Khói độc từ đám cháy Rạng Đông tỏa theo chiều gió. Ảnh: Nguyễn Thái Thạch
Rà soát lại các văn bản luật thì thấy có hai đạo luật có thể được dẫn chiếu để áp dụng cho việc cảnh báo nguy cơ, sự cố môi trường Rạng Đông nhưng không rõ ràng.
Người dân hiếu kỳ coi chữa cháy Rạng Đông, một ngày sau đám cháy bùng phát. Ảnh: Việt Long
Có lỗ hổng về thẩm quyền, trách nhiệm cảnh báo
Đầu tiên là Luật Bảo vệ môi trường, với 64 lần sử dụng cụm từ “sự cố môi trường”, 18 lần “nguy cơ” và năm lần “cảnh báo”. Tuy nhiên không hề có quy định cụ thể nào về thẩm quyền, trách nhiệm cũng như quy trình cảnh báo nguy cơ hoặc cảnh báo sự cố môi trường.
Tiếp theo là Luật Hóa chất, có vẻ khá sát với Rạng Đông, vốn sử dụng nhiều hóa chất, bao gồm thủy ngân, trong hoạt động sản xuất ở quy mô công nghiệp của mình. Luật định nghĩa khá rõ “sự cố hóa chất là tình trạng cháy, nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho người, tài sản và môi trường”, đồng thời dành hẳn một chương về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Tuy nhiên, cũng như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hóa chất không quy định cụ thể nào về cảnh báo nguy cơ mất an toàn từ một sự cố hóa chất…
Chi tiết hơn thì thấy Luật Hóa chất được hướng dẫn chi tiết bởi Nghị định số 113/2017/NĐ-CP và Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc. Hai văn bản này quy định khá rõ về công tác xây dựng biện pháp hoặc kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố, mà trách nhiệm chủ yếu là chủ cơ sở có hoạt động hóa chất. Nhưng đấy là phòng ngừa. Còn khi xảy ra sự cố hóa chất rồi thì vấn đề cảnh báo chỉ được quy định ngắn gọn trong một điều về “công bố tình trạng sự cố hóa chất độc”.
Theo các quy định này, sự cố hóa chất độc được chia thành ba cấp độ: Cấp cơ sở, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Chỉ khi sự cố hóa chất đến cấp tỉnh, cấp quốc gia thì mới đặt ra yêu cầu công bố tình trạng sự cố hóa chất, mà cơ quan có thẩm quyền công bố tương ứng là Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Câu hỏi là, sự cố môi trường ở Rạng Đông có phải là sự cố hóa chất độc không, và nếu có thì mức độ của nó đã đến cấp tỉnh chưa? Cho đến nay, 15 ngày sau vụ cháy, chưa quan chức nào trả lời.
Chưa có căn cứ bắt lỗi thì làm sao xử lý trách nhiệm?
Nhưng ngay cả khi Rạng Đông là sự cố hóa chất thực sự, thì đối chiếu vào Quyết định 26 nói trên, việc cảnh báo nguy cơ rủi ro về sức khỏe cho cư dân quanh khu vực cháy cũng chưa hẳn đã là nghĩa vụ bắt buộc. Bởi thủy ngân, thứ kim loại đã hóa hơi trong đám cháy, tỏa ra xung quanh theo khói và gió, có tên hóa học là Hg, lại không nằm trong danh mục 31 hóa chất độc.
Hoảng hốt trước sự bất nhất của chính quyền, dân Hạ Đình ùn ùn đi khám. Ảnh: An Hiền
Phân tích trên cho thấy dường như đang có lỗ hổng thực sự trong pháp luật về cảnh báo sự cố môi trường, mà nếu bịt được thì mới có thể giúp người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa trước mối nguy hiểm rình rập về sức khỏe, tính mạng và tài sản.
Hệ quả pháp lý không dừng ở đó. Bộ luật Hình sự coi hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường ở mức độ nghiêm trọng là tội phạm, với mức án cao nhất lên đến 7 năm tù giam. Nhưng khi thiếu vắng các quy định cụ thể về nghĩa vụ cảnh báo sự cố môi trường, sự cố hóa chất thì chả có căn cứ nào để bắt lỗi quan chức địa phương về việc “bất tác vi” đó cả. Nói cách khác, việc không hành động của quan chức có thể khiến người dân gặp rủi ro mà lẽ ra có thể chủ động tránh được, nhưng lại không thể chế tài cho việc vô trách nhiệm ấy.
Hiển nhiên, khi xảy ra sự cố môi trường, phát tán chất có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người, thì song song với các hoạt động ứng cứu, giải quyết hậu quả, một động thái cần có của cơ quan chức năng là kịp thời đưa ra thông báo với người dân. Thông báo chuyên nghiệp, được cập nhật thường xuyên, vừa có tác dụng ổn định tình hình, tránh những đồn đoán vô căn cứ và tâm lí bất an trong dân, vừa thể hiện trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường của cơ quan chức năng, củng cố niềm tin của người dân vào đường lối chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu hậu quả.
Thế nhưng, trong sự cố môi trường này, công chúng chỉ thấy sự bất nhất, lúng túng của chính quyền: UBND phường Hạ Đình nhanh chóng ra văn bản cảnh báo, in phát 1.000 tờ rơi tới các hộ dân, ngay hôm sau bị UBND quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi với lý do “không đúng thẩm quyền, chưa đủ cơ sở”.
Trễ hơn chút, Bộ Tài nguyên môi trường vào cuộc tiếp tục ra cảnh báo môi trường, thì sau đó Chủ tịch Hà Nội phản ứng...
Trong thời đại internet và mạng xã hội, ứng xử như vậy có nghĩa là chính quyền đã tuột tay mặt trận thông tin. Người dân có xu hướng nghiêm trọng hóa vấn đề, khi không còn tin vào những thông báo của các cơ quan chức năng thì sẽ tìm đến những thông tin không chính thống, vô hình chung làm rối loạn thêm tình hình, đẩy sự việc thành một khủng hoảng truyền thông thực sự.
Có thể tham khảo "Tuyên bố Rio de Janeiro năm 1992"Từ vụ cháy công ty Rạng Đông, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc chuẩn hóa hơn nữa quy trình ứng phó sự cố hóa chất, sự cố môi trường. Nguyên tắc số 15, Tuyên bố Rio de Janeiro năm 1992 của LHQ về môi trường và phát triển là nguồn tham khảo cho công tác chuẩn hóa ấy. Theo đó, trong trường hợp có các mối đe dọa thiệt hại nghiêm trọng hoặc không thể đảo ngược, việc thiếu các cơ sở chắc chắn về mặt khoa học không phải là lí do để trì hoãn các biện pháp hiệu quả về chi phí để ngăn chặn suy thoái môi trường. Lẽ đơn giản, người dân không thể chờ đến hơn một tuần rồi mới áp dụng các biện pháp phòng tránh ô nhiễm môi trường. Ngay cả khi chưa có một kết luận chính thức, thì vẫn phải hành động tương ứng với nguy cơ đe dọa, trong giới hạn chi phí nhất định. |
Minh Thanh
Nguồn: plo.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC