Việt Nam: Người Việt, tên Tây

Không ít lần tôi thấy sếp – một chị người Mỹ lai – dường như cáu kỉnh với mình. Nguyên nhân thường là chị gọi nhưng tôi không trả lời. Đơn giản vì chị không thể phát âm được, dù là na ná, tên của tôi.

 

Cuối cùng, thay vì mệt nhọc uốn cả môi lẫn lưỡi cũng không được thành “Tuyết“, chị gọi tôi là “June“ (chị biết tôi sinh vào tháng 6). Cái tên nửa Tây nửa việt June Tran vì thế từ đó gắn bó với tôi hơn 20 năm qua.

Tất nhiên, ở nhà bố mẹ tôi không biết và không gọi tôi là June. Bạn bè ở Việt Nam cũng thế. Nhưng gặp người nước ngoài tôi giới thiệu mình là June, để thuận tiện cho cuộc tiếp xúc giữa hai bên – dễ gọi và dễ nhớ.

Đặt tên tiếng Anh, với tôi, đơn thuần là phục vụ mục đích giao tiếp.

Vì vậy, khi biết tin Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM quy định giáo viên bản ngữ không được đặt tên tiếng Anh cho trẻ và không sử dụng các thiết bị nghe nhìn như cassette, CD, bảng tương tác để nghe nhạc, xem video… trong giờ dạy tiếng Anh cấp tiểu học, tôi thấy khá tò mò.

Nhiều năm rồi Việt Nam kêu gọi giáo viên dạy học phải lấy người học làm trung tâm, nhưng các quy định và chỉ thị liên quan tới giảng dạy và học tập như quy định này thì dường như không phải coi người học là trung tâm, không phải coi hiệu quả dạy học là tiêu chí quan trọng.

Không phải thầy nào cũng thích đặt tên cho trò bằng tiếng Anh và không phải trò nào cũng cần tên tiếng Anh.

Tiếng Anh là tiếng không có thanh điệu, vì vậy hiện tượng “tone blind“ (mù thanh điệu) đối với giáo viên người Anh bản ngữ là khá phổ biến. Việc giáo viên đặt tên tiếng Anh cho học sinh, giống như việc sếp tôi gọi tôi là June, đôi lúc là cần thiết để tránh gây nhầm lẫn trong giao tiếp. Hơn nữa, học ngoại ngữ tức là học văn hóa và việc đặt tên tiếng Anh cho người học ở giai đoạn đầu học ngoại ngữ được coi là một trong những hoạt động giúp người học làm quen với ngôn ngữ và văn hóa trong việc đặt tên của người bản xứ.

Theo kinh nghiệm của tôi, đa phần sinh viên khá thích thú với hoạt động này. Tôi không thấy điều này có bất kỳ sự mâu thuẫn nào với các giá trị thuần phong mỹ tục, đặc biệt trong thời đại thế giới ngày càng mở như hiện nay.

Còn việc cấm giáo viên bản ngữ sử dụng các thiết bị nghe nhìn như cassette, CD, bảng tương tác để nghe nhạc, xem video… trong giờ dạy tiếng Anh, theo tôi, cũng đi ngược lại phương pháp giảng dạy ngoại ngữ tiên tiến, đang được Đề án Giáo dục ngoại ngữ 2020 phổ cập cho các giáo viên ngoại ngữ phổ thông trong các lớp bồi dưỡng giáo viên.

Giáo viên, dù là người bản ngữ hay người Việt, đều cần các phương tiện hỗ trợ để giờ học thêm sinh động. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã hỗ trợ đắc lực cho giáo viên ngoại ngữ trong việc đưa văn hóa, đất nước, con người bản ngữ đến gần hơn với người học và tạo các tình huống sinh động để gây hứng thú học tập cho học sinh. Vậy tại sao lại cấm?

Việt Nam: Người Việt, tên Tây - 0

Một trong những băn khoăn lớn nhất của giáo viên tiếng Anh phổ thông trong đợt khảo sát của chúng tôi năm 2013-2014 là làm sao có thể dạy tiếng Anh hiệu quả cho lớp đông học sinh.

Khi mới học tiến sĩ, tôi cũng từng loay hoay tìm kiếm các giải pháp để có thể nâng cao hiệu quả việc dạy ngoại ngữ cho lớp đông người và tuyệt đại đa số phương pháp mà tôi có thể học hỏi được từ các chuyên gia cũng như các tài liệu tham khảo đều gắn với việc sử dụng các thiết bị tương tác.

Lý do được Sở đưa ra – không liên quan gì tới giáo học pháp – là giúp học sinh có cơ hội tương tác, thực hành tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Một giáo viên‚ tương tác với 30 – 40 học sinh, thậm chí đông hơn?

Không cassette, không video, không bảng tương tác.

Phải chăng Sở đang muốn giáo viên bản ngữ thử nghiệm lại thời dạy học thô sơ chỉ với bảng đen và phấn trắng ngày xưa?

Đặt tên tiếng Anh hay việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ đều phục vụ mục đích giao tiếp và giảng dạy. Có thể có những giáo viên bản ngữ lạm dụng nó, tuy nhiên, thay vì cấm đoán, hãy trao quyền quyết định phương pháp giảng dạy cho người thầy và đánh giá họ qua hiệu quả giảng dạy và qua phản ánh của trò.

Chúng ta rõ ràng không muốn giáo dục Việt Nam mang một hình ảnh “lạ lùng“ trong mắt học sinh cũng như các giáo viên bản xứ.

Theo Trần Thị Tuyết / VnExpress.net


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày