Chập choạng tối, bước ra từ căn nhà xiêu vẹo, một người phụ nữ lớn tuổi, tay cầm xấp vé số quơ qua quơ lại, miệng lẩm bẩm: "Vé số đây" rồi phá lên cười sằng sặc.
Ở cái tuổi 68, bà Điều mỗi ngày phải lang thang khắp xóm bán vé số để nuôi mẹ già.
Có vấn đề về trí óc, hay cười nói suốt ngày nên người dân hay gọi là bà Điều khùng.
Bà là Cao Thị Điều (68 tuổi), hiện bà đang sinh sống cùng người mẹ già Cao Thị Chỉ (90 tuổi) tại phường 3, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Nhắc đến hai mẹ con bà Điều, không ai trong vùng lại không biết bà Điều "khùng", miệng lúc nào cũng cười đùa nhưng được cái thương mẹ, ai cho cái gì cũng cất ca cất củm mang về cho người mẹ đợi ở nhà.
"Bả không biết gì hết đâu, bán vé số bị mấy thằng quỷ giật hoài à, ở đây ai cũng thương hai mẹ con bả, tội dữ lắm", một người dân hồ hởi nói.
Với bà Điều, bà chỉ mong ngày bán hết vé số để đi mua gạo về nấu cơm cho mẹ.
Bà Chỉ (90 tuổi) sức khỏe đã yếu đi rất nhiều.
Ngồi trước góc nhà, bà Điều đưa đôi tay run rẩy tính những tờ vé số còn lại trên tay. Bà đếm: "Một, hai, ba,...mười chín, hai...", rồi quay lên ngô nghê nói, mặt ngượng ngùng: "Thôi, hông tính nữa đâu, người ta học có lớp 3 hà, có biết đâu".
Theo bà Điều, từ nhỏ số bà đã khổ khi cơm ngày ba bữa không đủ no, bố bà mất sớm, một mình bà phải lủi thủi theo bà Chỉ đi bôn ba kiếm sống. Học đến lớp 3, vì nghèo quá, bà nghỉ học, đến cả cái nhà để ở, hai mẹ con bà cũng không có.
"Hùi đó tui học giỏi lắm, nhưng bả (bà Chỉ) hông có tiền, tui theo bả đi bắt ốc, bắt hến để bán. Bắt được bao nhiêu bán hết mà mua gạo thóc về ăn, có hôm không có gạo thì bắt được mấy con cá ăn tạm. Khổ muốn chết", bà Điều vừa kể vừa cười ngặt nghẽo.
Căn nhà không có lấy một vật dụng nào đáng giá.
Nụ cười hạnh phúc của cả hai mẹ con bà Chỉ dù cuộc sống khó khăn.
"Người ta nói tui cuồng loạn, trí não không có, tôi biết hết á. Tui có khùng nhưng tui thương mẹ, thương Chỉ lắm. Có Chỉ mới có Điều", giọng bà nghẹn lại.
Để có tiền trang trải cuộc sống, mỗi ngày bà Điều bán khoảng 50 tờ vé số. Hôm nào bà con thương tình thì bà bán hết sớm, lại lang thang ra chợ mua gạo về nấu cơm cho mẹ. Gặp hôm ế ẩm, không có tiền mua đồ ăn, hai mẹ con lại nhịn đói, chờ hàng xóm thương tình cho tô cơm ngụi.
Cực khổ là vậy, nhưng lúc nào bà Điều cũng cười. Bà bảo, vì khổ quá nên bà cười cho hết khổ, cứ vô tư mà sống.
"Mọi người hỏi sao tui cười hoài, tui có biết đâu, lúc nào Chỉ khóc thì tui cười. Tui thương Chỉ, không muốn Chỉ thấy tui khóc, Chỉ buồn", bà Điều nói.
Bà Điều cho biết, học đến lớp 3 thì bà phải nghỉ học vì mẹ Chỉ không tiền.
Mớ rau được người ta cho, bà Điều đem về nấu cơm cho mẹ.
68 năm sống bên cạnh người mẹ già, có lẽ chưa một ngày nào bà Điều cảm thấy buồn bởi bà vẫn còn có mẹ Chỉ ở bên. Ôm choàng lấy mẹ, bà Điều cười nói: "Bà chết tui lên đỉnh núi tui ở" rồi chốc lát liếc nhìn mẹ, bà Điều cúi gầm mặt xuống.
Mấy năm rồi, sức khỏe bà Chỉ không được tốt. Đợt tai nạn giao thông trước khiến một phần cơ thể của bà Chỉ tê cứng, đi lại rất khó khăn. Chứng bệnh tim, bệnh tuổi già cũng được nước kéo đến, hành bà liên tục đau ốm.
Thương mẹ già, sợ cái cảm giác một ngày không xa sẽ mất mẹ, bà Điều hiểu hết nhưng chẳng dám nói ra. "Con Điều nó thương tui lắm, thương tui lắm", bà Chỉ rưng rưng nước mắt khi nói về đứa con gái của mình.
Thương con gái khờ nhưng bà Chỉ không biết cách nào để giúp con.
Di chuyển trong nhà, bà Chỉ đều phải nhờ chiếc ghế để chống đi.
Cố chống chiếc ghế nhựa để đi ra trước nhà, bà Chỉ tâm sự: "Mấy đồ ve chai này là con Điều lượm ở bãi rác, đi xin hàng xóm về. Ai cho cái gì nó cũng đi lấy, đồ đạc cũ kỹ nhưng có cả. Có cô kia thấy trời nóng mới đem cho hai mẹ con tui cây quạt mới mà tui không dám xài, sợ hao tiền điện, lại tội con Điều".
"Có lúc khổ quá, tui mượn người ta 5 ngàn, 10 ngàn. Nhưng mà nay mượn, mai mốt cũng mượn ai có tiền mà cho hoài. Tui giờ già cả rồi, có làm được gì để kiếm ra tiền đâu", bà Chỉ bật khóc.
"Dù có khùng thì tui cũng biết thương mẹ", câu nói của bà Điều khiến ai nghe đều rớt nước mắt.
Bữa cơm chiều cũng chỉ vỏn vẹn bát cơm trắng chan xì dầu.
Thương hoàn cảnh của mẹ con bà Điều khi tuổi đã cao lại phải bươn chải để lo cho cuộc sống hàng ngày, người dân trong vùng cũng thường xuyên quyên góp, biếu chút cá thịt, gạo mì để giúp đỡ cho hai mẹ con.
Có lẽ, đối với bà Chỉ lúc này, những ngày tháng ít ỏi còn lại, được sống bên cạnh người con gái tội nghiệp của mình đã là một điều may mắn. Nhiều lúc nhà hết gạo, đói ăn, hai mẹ con bà Chỉ lại ngơ ngác nhìn nhau. Mẹ khóc, con cười, cảnh già hiu quạnh khi không một ai bên cạnh chăm sóc.
Bà Chỉ mong ước những ngày tháng còn lại, hai mẹ con có được cơm no ngày ba bữa.
Dẫu có khùng điên, thì với bà Chỉ, người con gái của bà vẫn là điều tuyệt vời nhất.
© 2024 | Thời báo ĐỨC