Bộ Y tế giải mật lô thuốc H-Capita
Phiên xử sơ thẩm lần 2, vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty VN Pharma một lần nữa lại 'tạo sóng' dư luận.
Trước đó, tháng 7/2017, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Võ Mạnh Cường và Nguyễn Minh Hùng mỗi bị cáo 12 năm tù về tội “Buôn lậu”. 7 bị cáo còn lại bị kết án về tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Sau khi án sơ thẩm tuyên, VKS có kháng nghị, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại theo hướng thay đổi tội danh đối với các bị cáo từ tội “Buôn lậu” sang tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Bị cáo Võ Mạnh Cường và Nguyễn Minh Hùng tại tòa
Tháng 10/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp thuận kháng nghị của VKS, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị điều tra, xác định lại về tội danh, xác định thêm đồng phạm. Tòa phúc thẩm cũng đề nghị làm rõ có hay không việc chi "hoa hồng" cho các bác sĩ...
Tại phiên tòa, bị cáo Hùng thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố nhưng bị cáo Cường thì kêu oan.
Sau 3 ngày xét xử, bất ngờ Bộ Y tế gửi tới tòa văn bản giải mật việc cung cấp thông tin tài liệu phục vụ quá trình điều tra; công văn về việc giám định lô thuốc H-Capita kèm theo kết luận giám định của hội đồng chuyên môn.
Mặc dù, trước phiên xử diễn ra, Bộ Y tế đã có kết luận giám định khẳng định lô thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về là thuốc kém chất lượng, không được dùng chữa bệnh cho người.
Tuy nhiên, trong văn bản giải mật được công bố tại tòa, sau khi cử đoàn công tác đi Ấn Độ xác minh, Bộ Y tế lại có những văn bản khẳng định "lô thuốc H-Capita đạt tất cả các tiêu chuẩn lúc xuất xưởng".
Bộ Y tế cho biết, đoàn công tác đã tới làm việc với nhà máy Affy Prenterals (Ấn Độ), nhà máy này có các giấy chứng nhận sản xuất đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Trong danh sách loại thuốc của nhà máy này sản xuất có lô thuốc H-Capita .
Đồng thời nhà máy này cũng có văn bản xác nhận đã bán lô thuốc 9.300 hộp H-Capita cho Công ty Magnolia limited tại Ấn Độ. Công ty Magnolia bán lô thuốc này cho Công ty cổ phần VN Pharma. Bộ Y tế đã kết luận lô thuốc H-Capita đạt tất cả các tiêu chuẩn lúc xuất xưởng. Tuy nhiên quá trình vận chuyển nếu không tuân thủ điều kiện bảo quản thì chất lượng có thể không còn được giữ như lúc xuất xưởng.
Còn tại công văn số 279 ngày 21/12/2018, Bộ Y tế gửi cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết, thuốc kém chất lượng, thuốc giả và hàng giả là 3 khái niệm riêng biệt.
Bộ Y tế khẳng định lô thuốc H-Capita là lô thuốc kém chất lượng vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký. Việc xác định lô thuốc H-Capita có phải thuốc giả hay hàng giả còn tùy từng trường hợp cụ thể đối chiếu với các văn bản.
Đặc biệt, tại phiên tòa lần này một nhân chứng mới xuất hiện là ông Ngô Nhật Phương, khẳng định lô thuốc H-Capita mà VN Pharma nhập về được sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals của Ấn Độ, chỉ giả về nhãn mác chứ không giả về chất lượng.
Theo ông Phương, Ấn Độ khẳng định thuốc H-Capita được sản xuất tại nhà máy của nước này, đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng. Khi công ty dược ở Ấn Độ bán thuốc cho Việt Nam, họ được đề nghị ghi xuất xứ ở Canada nhưng công ty này không đồng ý, nói bên mua có thể thực hiện việc dán nhãn xuất xứ khi thuốc xuất ra khỏi Ấn Độ.
VKS nghi ngờ tài liệu của Bộ Y tế thu thập
Ngày hôm qua, (27/9) Cục Quản lý Dược có công văn hỏa tốc gửi Tòa, khẳng định thuốc H-Capita mà VN Pharma nhập khẩu là thuốc kém chất lượng chứ không phải là thuốc giả, đủ điều kiện sử dụng để chữa bệnh sau khi xuất xưởng.
Các bị cáo tại tòa
Cùng quan điểm với Cục Quản lý Dược, Hội đồng giám định Bộ Y tế tiếp tục khẳng định về bản chất thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng và giả về xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa.
Phản bác lại quan điểm của Cục Quản lý Dược và Hội đồng giám định Bộ Y tế, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm lô thuốc H-Capita là thuốc giả.
Về văn bản giải mật chứng minh nguồn gốc của lô thuốc H-Capita, VKS bày tỏ “rất khâm phục” đoàn công tác của Bộ Y tế, chỉ bằng một chuyến đi kiểm tra nhà máy, đã thu thập được toàn bộ thông tin liên quan đến việc sản xuất, mua bán, vận chuyển lô thuốc H-Capita.
Các tài liệu trên là do Bộ Y tế tự thu thập, tự thực hiện các biện pháp xác minh, hợp thức hóa lãnh sự và gửi cho CQĐT mà chưa được xác minh tính hợp pháp của các tài liệu này.
VKS đặt câu hỏi, Bộ Y tế nhận tài liệu này từ nguồn nào, như thế nào, ai là người nhận, nhận và thu thập tài liệu này sau đó thì tính hợp pháp của việc thu thập và giao nhận tài liệu là như thế nào?
VKS cho rằng việc thu thập tài liệu cũng như xác định tính pháp lý của tài liệu để đưa vào hồ sơ vụ án không thực hiện đúng các quy định của luật tố tụng hình sự, không đảm bảo giá trị pháp lý để làm căn cứ xác định.
Trong quá trình điều tra, CQĐT yêu cầu Bộ Y tế cung cấp các tài liệu, thông tin phục vụ điều tra liên quan tới việc cấp phép nhập khẩu, cấp phép hoạt động và cấp phép thuốc chứ không yêu cầu Bộ Y tế đi xác minh và thu thập tài liên quan tới việc xác định nguồn gốc. Bên cạnh đó, tài liệu mà đoàn công tác Bộ Y tế thu thập không xuất phát từ yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, vừa không đảm bảo tính pháp lý, khách quan.
Thanh Phương
Nguồn: Báo điện tử VietnamNet
© 2024 | Thời báo ĐỨC