Việt Nam lãng phí cả ngàn tỷ đồng cho sách giáo khoa, còn thế giới lại không hề như vậy

Hàng năm, NXB Giáo dục Việt Nam - đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT độc quyền về SGK - phát hành hơn 100 triệu bản. Phần lớn sách chỉ dùng một lần, dẫn đến lãng phí hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Đây là điều gần như không xảy ra tại nhiều nước trên thế giới.

132 1 Viet Nam Lang Phi Ca Ngan Ty Dong Cho Sach Giao Khoa Con The Gioi Lai Khong He Nhu Vay

Sách giáo khoa là gánh nặng của phụ huynh khi vào năm học mới Ảnh: Hoàng Triều

Khác với Việt Nam, học sinh ở nhiều nước được phát hoặc cho mượn sách giáo khoa (SGK), giúp tiết kiệm khoản tiền lớn. SGK điện tử cũng xuất hiện để người học có thêm lựa chọn.

Học sinh sử dụng SGK miễn phí

Các nước có quy định khác nhau về đơn vị biên soạn, in ấn, phát hành SGK, cũng như ai chịu trách nhiệm chọn sách sử dụng trong trường học. Không ít nước cho phép giáo viên bộ môn chọn sách. Cùng cấp và môn học, học sinh có thể dùng nhiều hơn một cuốn SGK.

Nếu năm nào học sinh cũng phải mua sách mới, đây sẽ là gánh nặng tài chính đối với nhiều gia đình. Tuy nhiên, thực tế, SGK không phải nỗi băn khoăn lớn của phụ huynh. Nhiều nước phát sách miễn phí cho học sinh với quy định khác nhau.

Cụ thể, học sinh Nga, Cyprus, Saudi Arabia, Hy Lạp, được phát SGK miễn phí ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, sách không thuộc sở hữu của họ mà phải trả lại để khóa sau tiếp tục sử dụng.

Trong khi đó, học sinh Na Uy chỉ được dùng sách của trường ở cấp tiểu học và THCS. Lên đến THPT, các em tự mua sách.

Tương tự, học sinh tiểu học và THCS ở Pháp nhận sách miễn phí. Ở 3 năm cuối bậc phổ thông, họ phải tự mua sách với sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Chính sách này cũng được áp dụng tại Mexico, Cộng hòa Czech và Slovakia, Nhật Bản, Chile. Tại Indonesia, học sinh tiểu học được phát sách trong khi các cấp khác phải tự mua sách.

Ở Áo, SGK cũng miễn phí. Cha mẹ chỉ đóng một khoản tiền nhỏ mang tính tượng trưng nhằm hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động ngoại khóa.

Tại Canada, học sinh tiểu học chỉ sử dụng sách tại trường. Do đó, họ không cần mua SGK. Ngoài ra, trường phát sách bài tập để học sinh về nhà làm, hoàn toàn miễn phí.

Từ lớp 6 đến lớp 12, học sinh mượn sách từ trường và trả lại khi năm học kết thúc. Ở cấp học này, các em phải tự mua sách bài tập. Chính sách này chỉ áp dụng tại trường công lập. Học sinh của phần lớn trường tư thục phải mua sách.

Trong khi đó, Anh quy định sách thuộc sở hữu của nhà trường. Học sinh được phép sử dụng miễn phí nhưng không được phép ghi chữ, tẩy xóa SGK. Nếu làm hư hại, phụ huynh phải đóng tiền để trường mua sách mới cho học sinh khóa sau.

Italy và Singapore chỉ phát SGK cho học sinh nghèo. Những trường hợp khác, phụ huynh tự mua sách.

Tại phần lớn nước mà phụ huynh không phải mua SGK, sách được sử dụng từ khóa này sang khóa khác, không có chuyện dùng một lần rồi bỏ.

 

“Chúng tôi nhận sách từ nhà trường. Sách không mới vì các anh chị khóa trước cũng dùng nó. Chúng tôi cũng được dặn giữ gìn sách cẩn thận cho khóa sau dùng tiếp”, Ottilie, một sinh viên ở Nga, nói về SGK thời cậu còn học phổ thông.

Với họ, việc dùng sách cũ là bình thường, cũng không cần lo lắng cuốn mình dùng có một số điểm khác so với phiên bản mới hơn. Những nơi học sinh không được phát sách, họ vẫn có nhiều lựa chọn khác để tiết kiệm chi phí. Cụ thể, ở Mỹ, một số bang phát sách, một số bang cho mượn hoặc hỗ trợ học sinh tiền mua SGK. Nhưng lên đến bậc THPT, hỗ trợ này giảm nhiều.

Trong khi đó, giá SGK lại tương đối cao. Để giảm bớt gánh nặng tài chính, học sinh có thể mượn sách từ thư viện trường, nhiều người cùng góp tiền, mua chung một bộ SGK.

Tuy nhiên, phương án được nhiều người lựa chọn nhất là mua sách cũ từ hiệu sách hoặc học sinh khóa trên. Cuối năm, họ có thể giữ lại một số cuốn cần thiết và bán số còn lại.

Ngoài ra, nhiều nước cũng có quy định để khống chế giá và hạn chế việc thay đổi, chỉnh sửa SGK liên tục để đảm bảo người dân không phải chi quá nhiều tiền, càng không lãng phí kiểu dùng một lần rồi bỏ.

 

Tại nhiều bang ở Mỹ, chu kỳ sử dụng SGK là 7 đến 10 năm - một khoảng thời gian dài trước khi họ cung cấp bản mới cho học sinh.

Sắp đến thời của SGK điện tử?

Một trong những biện pháp khác để giảm tiền mua SGK là sử dụng bản pdf. Bản này được đăng trên một số trang. Đương nhiên, người dùng phải chi tiền mới tải về được nhưng ít hơn so với mua sách truyền thống. Dù vậy, đây cũng là điểm giao thoa trong thói quen sử dụng SGK điện tử và sách giấy.

10 năm trước, SGK điện tử còn khó tiếp cận thị phần ở Mỹ - đất nước thường đi đầu về công nghệ - vì chu kỳ sử dụng SGK theo quy định và độ phổ biến của thiết bị cảm ứng chưa cao.

Đến nay, việc sử dụng giáo trình điện tử rất phổ biến ở bậc đại học. Đối với chương trình phổ thông, loại hình SGK này còn cần thời gian để tiếp cận trường học, cũng như học sinh. Tuy nhiên, với hình thức tự học tại nhà (Homeschooling), đây lại là sự lựa chọn hoàn hảo.

Không chỉ riêng Mỹ, khi cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ, nhiều nước cũng từng bước phát triển SGK điện tử. Từ năm 2014, Hà Lan mở hơn 20 trường Steve Jobs. Tại những trường này, chính quyền cung cấp cho học sinh iPad, SGK điện tử cùng các ứng dụng giáo dục.

Loài SGK mới thay đổi cách giáo viên dạy và học sinh học. Theo đó, thầy cô đóng vai trò hướng dẫn sử dụng chương trình. Học sinh sử dụng iPad để chủ động tiếp thu kiến thức.

Canada cũng là một trong những nước đi đầu về SGK điện tử. Với lợi thế về giá thành, loại sách này đang dần chiếm thị phần dù rằng SGK truyền thống vẫn là lựa chọn chính.

Trong khi đó, dù 100% sách tại các trường học vẫn là bản giấy, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Trung Quốc bắt đầu phát triển ứng dụng trên điện thoại cho học sinh cấp THCS sở lên. Các ứng dụng này bao gồm bài tập, bài kiểm tra liên quan nội dung trong SGK.

Nguồn: ZING.VN

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày