Ông Tôn Quý trong một sự kiện hỗ trợ thanh niên gốc Việt tại Houston. Ảnh: NVCC.
"Trước khi đến Mỹ, tôi cứ ngỡ đó là thiên đường, thế nhưng sự thực lại không phải thế", ông Quý, một người Việt sống ở bang Louisiana, chia sẻ với VnExpress về câu chuyện của mình.
Cách đây hơn 30 năm, khi mới là cậu bé 15 tuổi, ông Quý được cha mẹ gửi sang Mỹ, với hy vọng ông sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn ở quê nhà Nha Trang. Sau một thời gian ở nhờ nhà họ hàng, ông Quý đã phải "bỏ đi bụi" vì cuộc sống khó khăn.
Thân cô thế cô ở một đất nước xa lạ, ông Quý sống qua ngày bằng việc làm thuê cho các nhà hàng và giúp việc cho một số gia đình. Trong những ngày tháng đó, ông chỉ biết rằng nước Mỹ không phải một miền đất hứa, không có chăn ấm đệm êm, không có nhiều đồ ăn, nhiều đồ chơi như mình từng mơ.
Mang trong lòng nỗi thất vọng, nhưng ông Quý luôn tự nhủ phải học hết chương trình phổ thông, tìm đến các trường công, nơi có thể tham gia mà không phải đóng tiền học phí.
"Dù phải đi kiếm ăn nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ học. Đến giờ tôi vẫn biết ơn mẹ vì bà đã rèn cho mình tính ham học từ bé. Tôi không tính toán xa xôi gì mà chỉ biết cắm đầu vào học thôi", ông Quý kể lại.
Đến năm 18 tuổi, chàng trai trẻ háo hức đăng ký chuyên ngành không gian vũ trụ ở Đại học Louisiana, nhưng vì trường không có khoa này nên đành phải chuyển sang học hóa. Ông Quý không thể ngờ rằng sự lựa chọn đó đã mở ra cho mình cơ hội trở thành một ông chủ lớn nhiều năm về sau.
Tốt nghiệp đại học năm 1995, nhưng ông Quý không xin được việc làm. Điều an ủi lớn nhất với ông khi đó là có người bạn đời bên cạnh, họ đã kết hôn khi ông còn theo đuổi nghiệp học hành. Vợ ông, Lê Phượng là một người đồng hương và là chủ một tiệm nail. Sẵn có chuyên môn ngành hóa, ông Quý quyết định đi theo còn đường "xuất giá tòng thê", mở một công ty chuyên cung ứng các vật liệu cho các tiệm làm móng mang tên Alfalfa Nail Supply.
Trong một lần vào siêu thị Walmart, ông Quý ngạc nhiên nhận thấy ở đây không có một tiệm làm móng nào. Ông lập tức xin gặp người quản lý để xin thử nghiệm, thuyết phục rằng khách hàng được hưởng lợi nhiều nếu Walmart tích hợp nhiều dịch vụ ở một điểm. Tuy nhiên họ không mấy quan tâm đến ý tưởng của một thanh niên. Ông Quý phải chật vật đi tìm một "người đóng thế", lớn tuổi hơn, để giành được sự tin tưởng của đối tác Mỹ nhưng cũng không thành công.
Không từ bỏ trong suốt hai năm, khi biết có một cửa hàng trong Walmart ngừng kinh doanh, ông Quý chớp lấy cơ hội, trở lại xin ký hợp đồng. Và trong năm 1997, ông chủ của Regal Nails đã mở tiệm làm móng đầu tiên trong Walmart. Đến nay, ông Quý sở hữu một hệ thống 900 tiệm nail và làm đẹp phủ khắp các siêu thị của Walmart ở Mỹ và Canada. Mỗi năm Công ty Regal Nails, Salon and Spa đem về doanh thu hơn 320 triệu mỗi năm. Với hình thức nhượng quyền, công ty có 100 nhân viên chính thức và khoảng 5.000 nhân công.
"Cạnh tranh trong ngành nail khá khốc liệt, nhưng tôi không bao giờ sợ điều đó. Vấn đề cơ bản là mình phải tạo nên sự khác biệt", ông Quý chia sẻ.
Ông Quý tin rằng hệ thống này thu hút được một lượng lớn khách hàng là nhờ dịch vụ chăm sóc chu đáo, đảm bảo các điều kiện vệ sinh và an toàn. Ngoài ra, công ty còn có nhiều các sản phẩm và kỹ thuật mới để hấp dẫn phái đẹp. Nổi bật nhất là máy pha màu sơn móng DreaMau do ông Quý sáng chế, giúp khách hàng chọn được nhiều màu theo ý thích của mình. Tất cả những nhân tố này đều nhờ nền tảng mà ông Quý tích lũy được trong ngành hoá học.
Vào thời đỉnh cao năm 2010, công ty có hơn 1.000 tiệm. Sau đó ông Quý thận trọng hơn trong việc lựa chọn các đối tác để giảm thiểu rủi ro trong việc mở các tiệm mới. Hiện có 900 tiệm.
Trước khi có được một thị phần lớn trong ngành nail, ông Quý từng phải "nếm mùi thất bại", khi định đầu tư vào phát triển chuỗi cafe. "Từ đó tôi quyết định không đi lòng vòng nữa, mà chuyên tâm vào ngành nail và làm đẹp", ông Quý nói. Quyết tâm của ông Quý còn được củng cố sau một khoá học tìm hiểu về đặc điểm của từng người tuỳ thuộc vào thứ tự trong gia đình. Là con thứ hai trong số có 4 anh em trai, ông Quý biết rằng mình có thiên hướng về marketing.
Ngành công nghiệp làm đẹp là "mỏ vàng"
Ông Quý nhận định ngành công nghiệp làm đẹp không bao giờ chết, vì thế ông có vô số ý tưởng mới để phát triển kinh doanh. Mục tiêu của ông thời gian tới là nâng số tiệm làm nail và làm đẹp lên đến con số 2.000.
Để chuẩn bị cho điều đó, ông Quý đang theo học một lớp về làm mi và lông mày ở Houston. Ông muốn hiểu rõ về kỹ thuật và sản phẩm rồi mới bắt tay vào đào tạo thợ và mở tiệm. Với ngành chính là nail, ông Quý đang hoàn thiện máy pha màu móng tay có mùi hương, tương tự như mùi nước hoa. Hiện máy đã hoàn thành được 75%, dự kiến có thể ra mắt vào giữa năm nay.
Ông cũng đang có cuộc sống hạnh phúc với người vợ chuyên tâm chăm sóc gia đình và hai cô con gái, một 18, một 19 tuổi. Mẹ ông Quý, gần 70 tuổi, vẫn ở Việt Nam, bà chỉ thỉnh thoảng sang Mỹ thăm con cháu. Còn bố ông đã mất cách đây vài năm.
Trong kế hoạch dài hơi, ông Quý đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo các thợ giỏi, nhất là những người từ Việt Nam sang.
"Ngành làm đẹp vẫn thiếu nhiều thợ, tôi muốn tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho người Việt. Cần phải làm nhanh trước khi luật pháp có những thay đổi", ông Quý nói.
Vợ chồng ông Quý và hai con trong lễ tốt nghiệp trung học của con gái lớn Sheila. Ảnh: NVCC. |
VnExpress
© 2024 | Thời báo ĐỨC