Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Khoa học – Công nghệ Chu Ngọc Anh, hai cán bộ cao cấp dính chàm trong đại án Việt Á
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo Chính phủ chuẩn bị đề án tăng lương cơ sở trong nhiều năm qua và sau khi được Quốc hội phê chuẩn hôm 29/6, kể từ ngày 1/7 năm nay Việt Nam sẽ tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân trong khu vực Nhà nước lên 30%.
, theo tìm hiểu của VOA.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói phải chống tham nhũng ở Việt Nam theo phương châm làm sao để cán bộ, công chức ‘không muốn, không thể và không dám’ tham nhũng. Trong đó, ‘không muốn’ tham nhũng là khi cán bộ, công chức có mức lương tốt, đủ lo cho gia đình, để có thể yên tâm công tác.
Tính lương theo hệ số
Mức tăng này là tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng. Mức lương cơ sở là cơ sở để nhân lên theo hệ số của mỗi người tùy theo chức vụ, chuyên môn, bằng cấp, thâm niên… thành mức lương hàng tháng.
Chẳng hạn, một sinh viên tốt nghiệp mới đi làm có hệ số lương được quy định là 2,34. Với mức lương mới kể từ ngày 1/7 người này sẽ được trả 5.475.600 đồng/tháng, tức là khoảng 220 đô la Mỹ, so với 4.212.000 đồng trước đây.
Mức lương này thật ra còn chưa bằng lương công nhân không có bằng cấp đi làm trong các nhà máy, khu công nghiệp, vốn dao động từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng, theo tìm hiểu của VOA. Tuy nhiên, ngoài lương thì nhân viên khu vực nhà nước còn có các khoản phụ cấp khác.
Hệ số 2,34 chưa phải là thấp nhất trên bảng lương ở Việt Nam. Công chức nhóm C3, bậc 1, có hệ số lương là 1,35 mà nhân lên chỉ là 3.159.000 đồng/tháng, tức là chỉ vào khoảng 125 đô la.
Các chức danh lãnh đạo như Tổng bí thư, Chủ tịch nước được tính hệ số lương 13 sẽ có mức lương mới là 30,42 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 1.200 đô la, còn hệ số lương của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội là 12,5, nhân với mức lương cơ sở thành 29,25 triệu đồng/tháng, tức là chưa tới 1.200 đô la Mỹ.
Còn lương một vị bộ trưởng với hệ số 10,3 sau khi tăng sẽ là 24.102.000 đồng/tháng, tức là chưa tới 1.000 đô la/một tháng.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong đại án bộ xét nghiệm Việt Á đã nhận tội nhận hối lộ 2,25 triệu đô la, còn bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Ngân hàng Nhà nước, bị cáo buộc đã nhận 5,2 triệu đô la từ bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, để bao che cho các sai phạm của ngân hàng SCB.
Để chuẩn bị cho việc cải cách tiền lương này, Chính phủ Việt Nam đã để dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng, tức là trên 27 tỷ đô la Mỹ, phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc họp hôm 20/5, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ cho biết.
‘Đủ sống đến có dư’
Trao đổi với VOA với điều kiện giấu tên do tính chất nhạy cảm của vấn đề, thẩm phán một tòa án nhân dân cấp huyện ở đồng bằng sông Cửu Long, cho biết sau khi được tăng, mức lương tổng cộng hàng tháng của ông, bao gồm lương và các khoản phụ cấp, là hơn 20 triệu đồng/ tháng.
Hệ số lương của ông hiện nay là ‘hơn 5 chấm’, ông cho biết, và mức lương hơn 20 triệu đồng đã bao gồm công tác phí, tiền điện thoại, phụ cấp thâm niên. Ngoài ra, ông còn được trả phụ cấp chức danh thẩm phán mà ông gọi là ‘tiền dưỡng liêm’ được tính bằng 25% trên tổng số mức lương được hưởng.
Theo lời ông thì tất cả nhân viên tại tòa án của ông đều được nhận ‘tiền dưỡng liêm’ này, mà dao động từ 20% đến 30% tùy theo nghạch thẩm phán.
Khi được hỏi mức lương hơn 20 triệu đồng này có đủ sống cho gia đình ông với hai vợ chồng và hai đứa con trong độ tuổi đi học ở một tỉnh lẻ của Việt Nam hay không, vị thẩm phán này cho biết hai vợ chồng ông đều đi làm và không phải thuê nhà nên thu nhập là ‘đủ sống đến có dư’.
“Ông bà có nói ‘Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm’,” ông giãi bày. “Mức thu nhập và chi tiêu ở Việt Nam thì khoảng tầm trên dưới 10 triệu thì có thể nuôi bản thân và lo cho 1 đứa con học phổ thông với mức sống trung bình với điều kiện không phải thuê nhà.”
Về cảm nghĩ khi được tăng lương 30%, ông nói ‘cũng không có gì phấn khởi’ vì sau hai năm 2021-2022 không được tăng lương do đại dịch COVID-19 thì mức tăng 30% này trong một năm ‘cũng là thỏa đáng’. Trước dịch, hàng năm Nhà nước đều tăng lương cơ sở khoảng 10%, ông cho biết.
‘Cán bộ cao cấp vẫn sẽ tham nhũng’
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển và là một nhà bất đồng chính kến, nhận định rằng việc tăng lương này ‘không có tác dụng gì’ trong việc phòng, ngừa tham nhũng trong hàng ngũ các cán bộ cấp cao.
Theo lời ông thì mức lương bộ trưởng sau khi tăng vào khoảng 24 triệu đồng/tháng ‘chỉ bằng hay nhiều hơn một chút lương của một kỹ sư máy tính ở các công ty tư nhân hay nước ngoài’.
“Tham nhũng thường xảy ra ở những cán bộ ở cấp cao. Nếu tăng lương lên 30% ở cấp giám đốc Sở, chủ tịch thành phố thì vẫn chưa thấm tháp gì so với những người nắm giữ các vị trị tương đương ở các doanh nghiệp,” ông A giải thích.
Khi được hỏi trong điều kiện ngân sách của Việt Nam thì liệu quốc gia này có khả năng tăng lương lên rất nhiều cho cán bộ cấp cao để phòng ngừa tham nhũng hay không, ông A nói: “Bây giờ nếu tính bỏ số tiền để giảm tham nhũng mà số tiền đấy để bù cho những người là quan chức cấp cao [để họ khỏi tham nhũng] thì là thừa. Cho nên tôi nghĩ đấy không phải là vấn đề tài chính.”
Ông giải thích cho dù có tăng lương cho một bộ trưởng lên 100 triệu đồng/tháng, tức 1,2 tỷ đồng/năm, tương đương gần 50.000 đô la Mỹ, thì số tiền đó ‘vẫn không thấm tháp gì’ so với thiệt hại do tham nhũng vì mỗi vị bộ trưởng khi bị phát hiện tham nhũng đều ở mức lên tới hàng triệu đô la.
“Chỉ cần bớt được 1 triệu đô la tham nhũng thì số tiền đó trả lương cao được cho cả chục ông bộ trưởng trong một năm,” ông nói.
Tuy nhiên, ở cấp công chức, viên chức, ông Nguyễn Quang A cho rằng ‘tình trạnh tham nhũng vặt, nhũng nhiễu doanh nghiệp’ sẽ được cải thiện nếu mức lương mới tương đương với lương của những người ở các vị trí ngang hàng trong cách ngành công nghiệp, thương mại hay dịch vụ.
“Đối với công chức thì tình trạng chủ yếu là tham nhũng vặt, nhũng nhiễu thì nếu đưa lương của họ lên ngang bằng với mặt bằng xã hội thì tôi nghĩ tham nhũng vặt sẽ bớt đi hẳn,” ông nói.
Cũng theo ông A, chỉ tăng lương thôi mà không có các yếu tố khác để chống tham nhũng ‘thì cũng vô nghĩa’.
“Lương là phải đủ sống nhưng chỉ có lương cao thôi thì chưa thể gọi là chống tham nhũng được. Cần phải có nền tư pháp độc lập, nền báo chí tự do và có cơ quan giảm sát độc lập nữa,” ông lập luận.
Nguồn: VOA
© 2024 | Thời báo ĐỨC