VietJet của tỷ phú Phương Thảo thua kiện FitzWalter Capital, phải bồi thường 270 triệu USD

Hãng hàng không VietJet của nữ tỷ phú Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo vừa thua kiện trước tập đoàn đầu tư FitzWalter Capital và đối mặt với việc phải bồi thường 270 triệu đô la cũng như phải trả lại 4 máy bay, Fountain Court, The Australian Financial Review, ch-aviation và một số trang nước ngoài cho biết trong các ngày từ 1 đến 4/8.

1 Vietjet Cua Ty Phu Phuong Thao Thua Kien Fitzwalter Capital Phai Boi Thuong 270 Trieu Usd

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VIETJET

Trong một thông cáo gửi đến VOA qua email vào sáng 6/8, VietJet “khẳng định sẽ kháng cáo” và bày tỏ “Hãng chắc chắn rằng công lý sẽ chiến thắng và quyết định cuối cùng sẽ công bằng cho hãng hàng không trong phiên tòa dự kiến đưa ra vào năm 2025”.

VietJet nói thêm rằng việc tranh chấp thương mại là điều thông thường trong hoạt động của doanh nghiệp và “không ảnh hưởng tới hoạt động của VietJet”.

Như VOA đã đưa tin, trong nhiều tháng nay, FitzWalter Capital có trụ sở ở London, Anh, đã kiện VietJet tại các tòa án ở London, Hà Nội và Singapore vì hai bên có tranh chấp về 4 chiếc máy bay Airbus.

Hồi tháng 2, Reuters tường thuật rằng hãng cho thuê máy bay FitzWalter Aviation (FWA), thuộc tập đoàn FitzWalter Capital, tuyên bố rằng VietJet “mất khả năng thanh toán tiền thuê máy bay” kể từ năm 2021.

Các vụ kiện trước thời điểm tháng 2 đã đi đến những phán quyết có lợi cho FitzWalter và ông chủ của tập đoàn này là Ben Brazil, theo The Australian Financial Review, ch-aviation và một số trang thông tin quốc tế. Nhưng VietJet và một số hãng liên quan đến nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã hành xử “không phù hợp” để cản trở các phán quyết đó.

Fountain Court, The Australian Financial Review và các trang tin nước ngoài cho biết rằng hôm 31/7, sau 2 tuần xét xử trong tháng 6, Thẩm phán Tòa Thượng thẩm Anh Simon Picken cũng ra quyết định là FitzWalter thắng kiện. Ông Picken phát biểu rằng VietJet trong nhiều năm “đã dàn xếp và thực hiện một chiến dịch ở Việt Nam có chủ ý can thiệp vào” các nỗ lực của FitzWalter nhằm thu hồi các máy bay.

Vẫn The Australian Financial Review mô tả rằng ông Ben Brazil, người thành lập FitzWalter vào năm 2021, đã xuất hiện trong tư thế người chiến thắng khi bước ra khỏi tòa án.

Theo tường thuật của The Australian Financial Review, ch-aviation và một số trang tin, Thẩm phán Picken chỉ rõ thời điểm “bất thường” mà công ty Silva Star, do bà Thảo kiểm soát, đã tìm cách đề nghị nhà chức trách ngăn cản việc đưa máy bay rời khỏi Việt Nam. Ông Picken nhận thấy rằng để củng cố cho đề nghị của họ, Silva Star đã cung cấp các tài liệu mà “một cổ đông thiểu số của VietJet lẽ ra không được sở hữu, bao gồm cả các tài liệu bí mật/không công khai liên quan đến các máy bay”.

Sau khi vấn đề về mức độ liên kết với VietJet bị chỉ ra, Silva Star đã không tham gia tố tụng nữa mà thay bằng hai hãng khác là Công ty Bất động sản Universe Land Việt Nam và Mango Trading – đều có liên quan đến bà Thảo.

Tòa Thượng thẩm Anh cũng nhận được thông tin rằng hãng VietJet đã vận động các quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam, hãng nói với các quan chức rằng sẽ không hợp pháp nếu cho phép 4 chiếc Airbus rời khỏi Việt Nam, dù trước đó hãng đã đồng ý để cho các máy bay lên đường và thừa nhận việc đó không trái pháp luật.

Ông Jonty Nel, giám đốc điều hành hãng cho thuê máy bay thuộc FitzWalter, nói rằng phán quyết mới nhất đã minh oan cho hãng của ông: “Với việc chiếc máy bay đầu tiên trong số 4 chiếc đã rời khỏi Việt Nam, sau khi được các cơ quan hữu quan của chính phủ Việt Nam cho phép, quyết định này của tòa án cho thấy hành động của VietJet kể từ khi chấm dứt hợp đồng thuê đã đi ngược lại với hệ thống quốc tế có hiệu lực, hợp pháp và phù hợp về việc sở hữu, cho thuê và vận hành máy bay”.

Về phía VietJet, hãng cho hay trong thông cáo gửi đến VOA rằng các luật sư của hãng “nhận thấy một số hiểu lầm trong phản ánh ban đầu của tòa án về các sự kiện và tình tiết quan trọng của vụ việc”.

VietJet được nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thành lập năm 2007 và bắt đầu chuyến bay đầu tiên trong năm 2011, sau đó trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, có đường bay đến 5 thành phố ở Australia và một số nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, hãng gặp khó khăn trong thời kỳ đại dịch COVID-19, dẫn đến việc họ không thanh toán tiền thuê 4 chiếc máy bay Airbus và FitzWalter đã cố thu hồi chúng kể từ thời điểm đó.

VietJet nói qua bản thông cáo rằng họ “không đồng ý việc các ngân hàng đột ngột chấm dứt không hợp lệ những hợp đồng vay, thuê mua dài hạn, ổn định của hãng, đúng vào lúc đại dịch lên tới đỉnh điểm”.

Thông cáo viết rằng “lấy cớ từ một khoản tiền thuê-mua chưa tới 7,4 triệu đô la Mỹ, là một kỳ thanh toán cho 4 tàu bay mà hãng đã đạt được thoả thuận giãn thanh toán, các ngân hàng đã đột ngột chấm dứt không hợp lệ hợp đồng thuê-mua ổn định, dài hạn đang có với hãng hàng không và bán các khoản vay cho FWA”.

Hãng hàng không của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng các ngân hàng “có dấu hiệu không ngay tình trong thủ tục bán nợ, thông đồng với bên mua nợ cũng là các cựu quan chức ngân hàng”.

Dưới con mắt của VietJet, các ngân hàng đã bán nợ cho FWA mà hãng cho rằng là một pháp nhân “không đủ tiêu chuẩn và xử lý tài sản bảo đảm là máy bay không qua đấu giá minh bạch, ảnh hưởng quyền lợi của bên đi vay”.

VietJet nhấn mạnh rằng luật sư của hãng “bác bỏ mọi cáo buộc từ FWA” và rằng thông qua luật sư, hãng khẳng định “luôn thiện chí trao đổi thương mại” cũng như “có khả năng tài chính”, đã “nhiều lần đề nghị tiếp tục trả tiền thuê hoặc mua lại máy bay”, nhưng FWA “không hợp tác”.

VietJet đã phục hồi sau đại dịch và hiện có giá trị vốn hóa thị trường là hơn 3,5 tỷ đô la trên sàn chứng khoán của thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: VOA


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày