Hình ảnh người tham gia tố cáo Modern Tech lừa đảo 15.000 tỷ lan tràn trên mạng xã hội.
Không có "phép mầu"
Liên quan đến dự án iFan của Công ty Modern Tech, đã có ít nhất 32.000 người tham gia hệ thống tiền ảo iFan có nguy cơ mất 15.000 tỉ đồng. Đáng nói, việc huy động vốn diễn ra với những quảng cáo rầm rộ, công khai, ngay giữa trung tâm TP.HCM nhưng gần như lại thiếu hẳn lời cảnh báo về nguy cơ rủi ro từ phía các cơ quan quản lý đối với người dân. Lý giải gút mắc trên, các chuyên gia kinh tế - tài chính đều cho rằng đó là do "lòng tham đã vượt trên tất cả".
Chuyên gia kinh tế - tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh nhận định, vụ việc xảy ra khiến hầu hết mọi người (từ cơ quan quản lý cho tới người tham gia, kể cả những người không tham gia) đều bị sốc.
"Mô hình tiền ảo đa cấp không phải là một hình thức mới nhưng iFan là một dự án mới, lại hoạt động trong thời gian quá ngắn (chỉ 4 tháng), do đó, rất khó có thể kiểm soát, quản lý được ngay các hoạt động tại công ty này.
Thậm chí, kể cả những hoạt động vi phạm pháp luật đã tồn tại công khai, từ nhiều năm như đánh bạc, cá độ bóng đá... cho tới nay cũng chưa thể ngăn chặn, xóa bỏ được.
Hơn nữa, pháp luật không phải là "phép mầu" có thể chi phối từng hoạt động, hành vi của mỗi cá nhân con người trong xã hội" - vị chuyên gia nhận định.
Tâm lý "không làm vẫn có ăn"
Chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh nói tiếp, từ chỗ nhận thức còn hạn chế cộng với lòng tham quá lớn sẽ khó kiểm soát được hành vi. Việc này cũng giống như người Việt đi chùa để cầu tiền, cầu lộc, cầu may.
Theo đó, khi tham gia hầu hết người chơi đều chỉ nghĩ đến lợi nhuận. iFan cũng như các hình thức đầu tư đa cấp khác đã lợi dụng điểm yếu này của nhiều người Việt để phục vụ cho mục tiêu phát triển của mình.
Với chiêu thức là đưa ra lãi suất thật cao để kích thích lòng tham và trả hoa hồng cao cho người giới thiệu, chỉ trong thời gian ngắn iFan đã thu hút được hơn 32.000 người tham gia với số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng.
Bằng cách phát hành 21 triệu đồng tiền ảo với giá 1,6-2,6 USD/iFan, đồng thời cam kết với nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu nhà đầu tư mời gọi được người khác tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng 8%. Nhà đầu tư tham gia cũng phải mua số lượng iFan có giá trị tối thiểu 1.000 USD (gần 23 triệu đồng) trở lên.
Theo chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh, khi nhìn thấy mức lợi nhuận quá cao và cơ hội kiếm tiền quá dễ, quá nhanh như vậy thì dù pháp luật có cấm cũng chưa chắc đã ngăn được người chơi.
"Bản chất của người Việt vẫn là văn hóa âm tính. Họ vẫn có lối sống mơ mộng, rất kỳ lạ. Họ thích cầu những thứ như không làm vẫn có ăn, vẫn được hưởng vinh hoa phú quý cả đời. Còn trong đầu tư kinh doanh thì thích làm ít mà được hưởng nhiều...
Tất cả là vì lòng tham, để lòng tham chi phối cả lý trí", vị chuyên gia nhận xét.
Khó lấy lại tiền
Không chỉ vụ nhà đầu tư bị mất hơn 15.000 tỉ đồng vào iFan mà có thể trước đó, vụ sập sàn tiền ảo BitConnect (Mỹ) cũng khiến không ít người Việt đổ vốn vào tiền ảo bị mất trắng. Điều đáng tiếc, dù đã có nhiều cảnh báo, nhiều bài học nhưng gần như họ không quan tâm đến dự án đầu tư là gì, hiệu quả ra sao mà chỉ quan tâm đến lãi suất được hưởng là bao nhiêu?
Theo chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh, sau vụ việc có thể hi vọng đây sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những ai quá mải mê, thích chạy theo lợi nhuận. Vì ngoài khả năng khó lấy lại tiền thì họ còn phải đối diện với nguy cơ bị truy tố trước pháp luật về hành vi lôi kéo người khác tham gia để hưởng lợi.
"Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Modern Tech huy động vốn của người dân để đầu tư vào tiền ảo Ifan và Pincoin là giao dịch trái phép và phải bị điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh của Việt Nam, để đưa vụ việc ra truy tố và lấy lại được tiền cho người chơi là rất khó", ông Trịnh Đoàn Tuấn Linh cho biết.
Nguồn: Lam Nguyên/ Baodatviet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC