Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời:
Đối với bà Phạm Thị Xuân (bà nội cháu bé 20 ngày tuổi), hành vi sát hại cháu bé rồi mang vứt cháu bé vào thùng rác sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội giết người.
Cụ thể tại điểm c khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự: Người nào giết trẻ em thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với hành vi của đối tượng “thầy bói” thì cần làm rõ việc hành nghề mê tín dị đoan và xúi giục bà Xuân giết hại cháu bé hay không.
Nhiều người dân tập trung ngay trước cửa nhà cháu bé.
Trường hợp, nếu có đủ căn cứ chứng minh “thầy bói” hành nghề mê tín dị đoan đã có hành vi xúi giục bà nội sát hại người cháu nội của mình thì đối tượng phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội giết người với vai trò người xúi giục kích động, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi phạm tội.
Trường hợp, nếu có đủ căn cứ chứng minh “thầy bói” trong quá trình hành nghề mê tín dị đoan chỉ nói chung chung với bà nội và không có hành vi cụ thể xúi giục sát hại cháu bé. Sau đó, từ việc mê tín dị đoan này mà bà nội đã sát hại cháu bé thì đối tượng “thầy bói” sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự quy định về ‘Tội hành nghề mê tín, dị đoan’: Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Nếu phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Thanh Thanh
© 2024 | Thời báo ĐỨC