Chuyện học tiếng Việt của Việt kiều: Người Việt mà không biết viết với đọc tiếng Việt là người mất gốc

"Tiếng Việt rất khó, nhưng em thấy nó quan trọng vì em là người Việt nên cần phải học. Em đang cố gắng để có thể đọc được sách tiếng Việt"

Bức xúc vì "bị ép học" tiếng Việt, xấu hổ vì không biết tên ông bà ...là những cảm xúc thanh niên gốc Việt trải qua khi trưởng thành.

"Không ngày nào em không khóc, không hiểu vì sao mình lại cứ phải học tiếng Việt trong khi mình ở Czech", Nguyễn Thị Mai Quỳnh, 18 tuổi, đang sống ở thành phố Plzen, kể lại với VnExpress về những năm tháng tuổi thơ.

Quỳnh đang cùng 120 thanh thiếu niên Việt kiều từ gần 30 nước về Việt Nam dự Trại hè 2018. Czech là nước có đông đại diện nhất với 15 người. Khi được hỏi bạn nào nói tiếng Việt giỏi nhất, tất cả đều chỉ về phía Quỳnh.

132 1 Chuyen Hoc Tieng Viet Cua Viet Kieu Nguoi Viet Ma Khong Biet Viet Voi Doc Tieng Viet La Nguoi Mat Goc

​Quỳnh mặc trang phục Czech thắp hương tại Đền Hùng. Ảnh: Trọng Giáp.

Từ kỳ nghỉ hè sau khi học lớp hai, Quỳnh đã bị ba mẹ "bắt học tiếng Việt", với những quyển sách dạy đọc được gửi từ Việt Nam sang. Mỗi ngày, Quỳnh phải xuống cửa hàng bán thực phẩm của cha mẹ, để họ vừa trông hàng, vừa dạy cô tiếng Việt. Ba mẹ luôn kè kè thước kẻ bên cạnh và nhiều lần la mắng, Quỳnh phải tập viết nắn nót từng chữ.

Ba mẹ Quỳnh cũng yêu cầu ba chị em cô phải nói chuyện tiếng Việt mỗi khi về đến nhà, không được nói tiếng Czech. Khi thấy Quỳnh "bức xúc", họ giải thích: "Người Việt mà không biết viết với đọc tiếng Việt là người mất gốc. Giống như các bạn Tây không biết viết với biết đọc".

Ý thức được điều đó nhưng việc học hành đối với Quỳnh rất khó khăn, đặc biệt là đánh vần vì tiếng Việt có dấu, rất khác tiếng Czech. Dần dần, cô vượt qua được trở ngại, có thể đọc và viết tiếng Việt thành thạo. Cũng nhờ luyện tiếng mẹ đẻ mà Quỳnh được cô giáo khen viết chữ đẹp.

"Bây giờ thì em đã hiểu vì sao bố mẹ ép mình học tiếng Việt, em rất biết ơn bố mẹ vì điều đó", Quỳnh nói. Em gái Quỳnh năm nay 8 tuổi cũng đã bắt đầu bị bố "bắt" học tiếng Việt, với sự hỗ trợ của cô.

Cũng đến từ Czech nhưng khác thành phố, Phạm Thế Hữu, 17 tuổi, ở Kadan, lại có một trải nghiệm rất khác về học tiếng Việt. Vì không giỏi tiếng mẹ đẻ, nhiều lúc cậu cảm thấy buồn.

"Có lần nghe bạn bè người Czech nói chuyện về ông bà, em bất giác thấy xấu hổ vì không biết tên bà mình là gì", Hữu nói.

132 2 Chuyen Hoc Tieng Viet Cua Viet Kieu Nguoi Viet Ma Khong Biet Viet Voi Doc Tieng Viet La Nguoi Mat Goc

Hữu (hàng đầu, thứ hai từ trái) lắng nghe hướng dẫn viên khi thăm khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Trọng Giáp.

Sinh ra ở Czech, Hữu chỉ mới hai lần gặp bà ngoại, người đang sống ở Nam Định, lần gần đây nhất cách đây 4 năm. Do không nói được nhiều tiếng Việt, Hữu chưa có cơ hội gần gũi để trò chuyện nhiều với bà và điều đó khiến cậu cảm thấy buồn. "Các bạn em ở Czech có quan hệ thân thiết với ông bà, thường xuyên thăm hỏi họ vì ở gần, còn em thì không làm được điều đó vì bà ở tận Việt Nam", Hữu nói.

Chàng trai lý giải không học được nhiều tiếng Việt vì chỉ nói với bố mẹ và các anh chị trong gia đình, còn lại chủ yếu nói tiếng Czech khi đi học và giao lưu. Cậu cố gắng đọc truyện và xem TV bằng tiếng Việt, nói chuyện với người thân nhiều hơn để cải thiện vốn từ. Hữu mong muốn có một lớp dạy tiếng Việt ở Kadan vì ở đây cũng có nhiều thanh thiếu niên gốc Việt không giỏi ngôn ngữ này.

Bố mẹ Hữu là chủ một nhà hàng chuyên các món ăn Việt Nam ở Kadan, khu vực có khoảng 100 người Việt trên tổng dân số 18.000 người. Khi còn nhỏ, Hữu từng bị bạn trêu chọc là người "ăn thịt chó", cậu thấy buồn vì bị "phân biệt đối xử". Nhưng khi cậu lớn lên, mọi người xung quanh không chú ý nhiều đến sự khác biệt của Hữu về ngoại hình và gốc gác.

"Em hài lòng với bản thân, rằng mình là người gốc Việt và em không quan tâm nhiều đến việc bị trêu chọc nữa", Hữu nói. Cậu nhận thấy "chất Việt" rõ nhất trong con người mình là luôn hướng đến gia đình. Hữu và anh trai thường tranh thủ dọn dẹp và phụ bếp nhà hàng của gia đình khi rảnh rỗi.

Trong tháng này, khi về Việt Nam dự Trại hè 2018, Hữu đã chuẩn bị sẵn quà cho bà ngoại và các em họ ở Nam Định, dự định gặp họ sau khi kết thúc chương trình. Cậu tin rằng mình sẽ vượt qua được ngại ngùng để trò chuyện với bà và họ hàng nhiều hơn.

Có mái tóc dài ngang lưng, Aivi Trần Fortier mang nhiều nét của một thiếu nữ Việt. Cô có mẹ là người gốc Hà Nội, bố là người Canada. Ở tuổi 16, Aivi tỏ ra khá già dặn vì thích tìm hiểu các vấn đề lịch sử. Cô bé rất hào hứng vì chương trình Trại hè có nhiều điểm dừng cô quan tâm.

"Trong chương trình em đang học ở Mỹ, thầy cô có đề cập đến chiến tranh Việt Nam nhưng em muốn tìm hiểu thêm về cuộc chiến này dưới góc nhìn của người Việt", Aivi nói, cho hay từng đến thăm nghĩa trang Trường Sơn khi được mẹ đưa về Việt Nam chơi. Ông ngoại cô bé là cựu chiến binh, còn mẹ trải qua cuộc sống khó khăn thời chiến nên Aivi càng muốn tìm hiểu.

Do đặc thù công việc của bố Aivi, gia đình cô thường xuyên phải di chuyển, đến nay đã qua 35 nước. Sinh ra ở Áo, Aivi vẫn nhớ ngôn ngữ đầu tiên được học là tiếng Việt. Do bạn bè của cô ở New York không có ai là người Việt nên việc học tiếng Việt khá khó khăn. Bù lại, mỗi năm cô có khoảng hai tuần ở Việt Nam, gặp gỡ họ hàng và đi du lịch.

, Aivi nói.

Nguồn: vnexpress


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày