Hướng dẫn hành khách khai tờ khai y tế tại sân bay Nội Bài.
"mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi công tác phòng dịch Covid-19 phải thay đổi chiến lược, nhất là chiến lược xét nghiệm.
Vậy, làm sao để tránh "nhập khẩu" vi rút SARS-CoV-2 trong khi vẫn bảo đảm triển khai nhanh và chính xác việc xét nghiệm đối với những trường hợp nhập cảnh?
Hà Nội triển khai lấy mẫu xét nghiệm đối với những hành khách đi từ vùng có dịch về tại sân bay Nội Bài vào tháng 3-2020.
Sẽ sử dụng xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên
Tới đây, khi mở một số đường bay quốc tế để đón chuyên gia, nhà đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, Việt Nam phải thay đổi chiến lược xét nghiệm theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm tập trung đông người... để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm bệnh ra cộng đồng.
Hiện nay, tại Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng thể và kháng nguyên. Cụ thể, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có loại sinh phẩm sử dụng máy và loại không cần sử dụng máy. Tuy nhiên, nhược điểm của kit xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là chỉ có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên. Thậm chí, kết quả xét nghiệm nhanh kháng thể là âm tính cũng không thể khẳng định chắc chắn người đó không bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Trong khi đó, xét nghiệm tìm kháng nguyên đang được thực hiện bằng phương pháp RT-PCR có độ chính xác cao nhưng thời gian thực hiện lâu, có yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu chiến lược xét nghiệm mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ban đầu, khi số lượng khách nhập cảnh ít, ngành Y tế triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế được chỉ định. Thế nhưng, khi số lượng người nhập cảnh tăng, phải tính đến phương án lấy mẫu ở sân bay, hoặc xét nghiệm tại chỗ, lựa chọn test kit xét nghiệm (xét nghiệm nhanh) có kết quả trong thời gian ngắn nhất và độ chính xác cao. Với đòi hỏi như vậy, khi mở lại một số đường bay, sẽ sử dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (có giá trị khẳng định) được một số nước trên thế giới đang sử dụng rộng rãi tại sân bay, không dùng xét nghiệm kháng thể (có giá trị sàng lọc).
Xét nghiệm bằng kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên sẽ có ưu điểm của cả 2 loại: xét nghiệm nhanh tìm kháng thể và xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp RT-PCR.
"Chúng ta sẽ chủ yếu sử dụng kit xét nghiệm tìm kháng nguyên do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Ngành Y tế bảo đảm đủ năng lực về nhân lực và bộ kit để triển khai xét nghiệm khi mở cửa đường bay", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định.
Sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chống dịch khi mở cửa đường bay quốc tế
Hiện tại, các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Công ty Medicon đang khẩn trương nghiên cứu, sản xuất loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có giá thành thấp.
Theo đại diện Công ty Medicon, đơn vị đã chuẩn bị lượng nguyên liệu sản xuất 500.000 bộ kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên và cam kết tập trung đầu tư sản xuất loại kit xét nghiệm này trong thời gian nhanh nhất có thể. Sau khi hoàn tất thử nghiệm, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ đăng ký lưu hành và sẵn sàng triển khai sản xuất trên quy mô công nghiệp với lượng khoảng 50.000-100.000 kit xét nghiệm/ngày, với giá thành dự kiến khoảng 3,5 USD/kit (bằng 70% so với sản phẩm của nước ngoài).
Còn theo đại diện Công ty cổ phần Sao Thái Dương, đơn vị cùng với các nhà nghiên cứu đã triển khai sản xuất kit xét nghiệm Realtime LAMP phiên bản mới, gửi cơ quan chức năng đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu... Sản phẩm mới này được kỳ vọng sẽ nâng công suất xét nghiệm gấp nhiều lần, thời gian ngắn hơn, để có thể triển khai tại các sân bay.
"Vấn đề quan trọng hiện nay là chúng ta phải hướng tới kit xét nghiệm có chất lượng tốt nhất, với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Trước khi đưa vào sử dụng, chúng ta phải có hội đồng nghiên cứu, đánh giá chất lượng kit với mục đích cao nhất không để lọt, sót ca bệnh và lây lan ra cộng đồng. Cùng với việc áp dụng kit xét nghiệm nhanh, khi mở cửa đường bay quốc tế, chúng ta còn áp dụng các giải pháp tổng thể khác, như: Cách ly, theo dõi người bệnh, tiếp tục xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR... Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ cùng sự phối hợp của các bộ, ngành và năng lực xét nghiệm hiện có, ngành Y tế đã sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chống dịch khi mở cửa lại đường bay quốc tế", PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh.
Kể từ đầu dịch Covid-19 đến cuối tháng 8-2020, Việt Nam đã thực hiện hơn một triệu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR. Đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng, công suất xét nghiệm tăng gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3 và tháng 4-2020. Số lượng xét nghiệm trong một tháng bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng so với giai đoạn đầu của dịch.
Hiện cả nước có 123 cơ sở đủ khả năng xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, công suất tối đa hơn 46.000 mẫu/ngày. Trong số đó, có 71 phòng xét nghiệm khẳng định, công suất hơn 36.000 mẫu/ngày. Bộ Y tế đã thành lập hệ thống hỗ trợ xét nghiệm tại ba khu vực để giúp các địa phương nâng công suất xét nghiệm trong trường hợp cần thiết. |
THU TRANG
Nguồn: hanoimoi.com.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC