Chị Trần Lê Hồng Phước (40 tuổi, quê Sài Gòn) kết hôn năm 2009 với anh Jules Wilkinson (Canada). Anh chị từng trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn – vừa kết hôn đã sinh 3 con liên tiếp, chồng phải cấp dưỡng nuôi con cho vợ cũ, họ chỉ đủ tiền thuê nhà di động làm từ thùng xe container để ở. Đến nay sau gần 10 năm lấy chồng xa xứ, gia đình chị đã có cuộc sống khá ổn định, tài chính vững vàng. Sau đây là chia sẻ của chị về những bài học trong quá trình cùng chồng tạo dựng sự nghiệp.
Thời điểm cuối năm 2009, từ Việt Nam sang vùng Red Deer (một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Alberta, Canada) tôi vui mừng vì gặp được chồng sau những tháng ngày “yêu xa”, nhưng cũng khá lo lắng vì phải bắt đầu tạo lập cuộc sống gia đình từ số 0 tròn trĩnh.
Chồng tôi khi đó làm cũng được lắm, nhưng vì nhiều lý do, anh chưa bao giờ để dành được tiền. Lần đầu tiên tôi quản lý chi tiêu giúp anh, để dành được 400 đôla Canada (CAD), anh xuýt xoa miết: “Em biết không, trong cuộc đời anh, chưa bao giờ còn tiền khi đến kỳ lương kế tiếp”, mà kỳ lương bên đây thường là cứ mỗi 2 tuần.
Do đó, bài học đầu tiên của tôi chính là chuyện để dành, tiết kiệm trong chi tiêu.
Chưa tới 3 tháng kể từ ngày sang, tôi chính thức quản lý tiền bạc và các loại giấy tờ trong nhà, chồng đi làm kiếm tiền. Để tiết kiệm chi phí, tôi tự nấu ăn tại nhà. Cứ cái gì “tự” được là tôi tự làm hết.
Cho đến tận bây giờ, dù đã có thu nhập ổn định, gia đình tôi vẫn tự trồng rau, hoa quả trong khuôn viên rộng 40.000 mét vuông quanh nhà để phục vụ bữa ăn hàng ngày. Có khi con ngủ rồi, đêm khuya 11h tôi vẫn ra vườn để chăm cây.
Khi chồng quá bận rộn, tôi có thể tự làm cả những việc như lái xe nâng tải trọng lớn để xúc tuyết, cào đường đất cho phẳng, nâng đồ nặng, di chuyển xe từ nơi sửa chữa đến nơi rửa xe… Ở Việt Nam hay định kiến là “phụ nữ chân yếu tay mềm”, nhưng qua đây ai cũng phải tự lực cánh sinh, nên chuyện phụ nữ làm việc đàn ông là bình thường.
Trong thời gian khó khăn này, chúng tôi cũng chẳng bóp nghẹt mọi chi phí. Bài học thứ hai của tôi là, tiền bạc để phục vụ cho tình cảm, chứ tôi không muốn dùng tình cảm để đổi lấy tiền bạc. Khó khăn nhưng tùy theo điều kiện, chúng tôi vẫn chia sẻ, mua quà tốt cho gia đình bên chồng – một điều lạ lẫm với gia đình Tây.
Gần 4 năm sau khi kết hôn, chúng tôi không còn phải ở nhà thuê mà đã mua được nhà, đồng thời cũng mua được xe ôtô tốt cho cả 2 vợ chồng. Nguồn tiền để mua 2 tài sản lớn này đều vay ngân hàng, vì vậy bài học thứ 3 của tôi là: Làm thế nào để thuyết phục ngân hàng cho vay tiền mua nhà, mua xe?
Từng bước, tôi cố gắng mua chiếc xe ôtô cho chồng vào năm 2010 với lãi suất thật cao 23,5% để xây dựng điểm tín dụng cho anh do anh đã mất uy tín trong việc trả nợ mua xe trước đây. Bên đây, ai cũng phải nợ và trả đúng hạn kỳ để tạo uy tín. Có uy tín thì mới mua xe, mua nhà được.
Sáu tháng sau, vợ chồng tôi đổi xe khác tốt hơn, với lãi suất nhẹ hơn, 22,5%. Nhiều người quen bảo vợ chồng tôi “khùng” khi mua xe với lãi suất quá cao, nhưng tôi biết mình đang dùng tiền để “mua” điểm tín dụng. Quá khứ của chồng tôi đã ảnh hưởng đến uy tín mượn tiền ở ngân hàng, vậy nên tôi phải có chiến lược để tạo lại uy tín cho anh, nhằm mục đích mua nhà.
Song song với việc mua xe, tôi cố gắng xin việc ở một hãng sản xuất thịt heo để tăng điểm tín dụng, chuẩn bị mua nhà.
Tôi còn nhớ, lúc rảnh, tôi lên mạng, xem tạp chí về nhà cửa vì quá mong có nhà. Nhờ vậy, tôi cũng biết chút ít về giá cả thị trường. Do đó, khi đến xem căn nhà thứ 2 là tôi quyết định mua ngay vì thấy giá tốt.
Thật may là ngân hàng đã đồng ý cho vay để mua nhà, vì ở Canada hầu như ai cũng mua nhà bằng cách trả góp, ít ai mua trả hết liền một lần như ở Việt Nam.
Mua nhà và mua xe trả góp nhiều như vậy, nhưng ngoài 2 món này, chúng tôi quyết định không mua trả góp bất cứ mặt hàng nào khác. Đồ công nghệ, đồ nội thất… đều có thể mua trả góp rất dễ dàng, tuy nhiên lãi suất không hề dễ chịu. Vì vậy, quan điểm của vợ chồng tôi là: Gom đủ tiền thì mua, không thì thôi. Tôi hiểu nếu không tỉnh táo, có thể “dính bẫy” của ngân hàng và các doanh nghiệp khi mua hàng trả góp những sản phẩm không thực sự cần thiết.
Tiếp theo việc thuyết phục ngân hàng cho vay để mua nhà, mua xe, thì việc làm thế nào để trả nợ đúng hạn cũng rất nan giải. Đây chính là lúc chúng tôi rút ra bài học thứ tư.
Năm 2013, sau 4 năm kết hôn, khi gia đình tôi đã có nơi ở ổn định, một biến cố bất ngờ xảy đến. Hồi đó tôi đi làm ở hãng sản xuất thịt được chừng 8 tháng thì phải nghỉ vì bận rộn con nhỏ. Đúng một ngày sau, chồng tôi cũng thất nghiệp.
Chỉ sau một ngày mà mọi sự đều thay đổi, từ chỗ cuộc sống đang đong đầy, bỗng chốc trở nên không còn gì. Trong hoàn cảnh này, vợ chồng tôi phải ngồi lại cùng nhau để bàn tính.
Bài học thứ 4 chúng tôi bước đầu nhận ra là: Tiết kiệm, làm việc chăm chỉ rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải đầu tư đúng chỗ để “tiền sinh ra tiền”. Chỉ có cách đầu tư làm ăn thì mới nhanh trả được nợ, trang trải cuộc sống, không bị động khi phụ thuộc công việc vào người khác.
Quyết định start up khi tôi đã 35 tuổi, chồng tôi 40 tuổi quả thật không dễ dàng.
Mùa thu năm 2013, khi đang mang bầu con trai út, tôi cùng chồng thành lập công ty vận tải, chuyên thực hiện các hợp đồng vận tải bằng các loại xe có tải trọng lớn. Do chồng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nên công ty mới thành lập nhưng hợp đồng khá nhiều. Sau khi công ty hoạt động ổn định, chồng tôi còn mua cổ phần và là đồng chủ sở hữu 2 công ty vận tải khác. Tôi cũng giúp chồng quản lý giấy tờ của 2 công ty này. Từ đây, chúng tôi đã có một khoản đầu tư sinh lời tốt.
Lúc khởi nghiệp khi chưa có kinh nghiệm, có một bài học mà vợ chồng tôi đã phải trả giá bằng số tiền không nhỏ. Đó là do không có kinh nghiệm làm thủ tục kê khai thuế, hết năm tài chính chúng tôi vừa phải đóng thuế cá nhân, vừa phải đóng thuế thu nhập công ty. Tổng cộng mất tới 40 – 50 nghìn CAD khi vốn liếng còn mỏng khiến vợ chồng tôi chới với.
Tuy sai lầm này không đến mức làm công ty phá sản, nhưng tôi nhận thấy thêm một bài học nữa: Nếu không có chuyên môn thì sẽ vô cùng khó khăn khi quản trị công ty. Mùa hè năm 2018, nhân kỳ nghỉ của các con, tôi đã vượt 400 cây số từ vùng quê Carlagy đến trung tâm của tỉnh Alberta để đăng ký lớp học kế toán.
Kể từ ngày khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng đến giờ, tôi đã tự học hỏi thêm nhiều điều. Những ngày đầu giống như người mù mò mẫm đi trong bóng đêm, nhưng nếu không liều lĩnh dấn bước, thì có lẽ bây giờ chúng tôi vẫn bằng lòng với cuộc sống tằn tiện.
Trước đây tôi chỉ mong mua nhà, mua xe, lo cho các con có điều kiện sinh hoạt tối thiểu, nhưng giờ lại hy vọng có thể lo đủ cho 4 con đến 18 tuổi, sau đó dành tiền để hỗ trợ học phí đại học cho con nếu cần.
Vợ chồng tôi cũng đặt mục tiêu về hưu sớm trong vài năm tới, có kinh tế tốt hơn để có thể đi du lịch thoải mái khi các con đã trưởng thành. Tôi tin rằng những mục tiêu ngày càng cao sẽ tạo động lực để mình cố gắng hết sức.
Nguyễn Phượng/Vnexpress.net
© 2024 | Thời báo ĐỨC