Việt Nam và Mỹ hợp tác khai thác trí tuệ nhân tạo cho ứng dụng y tế

Ngày 10/9, tại TP.HCM đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác y tế giữa Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford (ViRx@Stanford-Vietnam) và Viện nghiên cứu Tâm Anh thuộc Hệ thống BVĐK Tâm Anh.

1 Viet Nam Va My Hop Tac Khai Thac Tri Tue Nhan Tao Cho Ung Dung Y Te

Ký thoả thuận hợp tác y tế giữa hai bên. Ảnh: BVTA

Thỏa thuận được xây dựng trên khuôn khổ hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam.

Theo đó, Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford và Viện nghiên cứu Tâm Anh sẽ đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực: Nâng cao năng lực công nghệ nghiên cứu sinh học tại Việt Nam qua việc xây dựng hệ thống thử nghiệm lâm sàng và các phòng nghiên cứu hiện đại; đào tạo về khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) cho ứng dụng y tế; nghiên cứu phát triển thuốc mới phòng chống sốt xuất huyết; nghiên cứu về tỷ lệ lây nhiễm và tầm soát virus HDV viêm gan D tại Việt Nam.

Giáo sư Jeffrey S. Glenn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford cho biết: "Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford là sáng kiến của các nhà khoa học Stanford với mục tiêu chung sức tìm ra các phương án phòng chống dịch bệnh, không chỉ là Covid-19. 

Từ đại dịch này, nhân loại đã quan tâm hơn đến các vấn đề vi sinh và chống dịch, cũng như việc phát hiện và điều trị các bệnh lý, trong đó có bệnh lý đặc biệt nguy hiểm như ung thư…, từ đó có nhiều điều kiện và quyết tâm thúc đẩy các nghiên cứu phương án chống dịch, điều trị bệnh. Việc đưa các nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng thuốc mới về Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để người dân Việt Nam sớm tiếp cận với những phương pháp chữa bệnh mới và tốt trên thế giới."

2 Viet Nam Va My Hop Tac Khai Thac Tri Tue Nhan Tao Cho Ung Dung Y Te

Hai bên hợp tác đưa ứng dụng AI vào y tế. Ảnh: BVTA

Tiến sĩ Lương Minh Thắng - cố vấn cấp cao AI của Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford cho biết, trí tuệ nhân tạo đã mở ra kỷ nguyên mới cho loài người khi tận dụng những trí tuệ lớn của nhân loại để đề xuất những ứng dụng mới, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Do đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các nghiên cứu khoa học sẽ góp phần rút ngắn thời gian nghiên cứu, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Từ đó, quá trình nghiên cứu phát triển thuốc, vaccine được tiết giảm thời gian và giảm giá thành.

GS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu Tâm Anh cho biết, hai bên đã đi đến đàm phán để thống nhất kế hoạch hành động trước mắt và lâu dài trong việc nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng thuốc mới và các phương pháp chẩn đoán bệnh…

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày