Việt Nam đứng đầu thế giới về kiếm tiền từ video YouTube xấu độc

Theo số liệu từ Bộ TT&TT phối hợp cùng Google đo kiểm, cứ 10 đồng kiếm được nhờ video sai phạm, độc hại trên YouTube thì 5,8 đồng đến từ các video có nguồn gốc Việt Nam.

132 1 Viet Nam Dung Dau The Gioi Ve Kiem Tien Tu Video Youtube Xau Doc

Theo dữ liệu từ Bộ TT&TT cùng Google, hiện Việt Nam đang đứng đầu thế giới về doanh thu từ các video xấu độc.

Thông tin trên được chia sẻ tại buổi làm việc về chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì chiều 25/6.

Đại diện Bộ TT&TT cho biết sau quá trình tự đo kiểm và phối hợp cùng số liệu từ Google, công ty mẹ của YouTube, cơ quan này đã phát hiện 55.000 video có nội dung bạo lực, xấu độc và vi phạm pháp luật, phát tán tin giả.

Một năm gần đây, hai bên đã phối hợp để gỡ bỏ 8.000 video có những nội dung dạng này.

Do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn nhiều bất cập, nên việc gỡ bỏ này, theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, "chỉ như bắt cóc bỏ đĩa".

Cũng theo số liệu từ Google, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về việc người sản xuất nội dung YouTube kiếm tiền từ các video xấu độc. Doanh nghiệp này chia sẻ cứ 10 đồng kiếm được từ các video sai phạm, độc hại thì 5,8 đồng đến từ các video có nguồn gốc từ Việt Nam.

Cơ quan chức năng Việt Nam cũng như Google nhận định sự phối hợp của hai bên vẫn còn bị động. Chỉ khi Bộ TT&TT yêu cầu gỡ bỏ thì YouTube mới thực hiện và chỉ gỡ bỏ từng video thay vì cả kênh có nội dung xấu độc.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ cũng cho hay dù các nội dung xấu độc chỉ chiếm 0,1% số lượng video trên YouTube, tính năng gợi ý video khiến những nội dung này lan rộng rất nhanh và gây tác động lớn.

Đặc biệt, những kênh có nội dung vi phạm pháp luật, độc hại vẫn được YouTube bật chức năng kiếm tiền. Nhiều video kiếm được 100-300 USD, trở thành nguồn thu đáng kể với các đối tượng sản xuất nội dung chống phá. Nguồn tiền này lại đến từ chính các nhãn hàng, doanh nghiệp trong nước.

Các doanh nghiệp cũng đã biết việc này từ 2017 nhưng không có giải pháp hữu hiệu để can thiệp cách phân phối quảng cáo bởi hoạt động này do Google và YouTube kiểm soát hoàn toàn. Đa số doanh nghiệp khi nhận cảnh báo của Bộ TT&TT đều rất bất ngờ và hoàn toàn phản đối việc quảng cáo của mình bị đặt trong các video xấu độc.

Đến ngày 25/6, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ TT&TT đã phát hiện khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip xấu độc.

Google và YouTube hiện đều có chức năng mua thẳng quảng cáo, không qua đại lý, pháp nhân ở Việt Nam, thanh toán qua thẻ tín dụng. Đây là hoạt động vi phạm pháp luật. Nhà nước không thu được bất kỳ đồng thuế nào trên doanh thu từ những hoạt động này.

Trước đó, Bộ TT&TT đã cảnh báo hàng chục doanh nghiệp có quảng cáo trong các clip phản động, hoặc quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh các video xấu độc.

Danh sách doanh nghiệp này bao gồm những cái tên lớn như FLC, AirAsia, công ty phân phối ôtô du lịch Chu Lai Trường Hải, một số trường đại học lớn tại Việt Nam như Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Thương Mại, Đại học Quốc gia Hà Nội...

Ngô Minh

Nguồn: news.zing.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày