Các máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay Tân Sơn Nhất, 1/12/2021 (Photo by Nhac NGUYEN / AFP).
Theo tin của Reuters về vấn đề này, hồi năm 2021, Vietnam Airlines vay 4 nghìn tỷ đồng (157 triệu đô la) với lãi suất thấp từ các ngân hàng thương mại và được Ngân hàng Nhà nước làm thủ tục tái cấp vốn với lãi suất 0%.
Hiện nay, hãng hàng không quốc gia đang vật lộn với những khó khăn tài chính do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cơ quan báo chí Việt Nam và nước ngoài mô tả, dẫn lại tờ trình của chính phủ.
Tờ trình cho biết thêm rằng Vietnam Airlines chưa hoàn thành các nỗ lực tái cấp vốn, chẳng hạn như tái cơ cấu các khoản đầu tư không cốt lõi và bán ra các cổ phiếu mới tuân theo các điều khoản được phê duyệt, tin của Reuters viết.
Các báo Việt Nam, trong đó có Thanh Niên và VnExpress, tường thuật rằng chính phủ Việt Nam nêu rõ trong tờ trình là nếu Vietnam Airlines không được gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn, hãng sẽ phải đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán từ tháng 7 sắp tới, có nguy cơ không thực hiện được các cam kết với các bên cho thuê máy bay, các đối tác cung cấp dịch vụ, dẫn đến Vietnam Airlines có thể bị kiện, giảm uy tín với các đối tác.
Ngoài ra, chính phủ cảnh báo rằng hãng cũng sẽ phải chịu các chi phí tài chính phát sinh do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn, hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Qua tờ trình, chính phủ đề nghị các đại biểu Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay.
Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.
Về đề nghị này của chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội “cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines”, các báo Việt Nam tường thuật.
Nguồn: VOA
© 2024 | Thời báo ĐỨC