Mạng xã hội ‘dậy sóng’ vì ông bố gốc Việt bị miệt thị về tiếng Anh

Người dùng mạng xã hội nhiều nơi trên thế giới đồng loạt lên tiếng sau vụ công ty Mỹ xúc phạm người đàn ông gốc Việt không biết tiếng Anh.

Emily Huynh, cô học sinh cấp 3 người Mỹ gốc Việt, cảm thấy không thể im lặng và nhắm mắt cho qua bức thư điện tử mà bộ phận nhân sự của một công ty vận chuyển gửi cho cha cô, trong đó, miệt thị trình độ tiếng Anh của ông, Seattle Times đưa tin.

Mạng xã hội ‘dậy sóng’ vì ông bố gốc Việt bị miệt thị về tiếng Anh - 0

EmilyHuynh chia sẻ một bức ảnh cha cô kèm email của công ty vận chuyển Dash Delivery. Ảnh: Twitter

Trước đó vào ngày 23/1, Emily Huynh chia sẻ trên Twitter email mà cha cô nhận được từ công ty Dash Delivery LLC, có trụ sở ở Everette, bang Washington. Trong đó, nhân viên tuyển dụng có tên Bruce Peterson đáp lại đơn xin việc của ông Minh Huynh bằng vỏn vẹn một câu: “Để tôi nói cho ông biết, nếu ông không nói được tiếng Anh, tôi sẽ đuổi ông về nhà”.

Gần một ngày sau, công ty Dash Delivery ra thông cáo xin lỗi và tuyên bố sa thải nhân viên Peterson. “Phát ngôn của nhân viên Peterson không phù hợp và không đúng với giá trị của công ty chúng tôi”, chủ công ty nói.

Lúc đăng lên Twitter, cô gái 18 tuổi nghĩ chỉ có bạn bè và một vài người gốc Á quan tâm và đồng cảm. Nhưng bất ngờ, chia sẻ của Emily đã có sức ảnh hưởng vượt qua những lượt thích và chia sẻ trên mạng xã hội. Câu chuyện “châm lửa” cho “dòng thác” tâm sự của những đứa con thuộc thế hệ nhập cư thứ hai trên khắp thế giới.

“Cha mẹ gốc Á của chúng tôi bị người ta chà đạp suốt”, một người bức xúc bình luận.

“Người nhập cư hàng ngày phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nhưng luôn lảng tránh đưa vấn đề này ra ánh sáng”, Emily Huynh nói lý do tại sao cô đăng câu chuyện lên mạng xã hội. Emily kể thêm sau khi giải thích cho cha rằng nhân viên nhân sự “cố gắng cười nhạo và chế giễu” ông, người đàn ông 52 tuổi cảm thấy xấu hổ chứ không tức giận.

Theo Emily, bình thường cô hay giúp kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp trong các bức thư xin việc của cha mình. Sau mỗi lần như thế, ông rất chịu khó ghi chép lại từ vựng, mẫu câu và câu trúc ngữ pháp mới để mang ra học mỗi ngày một chút. Tuy nhiên, lần này, do bận ôn thi và nộp đơn xin học bổng vào các trường đại học, Emily đã không có thời gian giúp cha như mọi khi.

Mạng xã hội ‘dậy sóng’ vì ông bố gốc Việt bị miệt thị về tiếng Anh - 1

Ông Minh Huynh tự học tiếng Anh hàng ngày ở nhà trong khi tìm việc. Ảnh: Twitter.

“Câu chuyện này khiến trái tim tôi tan vỡ bởi vì tôi thấy chính cha mình trong đó. Nó khiến tôi nhớ cha tôi đã phải vật lộn như thế nào để cố gắng giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ phức tạp với người da trắng, những người chỉ biết chế nhạo ông ấy”, một tài khoản trên Twitter chia sẻ.

Một người khác kể rằng theo yêu cầu công việc, “cha tôi phải làm bài kiểm tra viết hàng quý và ông luôn sợ hãi thi trượt chỉ vì không hiểu nghĩa của một từ nào đó dù ông là người làm việc chăm chỉ nhất ở đó”.

Chỉ sau hai ngày câu chuyện đã thu hút hàng chục nghìn người chia sẻ lại trên mạng xã hội. “Tôi biết rằng mình không cô độc và thực tế là nhiều người đã liên hệ với tôi để bày tỏ sự ủng hộ”, Emily nói. “Tôi cảm thấy choáng ngợp”.

Emily cho biết gia đình cô chấp nhận lời xin lỗi của công ty trên nhưng nhiều người dùng mạng cho rằng Dash Deliver LLC có thể phải đối mặt với các rắc rối về pháp lý. Elizabeth Hanley, một luật sư ở Seattle chuyên xử lý các vụ kiện tụng liên quan đến phân biệt đối xử trong công việc, bình luận luật pháp liên bang lẫn luật pháp của từng bang ở Mỹ không ngăn cấm các công ty đưa ra yêu cầu về trình độ tiếng Anh của các ứng viên miễn là yêu cầu đó phải thực sự liên quan đến tính chất của công việc.

“Theo kinh nghiệm của tôi, người lao động rơi vào tình trạng bị phân biệt đối xử như thế này, thường xuất thân từ nhiều quốc tịch khác nhau, cực kỳ ngại đưa vấn đề ra tòa”, luật sư Hanley nói. “Họ là những công nhân được trả lương thấp và họ không ý thức được cách đối xử của người chủ lao động là trái luật”.

“Tại Anh, bạn có thể đưa họ ra tòa vì phân biệt chủng tộc, nhất là khi điều đó được viết ra trên giấy trắng mực đen. Bạn có thể nhận được một khoản bồi thường kha khá, hãy tìm một cố vấn hoặc luật sư hay một người bạn có thể đưa ra lời khuyên và kiện gã đó”, người khác khuyên.

Tuy nhiên, ông Minh Huynh không muốn kiện tụng và đối đầu với ai. Ông từ TP HCM đến Mỹ định cư năm 1995. Minh Huynh từng làm chủ một nhà hàng nhưng sau đó phá sản. Ông trở thành tài xế lái xe tải đêm suốt hơn 10 năm và thậm chí từng được khen thưởng là tài xế an toàn nhất của công ty. Kể từ khi mất việc cách đấy hai năm, ông nhận làm nhiều công việc bán thời gian, bên cạnh đó, vẫn miệt mài xin một công việc ổn định.

“Cha tôi là người chăm chỉ, giàu tình cảm và tự tôn”, Emily Huynh nói. “Tôi nghĩ hầu hết các bậc cha mẹ là người nhập cư đều như vậy”.

An Hồng


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày