Cứ hễ tới đầu năm học là tôi lại đọc thấy nhan nhản những than phiền về chuyện lạm thu đầu năm học. Ngoài các khoản đóng góp đầu năm bắt buộc như học phí, bảo hiểm y tế và tiền xây dựng trường, phụ huynh thường nhận được yêu cầu đóng góp các khoản “tự nguyện” khác. Gọi là tự nguyện, nhưng theo nhiều lời phụ huynh, thực chất lại là không đóng không xong.
Mới đây, trên một trang facebook xuất hiện bản danh sách các khoản đóng góp đầu năm học 2017-2018 của một trường tại tỉnh Hòa Bình, chi phí lên tới 2.675.000 đồng, trong đó các khoản bắt buộc bao gồm học phí, bảo hiểm chỉ chiếm chưa tới một 1/3.
Mặc dù mới đây Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các địa phương và cơ sở giáo dục trên cả nước cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Bộ yêu cầu các đơn vị giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục khác cần cam kết và nghiêm túc thực hiện việc không thu các khoản ngoài học phí, trái với quy định.
Tuy nhiên, dường như yêu cầu này chưa được thực hiện một cách hiệu quả.
Các khoản thu đầu năm tại một trường tại tỉnh Hòa Bình.
Các cháu được miễn phí toàn bộ học phí, sách giáo khoa cũng do nhà trường phát, không cần phải mua. Để chuẩn bị cho năm học mới, cô giáo phát một danh sách những thứ cần mua như bao nhiêu cây bút chì, bao nhiêu cục tẩy, hồ dán, bao nhiêu cuốn vở, cô đều liệt kê chi tiết. Ngoài ra, để tiết kiệm, cô giáo còn ghi chú, những gì đã mua từ năm ngoái còn dùng được thì không cần phải mua mới.
Về các khoản đóng góp, hội phụ huynh thường gửi thư qua sổ liên lạc cho bố mẹ vào đầu năm học, đề nghị bố mẹ đóng góp “tùy tâm”, để vào phong bì dán kín sau đó cô giáo sẽ chuyển lại cho hội. Như vậy, cô giáo không hề liên quan gì tới những khoản tiền bạc này, cũng không biết mỗi trẻ đóng bao nhiêu, vì thế, những gia đình kém điều kiện hơn sẽ không phải ái ngại.
Hội phụ huynh bán thức ăn (do phụ huynh đóng góp) gây quỹ trong lễ bế giảng năm học (Ảnh: Nguyên-Kan).
Ngoài ra, để có chi phí phục vụ cho các hoạt động ngoại khoá của học sinh, hội phụ huynh rất tích cực trong việc xây dựng quĩ, bằng nhiều cách khác nhau như tìm tài trợ từ các doanh nghiệp, hoặc tổ chức những buổi bán bánh kẹo, sách cũ vào các dịp lễ như Noel, Tạ Ơn, Ngày của mẹ…
Vào những buổi này, phụ huynh thường tự làm bánh ở nhà, hoặc kêu gọi các bố mẹ đóng góp bánh trái, sách vở để bán cho phụ huynh, học sinh sau giờ học.
Không có giá cả cụ thể cho từng món, ai lấy món nào tự động bỏ tiền vào hộp sắt trên bàn là được. Tất cả đều mang tinh thần tự nguyện.
Đối với mỗi hoạt động ngoại khoá của các cháu, sau khi tính toán chi phí, nhà trường thường yêu cầu bố mẹ đóng thêm một khoản rất nhỏ, thường rơi vào khoảng từ 50 cents cho đến 2 euros (giá một chiếc bánh mì dài trong siêu thị là 50 cents, còn ở ngoài cửa hàng bánh mì là 1 euros, nói vậy để mọi người dễ hình dung).
Có lần, con gái tôi học lớp 4 đi cắm trại trong 2 ngày tại một nơi cách trường 40 km vào dịp bế giảng của năm học.
Trong buổi họp phụ huynh để chuẩn bị cho ngày cắm trại này, cô giáo thông báo rằng vì nhà trường không đủ tiền thuê xe chở các cháu đến tận nơi nên các cháu sẽ đi bằng xe bus sau đó đi bộ một chặng khoảng 45 phút.
Điều khiến tôi ngạc nhiên là cô giáo chỉ thông báo để bố mẹ được biết vậy thôi, chứ không hề hô hào bố mẹ đóng góp thêm tiền để thuê xe cho các con.
Ngoài các khoản đóng góp trên, nhà trường hàng năm đều có một khoản đóng bắt buộc, đó là mỗi học sinh phải nộp cho trường 2 hộp khăn giấy mỗi năm, đề các cháu lau tay hoặc xì mũi. Chưa bao giờ tôi thấy nhà trường đề nghị bố mẹ đóng tiền để trường mua thêm tivi, máy tính hay máy chiếu.
Tất cả những khoản đó, nêu cần thiết, nhà trường sẽ đề nghị với uỷ ban thành phố để được cấp chi phí. Thành phố cũng thường chịu một phần chi phí lớn cho các hoạt động ngoại khóa của các cháu trong năm học. Những khoản này, đều được lấy từ tiền thuế của người dân.
Chính vì thế, mỗi khoản chi tiêu đều được báo cáo rất minh bạch và công khai, phụ huynh học sinh luôn biết được tiền của mình được dùng bao nhiêu như thế nào cho các hoạt động ở trường học.
Tính trung bình, mỗi năm học, các khoản đóng thêm và phần ủng hộ quĩ hội phụ huynh theo dạng tự nguyện chiếm chưa đến 50 euros; với mức lương cơ bản ở Pháp rơi vào khoảng 1200 euros/tháng. Trong khi đó, khoản thu đầu năm của trường tiểu học tại Hoà Bình tương đương với một tháng lương cơ bản tại đây, đúng là một khoản không hề nhỏ.
Tác giả Nguyên-Kan hiện đang sinh sống cùng chồng và hai con là Nhím và Sâu tại thành phố La Rochelle, Pháp.
Chị là nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Ngôn ngữ tại Đại học Nantes.
Ngoài học tập và nghiên cứu, chị còn tham gia viết báo về giáo dục và cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Pháp. Chị cũng là tác giả cuốn sách “Mẹ đoảng dạy con”.
Nguồn: Theo Trí Thức Trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC