tế thì hầu hết đều miễn phí. Tuy nhiên, trong trường hợp những người nước ngoài sinh nở ở Úc nhưng theo các diện visa chưa có bảo hiểm chính phủ thì chi phí sinh sản rất đắt đỏ, có thể từ 20 - 30 nghìn đô cho một ca sinh nở. Một lần siêu âm trung bình trên $200 và những lần thăm khám bác sĩ cũng vô cùng tốn kém. “Các dịch vụ hỗ trợ trong quá trình sinh thì khó có gì để chê. Vì họ đặt tâm lý và sức khoẻ của mẹ và bé lên hàng đầu nên mọi thứ diễn ra rất nhẹ nhàng” – mẹ Hoàng Tú Anh cho biết.

Nguồn: Vtimes

 

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày