Đường bay quốc tế được mở lại thế nào?
Trả lời VTC News sáng 3/9, Cục trưởng Hàng không Đinh Việt ThắngThắng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý ngay vấn đề mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao, Cục Hàng không đã hoàn thiện phương án khôi phục 6 đường bay quốc tế trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Việt Nam sắp mở lại 6 đường bay quốc tế.
Cụ thể, với Trung Quốc, Cục Hàng không đề xuất mở lại đường bay TP.HCM - Quảng Châu tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên, trong đó, phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác linh hoạt bằng tàu B787 (343 ghế). Phía Trung Quốc chỉ định 1 hãng hàng không khai thác bằng tàu A320 tối đa 200 ghế. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng khách cách ly tại TP.HCM tối đa 540 khách/tuần.
Trong khi đó với Nhật Bản, trong điều kiện nhu cầu kết nối Nhật Bản với 2 đầu Hà Nội và TP.HCM là tương đồng, Cục Hàng không đề xuất nối lại đường bay Hà Nội - Tokyo với với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên và TP.HCM - Tokyo với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.
Vietnam Airlines/Pacific Airlines được chỉ định phối hợp khai thác linh hoạt đường bay Hà Nội - Tokyo bằng tàu bay B787 (343 ghế) vào ngày thứ 3 hàng tuần. Vietjet Air khai thác đường bay Tp. Hồ Chí Minh - Tokyo bằng tàu bay A321 (240 ghế) vào ngày thứ 3 hàng tuần.
Với đường bay đến Hàn Quốc, Cục Hàng không đề xuất Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác đường bay Hà Nội - Seoul với với tần suất 1 chuyến/tuần bằng tàu bay B787. Vietjet khai thác đường bay TP.HCM - Seoul bằng tàu bay A321.
Đường bay đến Đài Bắc (Đài Loan) do Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác đầu TP.HCM bằng tàu bay B787 và Vietjet khai thác đầu Hà Nội bằng tàu bay A320. Dự kiến số lượng khách cách ly tối đa tại Hà Nội là 620 khách/tuần; tại TP.HCM là 700 khách/tuần.
Cục Hàng không đề xuất nối lại đường bay đến Lào và Campuchia với tần suất 1 tuần/chuyến, do Vientam Airlines khai thác.
Lãnh đạo Cục hàng không cũng cho biết, với kế hoạch khai thác như trên, dự kiến số lượng hành khách nhập cảnh hàng tuần vào Việt Nam khoảng gần 5.000 khách.
Nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, đồng thời có thể triển khai kế hoạch khai thác thường lệ nêu trên, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách.
Ngày 1/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ, ngành khác để thống nhất phương án nối lại đường bay quốc tế thường lệ, báo cáo Thủ tướng quyết định.
Bộ GTVT đánh giá các chuyến bay quốc tế thường lệ đến những khu vực ưu tiên trước mắt gồm: Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia).
Hiện nay Vietnam Airlines và Vietjet là hai hãng chiếm hầu hết thị phần bay quốc tế. Cả hai hãng luôn trong trạng thái sẵn sàng mở lại những đường bay quốc tế.
Nhiều nước mở đường bay quốc tế để chặn suy giảm kinh tế
Chính phủ Singapore vừa quyết định mở đường bay quốc tế đến Brunei và New Zealand từ 1/9. Trước đó nước này đã mở đường bay quốc tế đến Malaysia và 6 tỉnh, thành lớn của Trung Quốc. Như vậy, đến nay đã có nhiều quốc gia mở đường bay quốc tế nhằm giải quyết khó khăn cho ngành hàng không và cứu vãn nền kinh tế.
Ong Ye Kung, Bộ trưởng Bộ GTVT Singapore cho biết: ‘Sân bay Changi và Singapore Airlines không chỉ liên quan đến ngành hàng không mà còn liên quan đến toàn bộ nền kinh tế". Trung tâm hàng không Changi (bao gồm các hãng hàng không, sân bay và các công ty xử lý mặt đất) đóng góp hơn 5% tổng sản phẩm quốc nội của Singapore và sử dụng 192.000 lao động. Thời gian qua, hàng không và nền kinh tế Singgapore bị suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Để cứu vãn nền kinh tế, Singgapore đã từng bước mở đường bay quốc tế đến các quốc gia kiểm soát dịch tốt. Theo ông Ong, cả hai quốc gia Brunei và New Zealand đã có thể kiểm soát sự bùng phát COVID-19, với tỷ lệ lây nhiễm tốt với mức dưới 0,1 trường hợp trên 100.000 người dân.
Khách du lịch đến Singapore không bị cách ly 14 ngày nhưng bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước 48 giờ, kể từ lúc nhập cảnh vào nước này. Nếu kết quả dương tính với Covid 19, khách sẽ bị cách ly và phải trả tiền điều trị. Khách nước ngoài không đươc tham gia các phương tiện công cộng lớn như tàu điện, xe buýt. Thay vào đó họ phải di chuyển bằng taxi, hoặc thuê phương tiện cá nhân.
Tương tự, Brunei yêu cầu người nhập cảnh phải chứng minh khả năng tài chính có thể chi trả các chi phí ăn ở nếu họ bị dương tính với Covid 19 và phải cách ly bắt buộc trong 14 ngày. Còn phía Trung Quốc thì yêu cầu khách đến nước này phải có kết quả âm tính (trong 5 ngày trước ngày nhập cảnh) và phải cam kết không tiếp xúc với người dương tính trong 14 ngày gần nhất.
Trong 50 ngày qua, kể từ thời điểm mở một số đường bay quốc tế, Singapore đã đón 83.000 khách du lịch, trong đó có 152 người dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, ông Ong khẳng định: ‘Tôi tin rằng chúng ta có thể cân bằng tốt giữa việc giữ an toàn cho Singapore và du khách ở đây, cũng như hồi sinh lĩnh vực giao thông hàng không và kinh tế’.
Phó chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) Conrad Clifford hoan nghênh quyết định của Singapore và kêu gọi các quốc gia khác hành động tương tự để khôi phục hàng không, phục hồi du lịch, phát triển kinh tế.
Tại châu Á, một số nước như Bangladesh, Brunei, Cambodia, Sri Lanka, Lebanon, Hàn Quốc và Ma-đi-vơ mở cửa lại cho khách du lịch với những yêu cầu cho người nhập cảnh bao gồm cung cấp giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 hoặc cách ly tập trung.
Trong khi đó Thái Lan và Nhật Bản đang bàn với Hồng Kông để mở đường bay nội khối gồm khoảng 8 quốc gia để thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế.
Tại châu Âu, tính tới nay đã có rất nhiều quốc gia mở cửa biên giới trở lại và cho các đường bay quốc tế hoạt động để đón khách du lịch. Hầu hết những nước đã mở cửa trở lại thuộc Liên minh Châu Âu và nằm trong khu vực Schengen, bao gồm Pháp, Ý, Na Uy, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Iceland, Úc, Thuỵ Sĩ, Belarus và một số nước khác.
Ủy viên Bộ Nội vụ của Uỷ ban châu Âu, Ylva Johansson, cho biết: ‘Sau khi dỡ bỏ tất cả các quy trình kiểm tra tại biên giới nội bộ trong khu vực Liên minh, chúng tôi đã đề xuất một cách tiếp cận rõ ràng và linh hoạt hơn nhằm loại bỏ các hạn chế đối với việc đi lại đến EU bắt đầu từ ngày 1/7’.
"Du lịch quốc tế là chìa khóa cho sự phát triển của ngành du lịch và các hoạt động kinh doanh nói chung, và tạo cơ hội cho gia đình và bạn bè được kết nối lại với nhau. Mặc dù tất cả chúng ta sẽ phải cẩn thận hơn trong việc đi lại, nhưng đã đến lúc phải chuẩn bị những phương án cụ thể để dỡ bỏ các hạn chế với các quốc gia có tình hình dịch bệnh tương tự như ở EU, đồng thời cấp thị thực trở lại", Ylva Johansson nói.
Chính phủ một số nước như Belarus, Síp, Pháp, Hy Lạp, Iceland đã đưa ra những yêu cầu nhất định đối với người nhập cảnh để đảm bảo dịch bệnh không lây lan rộng hơn khi các chuyến bay thương mại được nối lại.
Thông thường, người nhập cảnh vào những quốc gia này phải cung cấp bằng chứng xét nghiệm PCR âm tính COVID-19 trong vòng 48 đến 72 giờ trước thời gian khởi hành. Trong trường hợp không cung cấp được giấy chứng nhận, du khách sẽ phải xét nghiệm tại điểm đến hoặc phải tự cách ly 14 ngày.
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều quốc gia châu Âu không yêu cầu người dân tới từ những khu vực trong danh sách được nhập cảnh (hầu hết thuộc Liên minh châu Âu) phải xuất trình bất kỳ giấy tờ gì hay phải tự cách ly, bao gồm Cộng hoà Séc, Đức, Ý, Australia , Na Uy, Bỉ, Áo, Ba Lan và Thuỵ Sĩ.
Tuy số ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận mỗi ngày gia tăng khá nhanh tính từ thời điểm các nước trong khu vực Liên minh Châu Âu mở cửa trở lại nhưng các chính phủ ở đây vẫn kiên định với việc mở rộng các đường bay quốc tế để chặn đà suy giảm kinh tế.
Tại Việt Nam, mới đây Hiệp hội doanh nghiệp hàng không và nhiều chuyên gia kinh tế đã đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay quốc tế đến một số thị trường trọng điểm đang kiểm soát dịch tốt.
TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho rằng: Cần phải có đầu mối đủ mạnh ở Trung ương đứng ra đàm phán, phối hợp với quốc gia kết nối hàng không để thống nhất các điều kiện, quy định, quy trình vận chuyển khách và kiểm soát, phòng ngừa dịch. Đã có nhiều kinh nghiệm quốc tế về việc này, vấn đề là chúng ta cần phải bắt tay vào làm thay vì ngồi than vãn hoặc lo lắng.
Nguồn: BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS - VTC.VN
© 2024 | Thời báo ĐỨC