Xuất khẩu vào thị trường Đông Âu tăng cao trở lại

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường khối các nước Đông Âu đang tăng trưởng cao trở lại, nhưng giá trị vẫn còn rất khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp trong nước hiện vẫn e ngại hoặc chưa sẵn sàng khi quay trở lại thị trường này.

132 1 Xuat Khau Vao Thi Truong Dong Au Tang Cao Tro Lai

Các diễn giả, doanh nghiệp, đại diện hiệp hội ngành nghề,... thảo luận tại diễn đàn -Ảnh: Lê Hoàng

Thông tin này được ghi nhận tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Đông Âu, với chủ đề "Thúc đẩy xuất khẩu nông sản, dệt may và da giày Việt Nam vào các nước Đông Âu trong tình hình mới" do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 8-5 tại TPHCM.

Đông Âu - thị trường xuất khẩu truyền thống

Theo Bộ Công Thương, khu vực Đông Âu từ lâu đã là thị trường xuất khẩu truyền thống của hàng hóa Việt Nam. Sau một thời gian dài thương mại trầm lắng, gần đây kim ngạch giữa Việt Nam với khu vực này đã có những bước tiến triển mạnh mẽ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam, cho thấy thương mại song phương của Việt Nam với khối Đông Âu năm 2018 tăng hơn 30% so với năm trước đó, đạt hơn 10 tỉ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỉ đô la và nhập khẩu đạt vào khoảng gần 4 tỉ đô la.

Tính ra, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực này chỉ chiếm khoảng 2,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, theo ông Vượng là vẫn chưa hoàn toàn tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai bên.

Như vậy, Việt Nam xuất siêu vào thị trường này hơn 2,5 tỉ đô la vào năm 2018. Ông Vượng cho rằng còn rất nhiều cơ hội, dư địa rất lớn cho tăng trưởng thương mại giữa hai bên. Và tình hình cho thấy triển vọng và cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực này rất tiềm năng, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực nông sản, dệt may và da giày mà Việt Nam có thế mạnh để xuất qua các nước Đông Âu.

Hiệp định thương mại mở ra nhiều cơ hội

Hiện tại, Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm 5 nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan). Và trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh châu Âu đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EVFTA và đang trong giai quá trình hoàn tất các thủ tục để tiến tới ký kết và phê chuẩn, việc 8 nước trong khu vực Đông Âu đã gia nhập Liên minh châu Âu (Ba Lan, Séc, Rumani, Bungary, Hungary, Slovakia, Slovenia và Croatia) đang và sẽ tiếp tục đóng góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam và khối EU.

Theo ông Vượng, có thể nói, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh châu Âu và Liên minh kinh tế Á - Âu được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc gỡ bỏ các hàng rào thương mại giữa Việt Nam và các nước trong các quốc gia châu Âu nói chung, khu vực Đông Âu nói riêng. Điều này sẽ giúp tăng cường hơn nữa cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu dùng giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau hoa quả, nông sản chế biến, hàng điện tử, và linh kiện điện tử, dệt may và da giày,...

Tham dự diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư, khuyến nông, khuyến công các tỉnh, thành phố phía Nam; các hiệp hội ngành hàng; doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối, logistics và đầu tư của Đông Âu và Việt Nam, cùng đại diện Đại sứ quán các nước Đông Âu tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, tại diễn đàn, các doanh nghiệp và đại diện một số hiệp hội ngành nghề tỏ ra quan ngại khi quay trở lại thị trường này do khâu thánh toán còn phức tạp, khó khăn trong giao tiếp ngôn ngữ, và thị trường này còn mang tính đặc thù so với các thị trường họ đang thực hiện như châu Âu hoặc Mỹ,...

Một số doanh nghiệp còn chia sẻ rằng họ cảm thấy việc thâm nhập thị trường Đông Âu rất khó và dường như có một rào cản gì đó. Đáng chú ý, theo họ một số nước của khu vực này vẫn còn dùng hàng rào kỹ thuật để khống chế thị trường, ngăn hàng hóa nước ngoài...

Nguồn: Lê Hoàng/ thesaigontimes.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày