Lịch bikini năm 2018 mà hãng Vietjet Air gửi tặng khách hàng
Mạng xã hội hôm 28/1 có rất nhiều phê phán hình ảnh các người mẫu diện bikini trên chuyến bay Vietjet Air chở đội tuyển U23 Việt Nam từ Thường Châu, Trung Quốc về sân bay Nội Bài.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho hay việc Vietjet tổ chức sự kiện này trên máy bay vướng vào hoạt động diễn thời trang mà chưa xin phép, và cũng liên quan lĩnh vực hàng không.
Vì vậy, Bộ này chuyển vụ việc sang cho Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam để xử lý vi phạm trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Bình luận vụ việc, một giảng viên nói vụ Vietjet cho người mẫu mặc bikini là "chiến dịch truyền thông thất bại" trong lúc một chuyên gia nói hãng bay "theo tư duy lỗi thời".
Trước đó, thông cáo của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet ghi: "Đây là sự trình diễn ngẫu hứng của các diễn viên, tiết mục này không nằm trong chương trình của công ty mà tự phát từ ban tổ chức hậu cần chuyến đi."
'Truyền thông của hãng thất bại'
Trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt hôm 29/1, bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học ở Hà Nội, nói: "Theo quan điểm của tôi, vụ Vietjet cho người mẫu mặc bikini chỉ là chiến dịch truyền thông thất bại của họ."
"Hãng này sẽ phải hứng chịu sự không ủng hộ của khách hàng và gánh chịu thiệt hại kinh tế."
"Nhưng tôi nghĩ điều khiến người ta phẫn nộ nhiều hơn là do lời xin lỗi không thành khẩn của bà tổng giám đốc Vietjet đổ lỗi cho người mẫu diễn bikini tự phát."
"Cái chính khiến công chúng bực bội là vì hãng bay để các cô gái lên quảng cáo trên chuyến bay đón U23 trong bối cảnh không phù hợp về văn hóa và đạo lý."
"Còn việc Cục Hàng không cũng như Bộ Văn hóa-Thông tin vào cuộc nói rằng họ sẽ làm rõ vụ này thì tôi cho rằng đây là động thái làm trầm trọng hóa vấn đề."
Vietjet Air được mệnh danh là "hàng không bikini"
'Tư duy lỗi thời'
Cùng thời điểm, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận, nói với BBC: "Cá nhân tôi cho rằng vụ diễn bikini trên máy bay đón U23 là một việc phản cảm, thậm chí thô tục, khiến người ta liên tưởng tới những không gian quán bar rẻ tiền. Nếu bản thân tôi ở trên chuyến bay đó, tôi sẽ thấy khó chịu và có cảm giác bị quấy rối."
"Dường như Vietjet vẫn đi theo tư duy đã lỗi thời và không còn văn minh rằng để vui vẻ thì phải liên quan tới cơ thể phụ nữ hở hang, gợi dục."
"Tôi hoàn toàn đồng cảm với sự phẫn nộ của nhiều người."
"Tuy nhiên, tôi phản đối việc một số người quay ra mạt sát những cô gái mặc bikini trên máy bay, hay mạt sát, lăng nhục lãnh đạo Vietjet. Đó cũng là những hành vi thiếu văn minh không kém. Chúng ta có thể phản đối gay gắt một hành vi nào đó mà không cần phải hạ nhục chủ nhân của hành vi đó."
Bình luận sau trận đấu U23 Việt Nam - Qatar
"Tuy coi việc làm của Vietjet là rẻ tiền và không tôn trọng hành khách trên chuyến bay, tôi cũng cho rằng chính quyền không nên can thiệp qua các động thái như phạt hành chính, yêu cầu giải trình…"
"Các công dân, tổ chức hoàn toàn có quyền kiện Vietjet ra tòa nếu họ cho rằng hành động của hãng hàng không này làm tổn hại tới họ. Và hãng bay này cần được có quyền bảo vệ mình trước pháp luật. Nhưng chính quyền cần hành xử theo pháp luật, không nên chạy theo cảm xúc của mạng xã hội hay của bất cứ nhóm người nào khác."
"Tôi cũng thấy lời xin lỗi/giải thích của lãnh đạo Vietjet về vụ việc không thuyết phục và nó phản ánh văn hóa doanh nghiệp kém cỏi và không xứng tầm với một doanh nghiệp lớn như vậy."
Đề cập về các hoạt động chào mừng U23 ở Hà Nội trong hôm 29/1, bà Hoàng Ánh nói thêm: "Tôi cũng không tán thành các hoạt động đón mừng U23 mà có vẻ như không quan tâm đến tình trạng sức khỏe của các cầu thủ đang mệt mỏi vì ngủ muộn sau trận đấu vì phải trả lời phỏng vấn báo chí, bị quấy rối trên máy bay rồi phải tham dự các hoạt động chào mừng đến nửa đêm mà không được ăn uống đàng hoàng."
"Không chỉ doanh nghiệp, nhà tài trợ ăn theo mà các chính trị gia cũng xông vào theo."
"Lẽ ra thủ tướng muốn gặp đội U23 thì gặp sau cũng được, cho các cầu thủ nghỉ ngơi trước đã."
Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Giang có ý kiến: "Thể thao chưa bao giờ độc lập với chính trị, điều này được thể hiện trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông và Tây Âu, và là lý do ngày nay Trung Quốc, Mỹ, Nga hay Bắc Hàn đầu tư vào thể thao như một vũ khí của chính trị, ngoại giao, quyền lực mềm."
"Người yêu thể thao và hoạt động trong lĩnh vực thể thao cần lưu ý để mình không hoàn toàn trở thành con bài của chính trị. Thứ hai, ở bất cứ quốc gia nào, sẽ có rất ít trường hợp người dân xuống đường vì những vấn đề xã hội đông đảo như khi ăn mừng bóng đá; chúng ta không nên có kỳ vọng này."
"Người dân yêu mến đội tuyển U23 vì họ nhìn thấy ở các cầu thủ tình yêu công việc, sự khiêm tốn, trách nhiệm, tình đoàn kết đi kèm với say mê, kiên cường và tài năng."
"Ở Việt Nam, hơi khó để tìm thấy các phẩm chất này, ở mức độ tập trung như vậy, trong các lĩnh vực khác."
"Tôi hy vọng qua tấm gương của đội tuyển U23, những phẩm chất này sẽ được lan truyền, nẩy nở, sẽ gây cảm hứng; thay vì cá nhân các cầu thủ bị thui chột bởi chính trị, bởi toan tính thị trường và các âm mưu trục lợi của các doanh nghiệp và truyền thông."
Tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Vietjet giải thích do muốn tạo sự bất ngờ cho các cầu thủ nên Công ty đã không thông báo chương trình cho mọi người có mặt trên chuyến bay.
Và do thời gian tổ chức chuyến bay gấp, Công ty chưa báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Thể dục thể thao), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam về nội dung chương trình.
Bản tin của Bộ Văn hóa nói Vietjet thông báo đã "kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc cũng như kỷ luật các nhân sự liên quan".
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC