'Việt Nam thuộc nhóm sản xuất chủ chốt ở châu Á của Uniqlo'

Với 80 nhà máy đối tác và 240.000 lao động liên quan, Tổng giám đốc Uniqlo nói Việt Nam là một trong các nhà sản xuất chủ chốt ở châu Á của thương hiệu này.

Thông tin được ông Nishida Hideki, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, chia sẻ mới đây. "Từ các nhà máy đối tác địa phương, sản phẩm 'Made in Vietnam' được phân phối tới hơn 2.400 cửa hàng trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của chúng tôi", ông nhìn nhận. Năm ngoái, hơn 50% các sản phẩm được bán trong các cửa hàng Uniqlo ở Việt Nam cũng được sản xuất bởi người Việt.

Nhận định của ông Nishida được đưa ra trong bối cảnh các sản phẩm thời trang nói chung sản xuất ở Việt Nam ngày càng có thị phần đáng kể tại các thị trường lớn thế giới.

Theo số liệu của công ty chứng khoán Mirae Asset, thị phần thời trang xuất xứ Việt Nam tại Mỹ và Nhật Bản năm 2022 lần lượt 18,3% và 15,6%, tăng tương ứng so với mức 17,6% và 14,1% vào 2021. Tại Hàn Quốc, thị phần chiếm đến 31,1%.

1 Viet Nam Thuoc Nhom San Xuat Chu Chot O Chau A Cua Uniqlo

Ông Nishida Hideki, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam. Ảnh công ty cung cấp

Quần áo Uniqlo vốn được gia công ở Việt Nam từ lâu trước khi chuỗi này mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM năm 2019. Theo đó, công ty mẹ Fast Retailing đã đặt hàng các nhà cung ứng Việt Nam hơn 20 năm. Hiện khoảng 240.000 lao động người Việt đang trực tiếp và gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất này.

Đối tác Việt Nam được xem là có năng lực cao. Nhiều sản phẩm cốt lõi, đòi hỏi quy trình tiên tiến của thương hiệu Nhật Bản này đều được làm ra tại đây. Ví dụ như dòng sản phẩm áo khoác phao lông vũ siêu nhẹ (ULD), trang phục giữ nhiệt bằng công nghệ độc quyền (HEATTECH) hay áo khoác giả lông cừu, sử dụng chất liệu 100% tái chế từ chai nhựa PET.

Để triển khai, Fast Retailing cử các Takumi (chuyên gia dệt may của tập đoàn) đến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và đảm bảo đối tác đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu độc lập về chất lượng và an toàn sản phẩm. Không chia sẻ cụ thể về kế hoạch sắp tới nhưng ông Nishida khẳng định cam kết tiếp tục mở rộng và tăng tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống cửa hàng tại Việt Nam.

Bối cảnh kinh tế nhiều biến động, Uniqlo vẫn mở thêm 7 cửa hàng năm nay, nâng tổng số lên 22. Trong đó, mới nhất là cửa hàng độc lập nằm ở vị trí đắc địa nhìn ra hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) cải tạo từ một tòa nhà cổ.

Ông Nishida Hideki nói kết quả kinh doanh vẫn phù hợp với kế hoạch phát triển dài hạn mà Fast Retailing đã đặt ra. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm tài chính kết thúc tháng 8/2023 mới đây, Fast Retailing có lợi nhuận ròng 296 tỷ yen (hơn 1,9 tỷ USD), tăng hơn 8% so với cùng kỳ nhờ doanh thu kỷ lục 2.770 tỷ yen (gần 18,6 tỷ USD), tăng 20%.

Riêng thị trường Uniqlo Hàn Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ và Australia được công bố kết quả chung, với doanh thu gần 450 tỷ yen (khoảng 3 tỷ USD) và lợi nhuận hoạt động hơn 78 tỷ yen (trên 518 triệu USD), tăng trưởng lần lượt 46,1% và 36,4%.

"Khu vực Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, đang cho thấy tiềm năng tăng trưởng ấn tượng. Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng ở đây", ông Nishida Hideki đánh giá.

Thương hiệu này có khoảng 1.000 nhân sự đang vận hành cho chuỗi bán lẻ ở Việt Nam, trong đó, 70% các cửa hàng trưởng là người Việt. Tổng giám đốc Nishida đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này thời gian tới, đồng thời muốn mỗi cửa hàng sẽ có một nhân sự là người khuyết tật để tạo ra nơi làm việc hòa nhập, cơ hội phát triển cho mọi người.

Ông Nishida Hideki là Tổng giám đốc thứ hai của Uniqlo Việt Nam, tiếp quản vị trí điều hành từ người tiền nhiệm Osamu Ikezoe cuối tháng 2. Ông đến đây lần đầu khoảng 4 năm trước. "Thật trùng hợp, đó cũng là thời điểm cửa hàng đầu tiên khai trương, với hàng nghìn khách hàng xếp hàng nhiều ngày liền. Hình ảnh đó luôn truyền cảm hứng cho tôi về Việt Nam", ông nói.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông đặt mục tiêu đưa nhà bán lẻ thời trang này trở thành thương hiệu uy tín đứng đầu thị trường. Để triển khai, ông áp dụng công thức 4C: customer service" (dịch vụ khách hàng); confidence of LifeWear (tự tin vào sản phẩm Lifewear); contribution to society (đóng góp cho xã hội) và challenge spirit (tinh thần thử thách).

"Tôi tin rằng quanh mình luôn có những người đồng hành đáng tin cậy, thay vì thấy áp lực thì tôi tận hưởng hành trình này tại Việt Nam", ông nói.

Uniqlo là thương hiệu lớn nhất trong 8 thương hiệu thuộc tập đoàn bán lẻ Fast Retailing, sáng lập bởi tỷ phú giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai. Tính đến 15/11, Fast Retailing có vốn hóa 11.749 tỷ yen (77,8 tỷ USD). Tổng số cửa hàng của toàn bộ các thương hiệu trực thuộc Fast Retailing hiện đạt gần 3.600 cửa hàng, trong đó, Uniqlo có 2.400 cửa hàng.

Viễn Thông

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày