© Ảnh : Tự Trung/Tuổi TrẻLễ truy điệu ông Trần Quốc Hương
Huyền thoại tình báo Trần Quốc Hương từng làm việc bên cạnh các lãnh tụ của cách mạng Việt Nam như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh… Và dù hai lần bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bắt giam khi 18 tuổi và 34 tuổi, 6 năm chịu tù đày ở nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội và Huế nhưng luôn giữ vững khí tiết cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Ngày 17/6, lễ truy điệu đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đã được tổ chức trang nghiêm tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp, TPHCM) trong niềm tiếc thương vô hạn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các ban ngành, đoàn thể và đông đảo nhân dân.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiễn đưa huyền thoại tình báo Mười Hương
Chiều 15/6, tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (quận Gò Vấp), có hàng chục đoàn quan khách, đại biểu, người dân nối tiếp nhau vào viếng, chia buồn cùng gia đình ông Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương), nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Lễ tang huyền thoại tình báo Trần Quốc Hương do đồng chí Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban lễ tang. Ông có mặt tại lễ đường từ rất sớm, đến hỏi thăm, chia buồn cùng gia quyến đồng chí Trần Quốc Hương. Khi lễ truy điệu sắp bắt đầu, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã tiến lên, chỉnh lại lá quốc kỳ phủ trên linh cữu nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Trong số những lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan đoàn thể đến viếng ông Trần Quốc Hương có đồng chí Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội... Ngoài ra, còn có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng...
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi vòng hoa viếng và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình đồng chí Mười Hương.
© Ảnh : Tự Trung/Tuổi TrẻPhó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân bên linh cữu ông Trần Quốc Hương
Đúng 9h, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong - Trưởng Ban Tổ chức lễ tang, bắt đầu điều hành nghi lễ, tổ chức truy điệu.
“Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây tổ chức lễ truy điệu và đưa linh cữu đồng chí Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương về nơi an nghỉ cuối cùng”, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu.
Đọc điếu văn lễ tang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh chặng đường hoạt động cách mạng và những cống hiên to lớn của ông Trần Quốc Hương với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần vào chiến thắng của dân tộc trong sự nghiệp thống nhất đất nước.
“Trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và gia đình tổ chức trọng thể lễ truy điệu, vĩnh biệt và tiễn đưa đồng chí Trần Quốc Hương, đảng viên cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, một cán bộ chỉ huy tình báo xuất sắc đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc ta”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mở đầu điếu văn.
Trong lời tiễn đưa, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đồng chí Trần Quốc Hương, từ một thanh niên yêu nước, trải qua quá trình rèn luyện, thử thách trong phong trào hoạt động cách mạng vẫn luôn thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của người đảng viên cộng sản, là một nhà lãnh đạo tài năng đức độ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, đã có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, với vai trò chỉ huy tình báo chiến lược, đồng chí Mười Hương đã cùng Ban Địch tình xứ uỷ Nam Bộ, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức mạng lưới tình báo ở miền Nam, góp phần to lớn đưa tới thắng lợi chung của dân tộc.
“Hai lần bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ bắt giam khi 18 tuổi và 34 tuổi, 6 năm bị tù đày ở nhà giam Hoả Lò, Hà Nội và ở Huế. Đồng chí luôn giữ vững khí tiết cách mạng”, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu bật đạo đức sống và tác phong hoạt động cách mạng trong sáng của ông Trần Quốc Hương.
Phát biểu hướng về phía gia quyến của đồng chí Mười Hương, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong cuộc sống, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trần Quốc Hương luôn là người ông, người cha mẫu mực, đức độ, giàu lòng nhân ái và hy sinh. Đối với nhân dân, ông luôn gần gũi, giản dị, quan tâm mọi người…
“Đồng chí Trần Quốc Hương của chúng ta không còn nữa! Một trái tim giàu nhiệt huyết cách mạng đã ngừng đập. Tham gia cách mạng từ khi 13 tuổi, bị thực dân Pháp tù đầy từ khi 18 tuổi, vào Đảng khi 19 tuổi, với 97 năm tuổi đời, 77 năm tuổi Đảng, đồng chí Trần Quốc Hương đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, giữ vững nguyên tắc, dũng cảm, tận tụy, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân cả nước kính trọng, học tập và noi theo”, Bí Thư Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, huyền thoại tình báo Mười Hương cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là người đảng viên cộng sản kiên cường, gương mẫu, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, là một nhà lãnh đạo đức độ và tài năng.
“Đặc biệt với vai trò chỉ huy tình báo chiến lược, ông đã cùng Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức mạng lưới tình báo ở miền Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc. Vĩnh biệt đồng chí, chúng tôi nguyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kết luận.
Sau điếu văn, hội trường dành một phút mặc niệm cho người đã khuất, nhớ về người chiến sĩ tình báo chiến lược Mười Hương, người thầy của những nhà tình báo huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
“Chú Mười Hương đã ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến của chú cho sự nghiệp cách mạng mãi mãi in đậm trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta nói chung và trong lịch sử ngành tình báo Việt nam nói riêng, trong lòng cán bộ, đảng viên và người dân cả nước. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Trần Quốc Hương”, điếu văn viếng nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết.
Đại diện gia quyến ông Trần Quốc Hương sau đó có phát biểu bày tỏ lòng cảm ơn sự quan tâm, tận tình chăm sóc của Đảng, Nhà nước và đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế trong những ngày cuối đời của ông Trần Quốc Hương.
“Tại tang lễ trang trọng này, gia đình chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các đại biểu, cơ quan, tổ chức, anh em, bạn bè, thân bằng, cố hữu”, đại diện gia đình cho biết.
Cuối buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong - Trưởng ban Tổ chức lễ tang, mời các đại biểu đi vòng quanh linh cữu tiễn đưa ông Trần Quốc Hương về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đúng 9h30, linh cữu ông Trần Quốc Hương được đưa lên xe tang, bắt đầu lễ đi quan, tiến về nơi an nghĩ tại Nghĩa trang TP.HCM (quận Thủ Đức, TPHCM).
Vĩnh biệt đồng chí Trần Quốc Hương, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam
Cuốn sách “Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành.
Chia sẻ trong sổ tang, Thường trực Bí thư Trần Quốc Vượng bày tỏ, Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, dù ở bất cứ cương vị công tác, hoàn cảnh nào, và ngay trong hoàn cảnh khốc liệt trước kẻ thù, đồng chí Trần Quốc Hương luôn giữ vững phẩm chất, ý chí, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, không ngừng phấn đấu cho sự nghiệp mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.
“Đồng chí là người có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của, dân tộc và lực lượng tình báo Việt Nam”, Thường trực Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ, gần một tháng trước, ông vào thăm ông Mười Hương ở Bệnh viện Thống Nhất. Ông Triết rất thương khi nhìn ông Hương nằm, thở máy mệt nhọc.
“Nay anh đã ra đi. Anh ra đi để lại bao đau thương, tiếc nuối cho mọi người. Nhưng riêng anh chắc thanh thản, tự hào về những năm tháng đã sống, chiến đấu”, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết.
Về phần mình, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngậm ngùi chia sẻ nỗi đau cùng gia đình và tiếc thương trước mất mát to lớn của dân tộc trước sự ra đi của một người con ưu tú.
“Vô cùng thương tiếc vĩnh biệt đồng chí Trần Quốc Hương, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ công an kiên trung, bất khuất. Cả cuộc đời đồng chí phấn đấu vì nước vì dân. Người cán bộ ưu tú, tài năng, có nhiều đóng góp lớn trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Xin kính cẩn tiễn biệt đồng chí – một nhân cách lớn. Xin chia buồn sâu sắc cùng gia quyến”, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong số các vị khách viếng đồng chí Mười Hương hôm nay còn có ông Hồ Hữu Nhựt (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Thanh niên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam). Ông Nhựt có thời gian hoạt động từ năm 1972 đến năm 1975 cùng ông Mười Hương.
“Anh là người anh, người bạn chính trực. Những ngày đó, tôi và anh Mười Hương, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Linh thường họp cùng nhau. Sau này thống nhất, anh ấy ra Trung ương nên chúng tôi xa nhau, nhưng mỗi lần gặp lại thì rất thân thiết”, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Thanh niên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chia sẻ.Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của huyền thoại tình báo Trần Quốc Hương
Đồng chí Trần Quốc Hương, bí danh Mười Hương, tên khai sinh là Trần Ngọc Ban. Ông sinh năm 1924, quê xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Tham gia cách mạng từ năm 1937, ông hoạt động trong Đoàn Thanh niên Dân Chủ, Phản Đế và sau đó là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Năm 1942, trong cuộc đấu tranh ủng hộ Liên Xô, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, Hà Nội.
Năm 1943, ông ra tù và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi hoàn tất lớp học do Xứ ủy mở, ông được phân công về làm Tỉnh ủy viên, Tỉnh ủy Phúc Yên.
Năm 1954, ông Mười Hương được điều động vào Nam bộ làm Ủy viên rồi làm Phó ban Địch tình của Xứ ủy Nam bộ. Tháng 6/1958, ông bị Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở Huế. Tháng 5/1964, ông ra tù.
Trong vai trò là người tổ chức mạng lưới tình báo miền Nam, ông là thầy, vừa là cấp trên của những nhà tình báo nổi tiếng: Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thuý , Phạm Ngọc Thảo.
Sau khi giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Hương lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó trưởng ban tổ chức Trung ương, Phó bí thư Thành ủy TP HCM; Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Ông Hương là Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến khóa VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa VI. Ông được trao tặng Huân chương sao vàng, huân chương quân công hạn nhất, huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.
Hôm 11/6, ông Mười Hương qua đời tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), hưởng thọ 96 tuổi. Lễ viếng ông Trần Quốc Hương từ 14h ngày 15/6, truy điệu và di quan lúc 9h ngày 17/6. Ông yên nghỉ tại nghĩa trang TP. HCM.
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng chí Trần Quốc Hương là cấp trên trực tiếp của các nhà tình báo cộng sản huyền thoại của Việt Nam như Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn. Chính ông cùng Đại tướng Mai Chí Thọ đã quyết định đưa Phạm Xuân Ẩn sang Hoa Kỳ học báo chí vì thấy Phạm Xuân Ẩn có khiếu hài hước, dễ hòa nhập với tính cách người phương Tây.
Hôm nay, Tướng tình báo Mười Hương - người thầy của những nhà tình báo huyền thoại đã mãi mãi về nơi an nghỉ cuối cùng, nhưng những cống hiến và hy sinh của ông còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Một người con ưu tú vừa về với đất mẹ…
Nguồn: vov.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC