Xuất siêu nhờ khối FDI
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2020 ước tính đạt gần 51,1 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 388,3 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt gần 27,1 tỷ USD, giảm 2,2% so với tháng trước, khu vực kinh tế trong nước đạt gần 9,9 tỷ USD, giảm 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,2 tỷ USD, giảm 1,4%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9 tăng 16,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 40,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,8%.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,4 tỷ USD, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 71,4 tỷ USD, tăng mạnh 19,5%, chiếm gần 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,7%.
Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, 2019, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 với mức tăng 19,5%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,0%) và đặt trong bối cảnh xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm (giảm 2,9%).
Trong 9 tháng có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,8%.
Tuy nhiên, xét về nhóm hàng và mặt hàng xuất khẩu cơ bản các ngành đều giảm, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng đã giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019 do gặp nhiều khó về thị trường và giá bán; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 2,36 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, ước đạt 171,6 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,62% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 32,2 tỷ USD (tăng 25,9%); gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,5 tỷ (tăng 12,4%); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 18,2 tỷ USD (tăng 39,8%).
Trong 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu kỷ lục 16,58 tỷ USD. Ảnh: TTXVN.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 24 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,6 tỷ USD, tăng 5,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,4 tỷ USD, tăng 5,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9 tăng 11,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 22,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,3%.
Trong quý III/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,5% so với quý II năm nay (tăng 15,2% so với quý I), cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu có xu hướng tăng lên.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt gần 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,3%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,34 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%.
Như vậy, tháng 9 ước tính xuất siêu 3,09 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,58 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,27 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,51 tỷ USD.
Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4,0% và duy trì cán cân thương mại thặng dư trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam là sự nỗ lực rất lớn.
Lo nhiều hơn mừng
Con số 16,58 tỷ USD là con số xuất siêu kỷ lục của Việt Nam từ trước đến nay, cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của cả năm 2019. Trong khi đó, con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của năm 2019 đã là mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, xuất siêu chỉ có ý nghĩa thực sự khi chỉ số xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng. Phân tích về điều này, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng đánh giá, việc xuất siêu vượt cả các năm trước là tín hiệu không vui, chứng tỏ Việt Nam không nhập được nguyên liệu về. Từ trước đến nay, nhập khẩu chủ yếu là nhập yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất. Năm nay, lượng nguyên liệu nhập về giảm do hai nguyên nhân. Thứ nhất là không có đơn hàng xuất khẩu nên không nhập. Thứ hai là khi có đơn hàng xuất khẩu thì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu lại bị đứt gãy nên không nhập được. Doanh nghiệp mới chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ từ trước để xuất khẩu chứ không nhập được cho giai đoạn sau.
Tương tự, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, nền kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây luôn xuất siêu. Xuất siêu có điều đáng mừng là giúp tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, xuất siêu từ đầu năm đến nay có điểm đáng phải lo. Đó là xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng mà do nhập khẩu giảm nhiều.
“Nhập khẩu của Việt Nam tới 90% là tư liệu sản xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng chỉ chiếm 10%. Giảm nhập khẩu nghĩa là giảm nhập tư liệu sản xuất, đó là điểm đáng lo. Xuất siêu thì mừng nhưng đáng lo nhiều hơn bởi giảm nhập tư liệu sản xuất sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất trong tương lai”, TS. Lê Quốc Phương cho biết.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, xuất siêu của Việt Nam hiện nay là nhờ khối doanh nghiệp FDI xuất siêu, còn khối doanh nghiệp nội địa vẫn nhập siêu.
"Xuất siêu chủ yếu do doanh nghiệp FDI, họ giữ được đơn hàng, tổ chức được nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Họ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng mức độ đứt gãy không nhiều như doanh nghiệp Việt Nam. Điều này một lần nữa nói lên việc tổ chức các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững là đặc biệt quan trọng”, chuyên gia Phạm Tất Thắng phân tích thêm.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý thêm rằng, thời gian vừa qua xuất khẩu các mặt hàng liên quan nhiều đến mùa dịch, điển hình là hàng dệt may, khẩu trang y tế… khá thuận lợi. Tuy nhiên, đây không phải là mặt hàng tiềm năng cho xuất khẩu trong quý sau hay dài hạn năm sau. Bởi, nguồn cung các mặt hàng này trên thị trường thế giới sẽ dần ổn định lại, không có tình trạng thiếu hụt đột xuất.
Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, nửa cuối năm xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với quý II/2020 sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa. Bên cạnh đó, xuất khẩu các tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) từ ngày 1/8.
Thu Trang
Nguồn: baotintuc.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC