Vốn giải phóng mặt bằng vành đai 4: Các tỉnh xin hỗ trợ từ 50-75%, riêng TP.HCM 'tự cân đối'

Do có khó khăn về ngân sách khi thực hiện dự án vành đai 4, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai đề nghị trung ương hỗ trợ 50% vốn giải phóng mặt bằng, Long An đề nghị 75% vốn, còn TP.HCM xin tự cân đối vốn.

1 Von Giai Phong Mat Bang Vanh Dai 4 Cac Tinh Xin Ho Tro Tu 50 75 Rieng Tphcm Tu Can Doi

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo phương án xây dựng đường vành đai 4 - Ảnh: T.X

Sáng 5-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo phương án xây dựng đường vành đai 4 tại hội nghị hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Dự án dài khoảng 197,6km đi qua 5 địa phương gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An, có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 127.230 tỉ đồng.

Đường vành đai 4 là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h. Mặt cắt ngang 6-8 làn xe, dự kiến đầu tư trước năm 2030.

Ông Mãi cho biết hiện các địa phương đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thuộc dự án này. Theo đó, thống nhất giải phóng mặt bằng một lần.

Vì khó khăn về nguồn vốn, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai đề nghị trung ương hỗ trợ 50% vốn giải phóng mặt bằng, Long An đề nghị 75% vốn, còn TP.HCM xin tự cân đối vốn.

Trong đó, đoạn qua Long An dài hơn 78km, nếu để Long An làm hết sẽ tốn nhiều vốn. Do đó có thể nghiên cứu phân kỳ.

Theo ông Mãi, trong quá trình chuẩn bị, các địa phương nhận thấy chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư dự án đường vành đai 4, và cơ chế sử dụng ngân sách của địa phương này cho địa phương khác.

Từ đó, Chủ tịch TP.HCM đề nghị chấp thuận giao TP.HCM chủ trì phối hợp các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải các bộ ngành, địa phương để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho vành đai 4 (vận dụng một số cơ chế chính sách đặc thù khi thực hiện vành đai 3).

Các địa phương sẽ cố gắn hoàn thành hồ sơ và trình Quốc hội kỳ họp cuối năm.

Trao đổi về đề nghị hỗ trợ vốn giải phóng mặt bằng của các địa phương, ông Nguyễn Chí Dũng - bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng kế hoạch vốn Trung ương giai đoạn 2026-2030 chưa được Quốc hội phê duyệt, nên phải chờ rất lâu.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần đề nghị cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực xã hội hoá.

Theo ông, vùng Đông Nam Bộ có sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, do đó, cần có cơ chế, chính sách linh hoạt, đa dạng để tháo gỡ khó khăn về vốn.

THẢO LÊ - CHÂU TUẤN

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày