Đầu tháng 2/2017, đài truyền hình NHK cũng có chương trình về việc du học sinh người nước ngoài làm thêm tại Nhật, cũng nhắc rất nhiều đến du học sinh Việt Nam.
Số lượng người lao động nước ngoài tại Nhật vượt 1 triệu người
Theo thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản, tính đến tháng 10/2016, số lượng người lao động nước ngoài tại quốc gia này đã vượt con số 1,08 triệu người – lần đầu tiên trong lịch sử vượt 1 triệu người, trong đó một số rất lớn là “du học sinh” và “thực tập sinh”. Hai nhóm này chiếm hơn 40% tổng số người lao động nước ngoài tại Nhật.
Tỷ lệ du học sinh trong số người lao động nước ngoài đang tăng lên. (Nguồn: Thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản)
Từ lâu, về mặt nguyên tắc, Nhật Bản không cho phép người nước ngoài đến Nhật để làm “lao động giản đơn”. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tình trạng già hoá dân số dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng lao động trong các ngành sản xuất, chế tạo và dịch vụ, Chính phủ Nhật Bản đã cho phép các công ty sử dụng danh nghĩa “thực tập sinh” để thu nhận lao động người nước ngoài. Những thực tập sinh này được phép làm việc trong các công ty của Nhật, chủ yếu là trong các công xưởng, nhà máy để vừa học tập kỹ năng, vừa nhận được thù lao. Thực tập sinh chỉ được phép làm việc không quá 3 năm dưới hình thức này.
Các du học sinh theo học tại các trường học tại Nhật Bản (bao gồm cả các trường tiếng Nhật) cũng được phép làm các công việc bán thời gian trong khuôn khổ 28 tiếng 1 tuần, miễn là các công việc không thuộc ngành giải trí. Thống kê cho thấy cứ 5 người lao động nước ngoài tại Nhật thì có 1 người là du học sinh.
Năm 2015, Việt Nam đứng đầu về số vụ phạm pháp của người nước ngoài tại Nhật Bản, vượt qua cả Trung Quốc
Kể từ năm 2011, số lượng người lao động mang quốc tịch Việt Nam tại Nhật Bản tăng nhanh chóng. Theo thống kê hàng năm của Bộ Lao động Nhật Bản, số lượng lao động Việt Nam tăng từ không đáng kể vào năm 2011 lên hơn 26.000 người (chiếm 3% tổng số lao động nước ngoài tại Nhật) vào năm 2012. Đến tháng 10/2016, tổng số lao động Việt Nam tại Nhật đã đạt con số hơn 172.000 người, chiếm 16% tổng người lao động nước ngoài tại quốc gia này.
Số lượng người lao động Việt Nam tại Nhật tăng lên nhanh chóng. (Nguồn: Thống kê của Bộ lao động Nhật Bản)
Theo thống kê của cảnh sát Nhật Bản, năm 2015, số vụ việc người Việt Nam phạm pháp đã lên đến con số hơn 2.500 vụ. Việt Nam trở thành quốc gia có số vụ người nước ngoài phạm pháp nhiều nhất tại Nhật, vượt qua cả Trung Quốc.
Trên thực tế, mặc dù năm 2015 là năm có số vụ người nước ngoài phạm pháp ít nhất trong lịch sử Nhật Bản nhưng số vụ việc người Việt Nam phạm pháp lại tăng lên thêm hơn 30%. Ghi nhận vào năm này, số vụ người Việt Nam phạm pháp là 2.556 vụ, trong khi đó, số vụ người Trung Quốc phạm pháp là: 2.390 vụ, Brazil: 1.282 vụ. Đặc biệt, trong các vụ phạm pháp nghiêm trọng như: giết người, cướp của, phóng hoả, hiếp dâm thì trong tổng số 142 vụ, số vụ phạm pháp của người Việt là nhiều nhất với 34 vụ.
Số lượng du học sinh Việt Nam chiếm đến hơn 40% tổng số lao động Việt tại Nhật
Theo thống kê của Bộ Pháp vụ Nhật Bản, số lượng du học sinh người Việt đã tăng nhanh chóng từ hơn 3.000 người (năm 2008) lên đến 58.000 người (năm 2016) khiến Việt Nam trở thành quốc gia có số du học sinh đông thứ hai tại Nhật, chỉ sau Trung Quốc.
Số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật đã lên đến gần 60.000 người. (Nguồn: Bộ Pháp vụ Nhật Bản)
Theo như cách mọi người thường hiểu về việc “du học sinh làm thêm” thì việc học là việc chính và việc làm thêm là việc phụ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc các du học sinh dành một phần rất lớn thời gian đi làm để có thu nhập không phải là chuyện hiếm gặp, vì rất nhiều lý do khác nhau.
Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản, số lượng du học sinh Việt Nam chiếm đến hơn 40% tổng số người lao động Việt tại Nhật. Trong khi đó, tỷ lệ này của Trung Quốc là 20%; còn các quốc gia khác có số lượng du học sinh lao động là không đáng kể.
Đặc biệt, tỷ lệ thuận với số lượng lao động người Việt tại Nhật tăng lên, số vụ phạm pháp của người lao động Việt tại đây cũng tăng lên nhanh chóng, trong đó có nhiều vụ liên quan đến du học sinh.
“Du học sinh Việt Nam đang khóc” và hiện thực khắc nghiệt
Mới đây, ngày 9/3/2017, trang tin Iza đưa tin, cảnh sát Osaka vừa bắt Giám đốc công ty gia công nhựa Sanyu Raito vì sử dụng quá giờ lao động quy định dành cho du học sinh, 4 du học sinh người Việt bị xử lý và cưỡng chế đưa về nước. Theo nhà chức trách, trong số này, có du học sinh đã làm việc đến 77 tiếng một tuần. Việc các du học sinh làm thêm quá 28 tiếng một tuần là hành vi phạm pháp và hoàn toàn có thể bị xử lý.
(Ảnh minh họa: Ryo Fukasawa/Flickr)
Theo một phóng sự gần đây trên đài truyền hình NHK, số lượng du học sinh làm việc trong các công việc như giao hàng, phát báo, trực siêu thị, v.v… là các công việc lao động đơn thuần không cần thiết sử dụng tiếng Nhật đang tăng lên nhanh chóng. Phóng sự cũng cho hay để tránh việc kiểm tra thời hạn làm việc 28 tiếng một tuần, các du học sinh thường sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để nhận lương từ nhiều công việc.
Để đến Nhật, chi phí mà du học sinh Việt Nam bỏ ra là không hề nhỏ. Theo tạp chí Toyo, khoản tiền mà một du học sinh Việt Nam bỏ ra trước khi đến Nhật có thể lên đến 1,5 triệu yên (khoảng 300 triệu VNĐ) bao gồm các khoản học phí cho năm đầu tiên, cũng như phí môi giới. Theo khảo sát của tạp chí, nhiều du học sinh Việt Nam được hứa hẹn việc có thể “kiếm dễ dàng 200.000 đến 300.000 Yên mỗi tháng” (khoảng 40 triệu đến 60 triệu VNĐ) nên đã vay mượn tiền để có thể đến Nhật.
Chỉ với một vài tính toán đơn giản, có thể thấy rằng việc vừa đi học vừa có được thu nhập như vậy là bất khả thi. Với mức lương theo giờ ở mức cao là 1.000 Yên/giờ, nếu mỗi tuần làm trong khuôn khổ pháp luật cho phép là 28 giờ thì một tháng chỉ có thể làm thêm được khoảng 110.000 Yên. Khoản tiền này có thể đủ cho sinh hoạt hàng ngày, nhưng chắc chắn không thể đủ để trả lại khoản vay mà du học sinh vay để đến Nhật, cũng như học phí cho năm học tiếp theo.
Vì vậy, rất nhiều du học sinh đã chọn cách làm việc quá giờ phi pháp hoặc làm các công việc nặng nhọc trong các khoảng thời gian khắc nghiệt (ca đêm, sáng sớm, v.v…) hoặc cả hai cách. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của du học sinh tại trường. Còn đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là du học sinh quá giờ quy định của pháp luật thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.
Theo phản ánh của phóng viên tạp chí Toyo khi đến thăm một trường dạy tiếng Nhật tại vùng ven Tokyo – ngôi trường có hơn một nửa là học sinh Việt Nam, việc các học sinh ngủ gục, thậm chí ngủ xuyên suốt buổi học là hình ảnh rất dễ bắt gặp.
Để quản lý hiệu quả hơn việc du học sinh nước ngoài đến học tập và làm việc tại Nhật Bản, mới đây, quốc gia này đã thông báo du học sinh của năm quốc gia là: Trung Quốc, Việt Nam, Nepal, Myanmar và Sri Lanka sẽ bị áp dụng các chính sách nghiêm ngặt hơn về nhập cảnh từ giữa tháng 3/2017. Học sinh/sinh viên đến từ các quốc gia này buộc yêu cầu chứng minh tài sản thông qua tài khoản thẻ ngân hàng và bản sao sổ tiết kiệm khi nộp hồ sơ xin nhập học vào các trường tiếng Nhật, nếu không chứng minh được, các học sinh/sinh viên sẽ không được phép nhập cảnh vào Nhật.
Nguồn: trithucvn.org
© 2024 | Thời báo ĐỨC